Rộng đường xuất khẩu khi HTX đáp ứng yêu cầu về nhãn hữu cơ

Nhiều HTX đang định hướng xuất khẩu nông sản, hàng hóa sang thị trường EU, Nhật Bản, Mỹ..., nhưng còn gặp khó khăn trong thiết kế nhãn hữu cơ. Trong khi đó, nếu không đáp ứng được quy định về nhãn hữu cơ, hàng hóa của HTX khó vượt qua được vòng kiểm tra của lực lượng hải quan các nước một cách hợp pháp, thuận lợi.

Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (Bà Rịa Vũng Tàu) cho biết, HTX chuyên sản xuất tôm nhưng việc làm sao để bảo đảm về tiêu chuẩn, kích thước nhãn hữu cơ, đáp ứng yêu cầu của những thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU… đang là điểm chưa mạnh của HTX. Đây là những thị trường khắt khe, với những yêu cầu cao nhất hiện nay.

Nhiều trăn trở

Ông Chuyên chia sẻ, logo hữu cơ EU thường có phiên bản màu xanh lá - trắng, nhưng HTX không biết có in trên nền trắng hoặc sáng được không, vì màu sắc, chất liệu bao bì của HTX khi áp dụng quy trình in lại không thể thiết kế được phiên bản xanh lá - trắng theo yêu cầu.

Còn theo bà Nguyễn Thị Nhã, thành viên HTX nhãn lồng Quảng Châu (Hưng Yên), các thành viên HTX cũng chưa nắm chắc được quy định về logo hữu cơ JAS (Nhật Bản) về kích thước, cỡ chữ bên trong logo. Điều này có thể làm giảm chất lượng bao bì, ảnh hưởng đến quá trình xuất khẩu nông sản của HTX.

Nhãn hữu cơ nếu thiết kết đúng quy định của từng thị trường sẽ mở rộng đầu ra cho HTX.

Nhãn hữu cơ nếu thiết kết đúng quy định của từng thị trường sẽ mở rộng đầu ra cho HTX.

Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Đỗ Duy Nam, Giám đốc một doanh nghiệp thiết kế bao bì ở Hà Nội cho biết, trong quá trình hỗ trợ các đơn vị xuất khẩu thấy còn quá ít đơn vị sản xuất và cả đơn vị thiết kế logo hàng hóa ở Việt Nam có ý thức đăng ký sở hữu trí tuệ chính logo hàng hóa của mình, chứ chưa nói đến người sử dụng có quan tâm không đến nhãn hàng hóa, logo hàng hóa xuất khẩu. Trong khi đó, theo pháp luật của thị trường EU và Mỹ, riêng việc dán nhãn không phù hợp có thể bị phạt rất nặng.

Hiện, nhiều HTX đang quan tâm, trăn trở đến việc hoàn thiện nhãn hàng hóa xuất khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Nhiều sản phẩm, hàng hóa của các HTX đã khẳng định được chất lượng cao nên việc HTX quan tâm đến hoàn thiện nhãn hàng hóa sẽ tránh được tình trạng gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng.

Nâng cạnh tranh, mở thị trường

Trước thực trạng mà các HTX đang gặp phải, có thể khẳng định, muốn xuất khẩu vào những thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản, các HTX chắc chắn phải thiết kế, ghi nhãn hữu cơ theo đúng tiêu chuẩn của từng thị trường này đặt ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điểm khác biệt lớn so với thị trường Mỹ là EU đã thực hiện cụ thể hóa quy định ghi nhãn cho nhiều loại sản phẩm hơn. Thực tế này không chỉ giúp doanh nghiệp mà còn giúp các HTX thuận lợi hơn khi xác định một sản phẩm nhất định phải được dán nhãn như thế nào.

Nhìn chung, những yêu cầu về dán nhãn hữu cơ được EU, Mỹ, Nhật Bản quy định rất nghiêm ngặt, chi tiết. Nếu HTX không đáp ứng được thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa hàng hóa tiếp cận các thị trường này.

Cụ thể, nhãn hữu cơ của EU có thể sử dụng với mục đích dán nhãn/quảng cáo/dùng trong tài liệu thương mại của các sản phẩm. Nếu HTX sử dụng thuật ngữ hữu cơ/Organic trên nhãn thì bắt buộc phải có CU Code “VN-BIO-149” (số mã code). Logo hữu cơ EU tuy không bắt buộc cho sản phẩm ở nước thứ 3 như Việt Nam nhưng một khi đã dùng thì buộc phải chỉ rõ nguồn gốc của nguyên liệu.

Ông Vũ Đình Cường, đại diện doanh nghiệp liên kết với HTX xuất khẩu nông sản cho biết, nhãn hữu cơ EU thường có 2 loại là nhãn có thể sử dụng logo EU và nhãn không sử dụng logo EU. Nếu nhãn có logo thì thông thường, kích thước logo hữu cơ EU không nhỏ hơn 13,5:9mm. Trường hợp ngoại lệ, khi kích thước bao bì rất nhỏ, thì tỷ lệ logo EU có thể sử dụng là 9:6 mm. Đặc biệt, HTX không thay đổi hình dạng, thêm văn bản vào logo; không thay đổi màu sắc, tạo thêm hiệu ứng, thiết kế logo trong suốt.

Còn đối với mỗi chứng nhận hữu cơ của Nhật Bản, sản phẩm bán sang thị trường này phải có logo JAS nhưng nhãn hữu cơ cho sản phẩm tươi và sản phẩm đã qua chế biến sẽ có sự khác nhau. Trong đó, nhãn đối với sản phẩm đã qua chế biến sẽ chi tiết hơn, như yêu cầu ghi rõ về nguồn gốc nguyên liệu, điều kiện bảo quản…

Tại thị trường Mỹ, sản phẩm được phân loại là 100% organic có thể dán nhãn là Organic, và không có ngược lại. Đặc biệt, chỉ sản phẩm được phân loại là 100% Organic và Organic mới được phép sử dụng logo USDA.

Đặc biệt, thông tin trên nhãn hữu cơ Mỹ phải được ghi rõ ràng để người tiêu thụ ở tầng lớp bình dân có thể hiểu được. Nếu nhãn sản phẩm có ghi bằng tiếng nước ngoài, thì trên nhãn đó vẫn phải ghi cả bằng tiếng Anh tất cả các thông tin theo quy định.

Ông Lê Quý Hòa Bình, Quản lý chứng nhận của Control Union cho biết, mỗi thị trường, nhãn hữu cơ sẽ có quy định chi tiết về kích thước, màu sắc, nội dung thông tin, cách sử dụng nhãn, logo... nhằm yêu cầu người nhập khẩu có trách nhiệm đảm bảo rằng bất kỳ sản phẩm nào được nhập đều phải được dán nhãn theo đúng các quy định có liên quan.

Do đó, việc ghi nhãn hữu cơ cần đáp ứng được các nguyên tắc chung là đầy đủ thông tin để người tiêu dùng ở các nước có thể lựa chọn cũng như có thể truy xuất nguồn gốc khi lô hàng đó có sự sai phạm.

Nhưng các HTX cũng cần hiểu rằng, việc thiết kế đúng nhãn hữu cơ của các thị trường này có vai trò rất lớn trong việc cạnh tranh, quảng bá sản phẩm. Cụ thể đối với HTX xuất khẩu tiêu hữu cơ sang EU, nếu nhãn sản phẩm ghi rõ là thành phần 100% hữu cơ thì chắc chắn sẽ có ưu thế lớn trong tiếp cận người tiêu dùng.

Ngoài ra, một điểm đặc biệt là sản phẩm đăng ký nhãn hữu cơ cũng giúp mở rộng thị trường tiêu thụ. Chẳng hạn như sản phẩm đăng ký nhãn hữu cơ của Mỹ thì được phép tick thêm USCOEA. Tức là sau khi được chứng nhận, sản phẩm có thể bán dưới dạng hữu cơ vào thị trường Canada theo thỏa thuận tương đương giữa Mỹ và Canada.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/rong-duong-xuat-khau-khi-htx-dap-ung-yeu-cau-ve-nhan-huu-co-1102151.html