RONG RUỔI TÌM MỘ LIỆT SĨ (*): Vào Tây Nguyên sống để tìm đồng đội

Nghĩ về đồng đội còn nằm lại giữa núi rừng Tây Nguyên, chú quyết định đưa gia đình từ tỉnh Thái Bình vào tỉnh Đắk Nông sinh sống để thuận tiện cho việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ - cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung chia sẻ

Những ngày cuối tháng 7-2022, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Thành Chung (phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) vẫn miệt mài cùng lực lượng chức năng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại 3 địa điểm ở huyện biên giới Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.

Đau đáu hình bóng những đồng đội

Quê ở tỉnh Thái Bình, năm 1971 chàng trai 20 tuổi Nguyễn Thành Chung tình nguyện tham gia quân ngũ. Sau thời gian ngắn huấn luyện, ông được điều vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Năm 1972, ông tham gia cuộc chiến đấu ác liệt của chiến dịch Nguyễn Huệ. Sau đó, ông trở thành bộ đội trinh sát của Tiểu đoàn độc lập số 4, Bộ Tư lệnh miền Đông Nam Bộ. Cuối năm 1973, ông cùng đồng đội vượt qua hàng trăm cây số lên mặt trận Quảng Đức - Nam Tây Nguyên (thuộc tỉnh Đắk Nông ngày nay) tham gia chiến đấu.

Suốt những năm tháng hành quân, chiến đấu ác liệt, ông Chung chứng kiến nhiều đồng đội ngã xuống dưới làn mưa bom bão đạn và được chôn cất nơi rừng núi hẻo lánh. Trực tiếp chôn cất đồng đội, ông cẩn thận vẽ lại sơ đồ với hy vọng khi hòa bình sẽ cùng gia đình đi tìm hài cốt đồng đội.

Cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung (thứ hai từ trái qua) trong một lần tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Ảnh: BẢO AN

Cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung (thứ hai từ trái qua) trong một lần tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Ảnh: BẢO AN

Sau chiến tranh, ông Chung về quê sinh sống. Cuộc sống rất khó khăn nhưng trong ông luôn đau đáu hình bóng những đồng đội mười tám, đôi mươi đã ngã xuống. Một trong những đồng đội của ông là ông Vũ Tá Trường, người bạn cùng tuổi, cùng quê, cùng nhập ngũ và cùng đơn vị chiến đấu. Năm 1973, tại đồi Bù Room (nay là thôn 8, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức), ông Trường đã hy sinh trong một trận chiến đấu ác liệt.

Năm 2006, từ sơ đồ cũ còn lưu lại, ông Chung cùng gia đình liệt sĩ Vũ Tá Trường đã tổ chức tìm kiếm và quy tập hài cốt đưa về quê hương. Ngoài ra, còn 4 liệt sĩ khác cũng được tìm thấy, hiện đã quy tập tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông.

Sau chuyến tìm kiếm này, ông đã đưa cả gia đình vào Đắk Nông sinh sống để thuận tiện cho việc tìm kiếm hài cốt đồng đội. "Chuyển cả gia đình vào Đắk Nông sinh sống là quyết định khó khăn của cuộc đời chú. Nhà chú rất nghèo, bản thân chú và con trai bị ảnh hưởng chất độc màu da cam. Vậy nhưng hiểu được tâm nguyện của chú, vợ và các con hết lòng ủng hộ" - ông Chung tâm sự.

Miệt mài đi tìm đồng đội

Với chuyến tìm kiếm hài cốt đồng đội đầu tiên vào năm 2006 khá thuận lợi, ông Chung bắt đầu những tháng năm đi tìm mộ liệt sĩ. Từ năm 2006 đến năm 2009, ông đã nhiều lần rong ruổi các tỉnh, thành quy tập hài cốt liệt sĩ. Đến năm 2010, ông Chung bắt đầu phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông và các cơ quan chức năng trong việc tìm kiếm. Có những chuyến đi kéo dài nửa tháng nhưng bao vất vả, nhọc nhằn đều tan biến khi những hài cốt liệt sĩ được tìm thấy và được đưa về với người thân, Tổ quốc! Suốt 16 năm qua, cùng với cơ quan chức năng, đồng đội, thân nhân các liệt sĩ, CCB Nguyễn Thành Chung đã tìm được 74 hài cốt liệt sĩ.

Thượng tá Đặng Văn Tiến, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông, cho biết ông Nguyễn Thành Chung rất nhiệt tình, phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các đồng đội cũ trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Sau khi tiếp nhận thông tin, ông Chung cùng phối hợp tìm dữ liệu, phân tích đánh giá, đi khảo sát và xây dựng kế hoạch quy tập hài cốt liệt sĩ. Quá trình thực hiện việc tìm kiếm hài cốt đồng đội của ông rất hiệu quả, trong 3 năm gần đây đã tìm thấy gần 30 hài cốt liệt sĩ.

Hiện ông Chung đã 71 tuổi, sức khỏe không còn như trước, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Tuy nhiên, nghĩ về những đồng đội chưa được tìm thấy, ông vẫn tiếp tục để đưa họ về các nghĩa trang liệt sĩ, nơi mà Tổ quốc ghi công, nhân dân tưởng nhớ. "Mình được sống, còn đồng đội mới mười tám, đôi mươi đã phải nằm lại nơi chiến trường. Nếu biết thông tin về hài cốt mà không đi tìm là có tội với đồng đội" - ông Chung bộc bạch.

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, trong đó có phương pháp giám định gien. Từ năm 2011-2021, đã lấy 41.119 mẫu hài cốt liệt sĩ để giám định ADN; thực hiện giám định được 9.403 mẫu. Qua phân tích, đối chiếu với 3.436 mẫu ADN thân nhân liệt sĩ, đã xác định được danh tính của 1.389 liệt sĩ.

Vị thuyền trưởng tàu không số và hành trình tìm mộ đồng đội

Sự hy sinh của 2 đồng đội khi bị địch nã pháo là thuyền phó Dương Văn Lộc và thủy thủ Trần Nhợ, làm trung tá - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Hồ Đắc Thạnh (SN 1934, phường 3, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), thuyền trưởng con tàu mang bí số 41 thuộc Đoàn tàu không số, day dứt suốt thời gian dài. Vì vậy, sau ngày đất nước thống nhất, ông bắt đầu đi tìm mộ của 2 đồng đội. "Khi chôn cất các đồng đội trong vườn nhà dân, trên mỗi nấm mộ tôi đều làm bia viết tên đồng chí hy sinh trên 1 miếng tôn. Rất tiếc là sau khi đất nước thống nhất, những người tập kết mộ về nghĩa trang liệt sĩ lại không biết ai nên đều ghi là vô danh. Chính vì vậy, tôi về Đức Phổ 3 lần nhưng vẫn không thể nào tìm được mộ 2 đồng đội" - ông Hồ Đắc Thạnh quả quyết.

Sau đó, ông phải nhờ đến nhà ngoại cảm mới tìm được mộ của 2 đồng đội Lộc và Nhợ ở nghĩa trang xã Phổ An. Dù gia đình của 2 liệt sĩ đều rất tin tưởng nhưng chính quyền xã không đồng ý, vì cho rằng phương pháp mới quá, không thể tin được. "Cuối cùng lần thứ 4, tôi lặn lội gõ cửa nhiều nơi, từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định (quê hương liệt sĩ Nhợ) đến Quảng Nam (quê hương liệt sĩ Lộc), rồi Cục Người có công của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho tôi lấy sinh phẩm của mộ liệt sĩ để xác định ADN và được bộ đồng ý. Tôi bắt đầu đưa người đến để lấy sinh phẩm. Kết quả xác định đúng là mộ 2 liệt sĩ Lộc và Nhợ" - ông nói trong niềm phấn khích.

Hồng Ánh

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-7

CAO NGUYÊN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/rong-ruoi-tim-mo-liet-si-vao-tay-nguyen-song-de-tim-dong-doi-20220726203311868.htm