Rộng đường xuất khẩu nhờ sản xuất xanh
Nhiều doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đã quan tâm đến sản xuất xanh, để bảo vệ môi trường, vì trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và hướng tới mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bước chân vào sản xuất xanh, doanh nghiệp sẽ áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng như sử dụng các nguyên vật liệu xây dựng, sản xuất giúp giảm chi phí điện năng (như cửa sổ tiết kiệm năng lượng, sơn phản nhiệt, hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED thay cho đèn huỳnh quang, cảm biến quang điện, hệ thống thông gió thu hồi nhiệt, máy biến tần…).
Đó không đơn thuần là tiết kiệm chi phí đầu vào để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, mà sản xuất xanh còn giúp doanh nghiệp đạt được các chứng chỉ xanh, các tiêu chuẩn quốc tế, như ISO 14000 - tấm vé thông hành giúp doanh nghiệp thâm nhập thị trường các nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là những thị trường khó tính nhưng có mức chi tiêu cao như Mỹ, châu Âu, Australia…
Hãng Adidas yêu cầu các nhà cung cấp nguyên liệu tại Việt Nam giảm 50% lượng nước, giảm 20% năng lượng và 75% lượng giấy sử dụng trên mỗi nhân viên. Adidas cũng đã kết nối với các cung cấp sợi bông sản xuất theo tiêu chuẩn "có trách nhiệm với cộng đồng" để thay thế 43% số lượng bông tiêu thụ hàng năm. Hãng này còn áp dụng phân tích định kỳ các nhà cung cấp về các chỉ số xanh, quy định mục tiêu giảm năng lượng tiêu thụ, nước sạch, khí thải CO2. Như vậy, sản xuất xanh là một yêu cầu bắt buộc cho các doanh nghiệp là nhà cung cấp của họ.
Với Heineken Việt Nam, từ năm 2017, 100% nước thải đều được xử lý đạt và vượt chuẩn và có thể tái sử dụng an toàn cho các mục đích khác như tưới cây. Các nhà máy của Heineken Việt Nam dẫn đầu về hiệu suất sử dụng nước trong các nhà máy của Heineken tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Công ty cũng đi đầu về áp dụng mô hình nền kinh tế tuần hoàn trong các hoạt động của mình. Công ty đã thu mua khoảng 54.000 tấn vỏ trấu và mùn cưa từ nông dân để tạo ra nhiệt năng phục vụ sản xuất. Với sáng kiến này 4 trong số 6 nhà máy của Công ty nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo không phát thải khí carbon. Không những vậy, sáng kiến này giúp mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân Việt Nam cũng như hỗ trợ phát triển ngành năng lượng sinh khối ở Việt Nam.
Mặt khác, Heineken Việt Nam cũng liên tục tìm kiếm những sáng kiến mới để tận dụng phế phẩm từ các nhà máy của mình. Từ năm 2017, Heineken Việt Nam hầu như không có chất thải cần chôn lấp trong hoạt động sản xuất – 99,01% phụ phẩm và phế liệu được tái sử dụng hoặc tái chế, chỉ khoảng gần 1% thất thoát hoặc được đem đi chôn lấp.
Thêm vào đó, Heineken tiếp tục nỗ lực để có thể hoạt động bền vững tối đa trong vận hành hàng ngày. 100% tủ lạnh mang nhãn hiệu Heineken trên thị trường đều là tủ lạnh được sản xuất xanh thân thiện với môi trường. Khu vực đón khách thăm quan bên trong nhà máy HEINEKEN tại Quận 12, thành phố Hồ Chí Minh được vận hành bằng 100% năng lượng mặt trời.
Đến nay, nhiều doanh nghiệp thuần Việt đã quan tâm đến sản xuất xanh, để bảo vệ môi trường, vì trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và hướng tới mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu. May 10, đang chú trọng hơn sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, nhiên liệu, hóa chất không gây độc hại. Lựa chọn những công nghệ phù hợp với mình; chuẩn bị đầu tư bài bản để đổi mới công nghệ theo các tiêu chí xanh của sản phẩm, tận dụng các nguồn vốn sẵn có và ưu đãi cho đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ cao thân thiện môi trường. Sẵn sàng chấp nhận và loại bỏ các công nghệ cũ, đã lỗi thời không đảm bảo chất lượng sản phẩm và gây tổn hại cho môi trường.
Năm 2022, May 10 được trao tặng danh hiệu đơn vị 5 sao "Năng lượng xanh 2022" - danh hiệu cao nhất nhờ đầu tư vào nhiều giải pháp trong sản xuất xanh như tiết kiệm năng lượng, tích hợp điều khiển thông minh cho các hệ thống trong tòa nhà; sử dụng các thiết bị có hiệu suất cao; lắp biến tần cho các động cơ;... Các hệ thống chiếu sáng, hệ thống điều hòa không khí cũng được điều chỉnh cho phù hợp với các khu vực theo mùa và theo thời gian trong ngày để tránh lãng phí năng lượng mà vẫn đảm bảo hoạt động. Năm 2022, May 10 hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra khi đạt tổng doanh thu 4.500 tỷ đồng, tăng 18,42% so với kế hoạch, tăng 27,93 % so với năm 2021, trong đó, có sự đóng góp quan trọng từ xuất khẩu.
Mới đây, bà Thái Hương - nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH tuyên bố, TH sẽ đầu tư nhiều dự án xanh, kinh tế tuần hoàn trên vùng đất Tây Nguyên. Tập đoàn TH đã ký kết hai biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Đăk Nông và UBND tỉnh Lâm Đồng về phát triển các dự án đầu tư áp dụng công nghệ cao theo định hướng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn trên nền tảng phát triển bền vững ở các lĩnh vực Nông, Lâm nghiệp và thảo dược; thương mại, dịch vụ, du lịch; công nghiệp khai khoáng.