Rồng trong văn hóa tôn giáo và tín ngưỡng dân gian
Rồng vừa đại diện cho hình ảnh nguồn gốc dân tộc Việt, vừa biểu trưng cho những hộ pháp của Phật giáo cũng như hình ảnh kết nối với những giá trị vàng son của các triều đại lịch sử nên biểu tượng và ý nghĩa nội hàm của loài này cần được nghiên cứu, phát huy và quảng bá hơn nữa trong đời sống hiện đại.
Mục lục bài viết
Rồng vừa đại diện cho hình ảnh nguồn gốc dân tộc Việt, vừa biểu trưng cho những hộ pháp của Phật giáo cũng như hình ảnh kết nối với những giá trị vàng son của các triều đại lịch sử nên biểu tượng và ý nghĩa nội hàm của loài này cần được nghiên cứu, phát huy và quảng bá hơn nữa trong đời sống hiện đại.
Tạo hình của Rồng
Rồng trong kinh điển, văn hóa Phật giáo
Rồng trong văn hóa, tín ngưỡng dân gian
Kết luận
Rồng vừa đại diện cho hình ảnh nguồn gốc dân tộc Việt, vừa biểu trưng cho những hộ pháp của Phật giáo cũng như hình ảnh kết nối với những giá trị vàng son của các triều đại lịch sử nên biểu tượng và ý nghĩa nội hàm của loài này cần được nghiên cứu, phát huy và quảng bá hơn nữa trong đời sống hiện đại.
Tác giả: Diệu Hỷ
Rồng tiếng Phạn là “naga”, đồng thời các dân tộc Trung Hoa, Việt Nam được xem là truyền nhân của rồng, sau đó hình ảnh này từng bước phát triển thành loài động vật thần kỳ có địa vị cao quý, linh thiêng trong văn hóa truyền thồng Á Đông. Tương truyền, rồng có thần tính “thích nước”, “bay giỏi”, “thông thiên”.
Sau khi truyền vào Trung Quốc, Phật giáo đã kết hợp chặt chẽ với văn hóa truyền thống bản địa, đặc biệt trong thời kỳ Đường (618-907) , Tống (960-1279) đã tiến hành bản thể hóa và thế tục hóa Phật giáo. Do vậy, Phật giáo ảnh hưởng lớn đối với văn hóa Trung Quốc. Điển hình nhất là sự kết hợp giữa loài rồng trong Phật giáo và long thần, thủy thần, hà bá trong thần thoại cổ đại Trung Quốc, cuối cùng thành tín ngưỡng long vương có ảnh hưởng sâu rộng trong tâm thức dân gian.[1]
Tạo hình của Rồng
Về hình dạng, rồng phương Đông là sự hỗn hợp của nhiều loài động vật khác nhau: đầu lạc đà, sừng của hươu, tai của bò, mắt của thỏ, mình rắn phủ đầy vẩy cá, vẩy theo hàng xương rồng cho tới quanh mồm, đuôi rắn tận cùng bằng vây sắc nhọn, chân phối hợp giữa chân hổ và gót móng chim ưng, phần phụ ở vai và háng như những tia lửa, hơi thở của rồng bao gồm mây và nước. Số móng của rồng bình thường có bốn hàng, riêng rồng của nhà vua thì có năm hàng.[2]
Trong truyền thống Ấn Độ, Tây Tạng thì long vương, long nữ hay long chúng được mô tả hình dạng nửa trên là người, nửa dưới là rắn.
Theo kinh Tu-di Tạng, báo thân rồng có 5 thứ[3]:
1. Thiện Trụ long vương, là tất cả long vương có hình voi.
2. Nan-đà long vương, còn gọi là Hoan Hỉ, là tất cả long vương có hình rắn.
3. A-na-bà-đạt-đa long vương, Trung Hoa gọi là vô nhiệt não, còn gọi là thanh lương, là tất cả long vương có hình ngựa. Theo kinh Báng Phật, loại long vương này xa lìa được ba thứ họa của các loài rồng: cát nóng không thể rơi vào đầu; không dùng thân rắn hành dục; không sợ loài kim xí điểu.
Còn lại các loài rồng khác ở Diêm-phù-đề đều có 4 thứ khổ. Ba thứ vừa nói cộng với gió thổi vào y báu thì lộ thân mà sinh khổ. Chỉ có loài long vương này là không bị các thứ phiền não đó, nên nói thanh lương. Theo luận Đại Trí Độ, loài long vương này là bồ tát Thất trụ.
4. Bà-lâu-na long vương, đây gọi là thủy long vương, là long vương có hình cá.
5. Ma-na-tu-bà-đế long vương, đây gọi là từ tâm, cũng gọi là cao ý, vì có uy đức và tâm ý cao hơn các rồng khác. Loài này có dạng như ễnh ương. Trong luật nói có bốn thời chúng không thể biến hình: mới sinh, lúc chết, ngủ và hành dục. Các thời còn lại đều có thể biến hình.
Trong văn hóa Trung Hoa thì hình tượng rồng được biến thể thành nhiều dạng qua khái niệm “Long sinh cửu tử” hay “Long sinh cửu chủng”.
Hình tượng rồng ở mái đao chùa Tây Phương, Hà Nội. Nguồn: St
– Chín đứa con của rồng này gồm có: tù ngưu (vì thích âm nhạc nên tạc trên cán hồ cầm), nhai xế (ưa giết chóc nên tạc trên cán đao), trào phong (ưa nguy hiểm nên tạc trên nóc cung điện), bồ lao (đúc trên quai chuông), toan nghê (ưa ngồi nên hay dùng làm tòa của tượng Phật), bá thượng (ưa vác nặng, hay tạc đội bia), bệ ngạn (ưa cãi vã, dùng trang trí cửa ngục, giống đầu sư tử), bi hí (ưa văn chương, tạc ở 2 cạnh bia), xi vẫn (ưa ăn nuốt, trang trí đầu góc mái nhà).[4]
– Lại có thuyết khác cho rằng:
+ Bí hị là con trưởng của rồng (còn gọi bá hạ, bát phúc, thạch long quy, đầu rồng mình rùa, chịu được sức nặng, trang trí bệ đỡ cột, bia),
+ Li vãn là con thứ 2 (còn gọi si vẫn, thích ngắm cảnh, trừ được hỏa hoạn nên trang trí đầu đốc nhà),
+ Bồ lao là con thứ 3 của rồng (thích âm thanh lớn, dùng làm quai chuông),
+ Bệ ngạn là con thứ 4 (còn gọi bệ lao hay hiến chương, có nanh dài giống hổ, thích thị uy, lý lẽ, cãi lý chống bất công, đặt ở pháp đường, răn đe người phải sống lương thiện),
+ Thao thiết là con thứ 5 (mắt to miệng rộng, thích ăn uống, hay trang trí trên đồ dùng ăn uống để nhắc nhở mọi người chớ ham ăn mất lịch sự),
+ Công phúc là con thứ 6 (thích nước nên hay được trang trí trên tàu thuyền, cầu cống…),
+ Nhai xế là con thứ 7 (tính hung hăng hay được trang trí trên vũ khí), toan nghê (thích yên tĩnh ngắm khói hương nên hay trang trí đỉnh, lư),
+ Tiêu đồ là con út của rồng (thích ngủ cuộn tròn, không thích kẻ lạ xâm nhập lãnh địa nên hay được trang trí trên cửa cổng, phần tay cầm).[5]
Trong các hình tượng rồng độc đáo trên thế giới nói chung và đông á nói riêng phải kể tới rồng thời nhà Lý (1009-1224) của Việt Nam. Hình ảnh thuôn dài mềm mại, chiếc mào lớn như rắn thần naga trong văn hóa đông nam á của rồng thời Lý chưa hẳn đặc trưng nhất vì rồng Trung Hoa ở các giai đoạn khác nhau cũng có đặc điểm này, đặc trưng kỳ lạ nhất của rồng Lý phải kể đến nó được tạo hình với rất nhiều ngọc (long châu) xung quanh.
Tôi và nhà nghiên cứu khảo cổ Đào Xuân Ngọc[6] quan sát thống kê cho thấy rồng thời kỳ này thường có 3 đến 9 viên long châu được trang trí xung quanh. Đây là điểm khác thường so với các nước đông á khác như Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản nơi thường chỉ mô tả chủ yếu 1 viên long châu.
Đặc điểm nhiều ngọc long châu này dường như giống với rắn thần naga của văn hóa Ấn Độ và các nước Thái Lan, Miến Điện, Lào và Campuchia vì văn hóa ở đây quan niệm rắn thần càng tu luyện công phu càng sinh ra nhiều ngọc. Ở đây cho thấy rồng nhà Lý của Việt Nam vừa hòa trộn hình dáng của nhiều nền văn hóa vừa được linh thiêng siêu nhiên hóa thêm một cấp độ so với rồng thường thấy của các nước đồng văn theo truyền thống nho giáo.
Rồng trong kinh điển, văn hóa Phật giáo
Theo truyền thuyết, rồng là loài vật linh thiêng, có thần thông, có khả năng làm mưa, phun ra khói, lửa, thăng, giáng, ẩn, hiện, biến hóa lớn nhỏ một cách tự tại.
Theo Đại Phẩm của Luật tạng, vào tuần lễ thứ ba sau khi thành đạo, khi Đức Phật ngồi thiền định dưới gốc cây Mucalinda thì mưa to gió lớn nổi lên, một con rắn mãng xà 7 đầu đến quấn quanh mình Ngài và cất cao đầu lên che mưa cho Ngài[7] và hình ảnh này đã trở thành một trong các hình ảnh phổ biến nhất về đức Thế Tôn trong truyền thống nam tông.
Ngoài ra kinh điển còn ghi nhận rất nhiều liên quan đến loài rồng như:
Phẩm súc sinh trong kinh Chính Pháp Niệm Xứ, kinh Tăng Hộ, phẩm Diêm Phù Đề và phẩm Long Điểu trong kinh Trường A Hàm quyển 19, kinh A Sá Năng Chi, kinh Phật thuyết Tỳ Sa Môn thiên vương, kinh Phật Mẫu Đại Khổng Tước minh vương quyển trung và thượng, phiên dịch danh nghĩa tập quyển 2, kinh Hải Long Vương, phẩm Tựa kinh Pháp Hoa…
Kinh Đại Luân Vân Thỉnh Vũ quyển thượng, Đại Tập Kinh 56, kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương, kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, kinh quá khứ hiện tại nhân quả quyển 1, kinh Phật Bản Hạnh Tập quyển 31, du già sư địa luận quyển 2…[8]
Long tượng (龍象) nguyên chỉ cho những con voi khỏe mạnh nhất trong loài voi. Từ ngữ này được dùng để ví dụ người có năng lực mạnh mẽ. Ngoài ra, tiếng Phạm của Long (rồng) là Nàga, cũng dịch là tượng (voi), ý nói long, tượng đều là loài vật có sức mạnh lớn trên biển, trên đất liền. Về sau, danh từ long tượng được dùng để chỉ cho vị cao tăng có đầy đủ uy đức và thiền định.[9]
Do sự phổ biến của rồng trong kinh điển nên loài này đã tự nhiên đi vào những ghi chép về văn hóa Phật giáo của Việt Nam thời Lý (1009-1214):
– Cung trời mưa diệu hoa thất bảo, rồng biển phun nước ngát lưu li. (天 宮 雨 柒 寶 妙 花,海 龍 灌 琉 璃 香 水。) trong bia Minh tịnh tự bi văn khắc năm 1090.
– Phật đã nhập diệt, các bậc rồng trời đua nhau nhặt lấy xá lị để cất dựng phù đồ (順 請 波 旬,詣 鶴 林 而 我 淨; 天 龍 兢 湊,收 舍 利 而 樹 浮 圖。) trong bia Minh tịnh tự bi văn.
– Long cung cao vút giữa đất bằng: treo sao làm đấu đỡ, giát nguyệt làm thượng lương. (龍 宮 地 涌: 懸 星 作 紏,偃 月 為 梁)(Minh tịnh tự bi văn).
– Dấu Phật đó, ngọc trắng dưới đáy, rồng xanh cuộn bên ngoài; đài nghê đó, tê giác trấn bên cạnh, đèn chuỗi sáng lung linh.下 存 佛 跡 ,中 壯 倪 臺 ◦其 跡 也 , 白 玉 在 底 , 青 龍 盤 外 ; 其 臺 也 , 犀 角 鎮 傍 , 燈 釭 連 次 ◦ (Thiên Phúc tự hồng chung minh văn, 1109).
– Cửu long[35] chạy đàn quanh lối, điềm lành châu báu sánh đua; Dáng vẻ tràn đầy khắp nơi, triệu tốt phương xa vượt tới.遶九龍之寶,禎奪好珠;長繁岐之姿,祥超異畝。 (bia Sùng Thiện Diên Linh, 1121)[10]
Hình tượng rồng với tượng Phật Thích ca đản sinh. Nguồn: St
Rồng trong văn hóa, tín ngưỡng dân gian
Người Việt Nam chúng ta ngay từ nhỏ đã thuộc lòng sự tích về cha rồng, mẹ tiên sinh ra dân tộc Việt nên sẽ dễ dàng nhận thấy sự ảnh hưởng đậm nét của rồng trong tín ngưỡng dân tộc. Kết cấu lấy rồng hay một biến thể khác là thủy thần xuất hiện dày đặc trong văn hóa dân gian, ngoài cha rồng Lạc Long Quân phải kể đến:
– Vua Bát Hải Long Vương[11] của tín ngưỡng tam tứ phủ cũng được tôn làm vua cha. Ông này cũng là vua của Động Đình Hồ với truyền thuyết mẫu thoải như câu chuyện “Liễu Nghị truyền thư” nổi tiếng trong văn học Trung Hoa, ông có 5 người con trai lớn gọi là ngũ vị thái tử vương quan và 10 vị hoàng tử khác gọi là thập vị thủy tế, tất cả đều thuộc giống rồng và là đình thần tam tứ phủ trong tín ngưỡng miền bắc Việt Nam.
– Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cũng được dân gian tôn làm thánh cha của dân tộc, đáng nói ông thuộc về dòng họ Trần xuất phát từ nghề ngư phủ trên sông nước và hay xăm hình thuồng luồng trên bắp đùi[12], những chiến công quan trọng nhất của ông cũng liên quan đến sông nước như trận Bạch Đằng giang, nơi thờ chính của ông là ở Vạn Kiếp nơi hội tự của 6 con sông nên còn gọi là Lục Đầu.
– Ông hoàng bảy nhân vật khá nổi tiếng trong tín ngưỡng Việt vùng tây bắc, có thuyết cho rằng là con của bà Chiêu Lai thánh mẫu và ông long vương sông Thao (sông Hồng).[13]
– Đền Đông Cuông ở Yên Bái, một trung tâm lớn của tín ngưỡng thượng ngàn, ở đây bà mẫu thượng ngàn Đông Cuông (Đông Quang) công chúa hàng năm vào dịp tháng 2 đều được rước qua sông Hồng để thăm chồng là đức ông Ghềnh Ngai.[14]
Theo Kiến Văn Tiểu Lục quyển X mục “Linh tích” thời hậu Lê của cụ Lê Quý Đôn thì bà là vợ của long vương miếu Ngọc Tháp huyện Sơn vi. Trong nhân dân hai xã Đông Cuông và Ngòi A lưu truyền một huyền thoại rằng ở xóm Đá Ôm, thôn Đồng Dẹt, xã Đông Cuông có một giếng nước sâu trong vắt. Giếng ở chân gò, nơi chúa họ Cầm ở (tù trưởng bộ tộc Tày). Một hôm, con gái tù trưởng là Cầm Thị Lả (Cầm Thị Lê) ra giếng gội đầu.
Lỡ tay đánh rơi lược xuống giếng, nàng vội nhào theo vớt lược. Lược chẳng thấy chỉ thấy đáy giếng lộ ra một con đường rộng, sâu hút. Nàng theo đường ấy, đi mãi đến thủy cung rồi gặp long vương lấy làm chồng và sinh hạ được một con trai. Nhớ nhà, nàng bế con trở lại dương thế và hứa với long vương hàng năm sẽ xuống thăm chồng một lần và chỉ đi một mình không đem con đi cùng. Giếng Đồng Dẹt trở thành giếng thần.
– Linh Lang đại vương đền Thủ Lệ trấn tây kinh đô Thăng Long xưa nay là thủ đô Hà Nội cũng được truyền thuyết ghi nhận là con của thủy thần, do mẹ ông đi tắm ở hồ tây được thuồng luồng quấn quanh rồi hoài thai sinh ra ông. Linh Lang lớn lên có 28 vảy rồng trên lưng.[15]
Những câu chuyện như vậy xuất hiện dày đặc trong văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, một đất nước có nền văn minh lúa nước, rất cần đến nước cho canh tác mùa vụ và rồng được coi là chúa của nước, thần cai quản việc làm mưa làm gió.
Yếu tố rồng hay thủy thần thường xuất hiện trong vai trò người cha trong văn hóa tín ngưỡng cũng là sự thần cách hóa của các yếu tố thiên – địa, khi nước từ trời rơi xuống, còn núi từ đất nhô lên, khái niệm chọn thần sông làm cha, thần núi làm mẹ cũng là biểu hiện của thần cách hóa của đất nước, coi vị thần là tinh hoa đúc kết của sông núi tổ quốc.
Do hình ảnh linh thiêng của rồng đã đi vào tâm thức dân tộc từ bao đời nên các tên gọi có gắn với rồng được coi là cát tường may mắn vì thế xuất hiện rất nhiều trong các danh lam thắng cảnh hay địa phương của Việt Nam như:
– Núi Long Tu ở Quảng Ninh, núi Long Đọi ở Hà Nam, núi Long Triều ở Ninh Bình, núi Long Tường ở Hà Tĩnh, đỉnh núi Thanh Long ở Quảng Bình, núi Kim Long ở Huế, núi Rồng ở chân đèo Hải Vân. Ở Quảng Ngãi: huyện Bình Sơn có núi Long Đầu, huyện Mộ Đức có 3 ngọn núi là Lạc Long, Long Phụng, Long Cốt. Núi Hàm Long ở Bình Định, núi Hàm Rồng ở Gia Lai, núi Bửu Long ở Đồng Nai, núi Dương Long ở Kiên Giang.
– Sông Hoàng Long ở Ninh Bình, sông Rồng ở Lạng Sơn, sông Ka Long ở Quảng Ninh, sông Long Bình ở Trà Vinh, sông Long Hồ ở Vĩnh Long, sông Phước Long và Long Tân ở Đồng Nai, sông Long Đại ở Quảng Bình. Đặc biệt là dòng sông Cửu Long (cửu Long giang) có 9 cửa chảy ra biển được biết trên mặt địa lý của Việt Nam như: cửa Định An, cửa Ba Thắc, cửa Tranh Đề, cửa Đại, cửa Tiểu, cửa Cổ Chiên, cửa Cung Hầu, cửa Hàm Luông, cửa Ba Lai.
Dòng sông mang tên và hình ảnh của chín con Rồng này đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng tiêu biểu trong đời sống của người dân miền Tây Nam Bộ. Hồ Long Trì ở Quốc Oai Hà Nội, hồ Long Thăng ở Lai Châu, hồ Long Ẩn và hồ Long Vân ở khu du lịch Bữu Long Đồng Nai, hồ Long Điền Sơn ở Tây Ninh Vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long ở Quảng Ninh, đảo Phù Long (đảo Cát Bà) ở Hải Phòng, đảo Long Sơn ở Bà Rịa Vũng Tàu Cầu Long Biên ở Hà Nội, cầu Hàm Rồng ở Thanh Hóa
– Chợ Rồng ở Nam Định, chợ Kim Long và chợ Long Hồ ở Huế, chợ Long Tử ở Quãng Ngãi, chợ Long Hưng ở Bình Định. Ngoài ra còn rất nhiều tỉnh thành mang địa danh của Rồng như: Thăng Long (nay là Hà Nội), Vĩnh Long, Long An, Long Thành, Long Biên, Hạ Long, Long Khánh, Bình Long, Phước Long, Rồng Giềng, Long Điền, Long Thạnh, Cái Rồng, Thịnh Long, Long Phú, Đức Long, Hương Long, Long Nguyên, Long Hậu…[16]
Kết luận
Với tư cách là loài vật linh thiêng chiếm vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo, rồng vừa đại diện cho hình ảnh nguồn gốc dân tộc Việt, vừa biểu trưng cho những hộ pháp của Phật giáo cũng như hình ảnh kết nối với những giá trị vàng son của các triều đại lịch sử nên biểu tượng và ý nghĩa nội hàm của loài này cần được nghiên cứu, phát huy và quảng bá hơn nữa trong đời sống hiện đại.
Tác giả: Diệu Hỷ
***
CHÚ THÍCH
[1] Tham khảo bài viết của tác giả Hành giả Kim Cương Thừa (sưu tầm).
[2] Katherine Ball, Những mô típ trang trí trong nền nghệ thuật Đông Phương, tập 1, tư liệu dịch của Viện Bảo tàng Mỹ thuật, 1974, tr.2
[3] Loài rồng trong kinh Hoa Nghiêm, tg Chân Hiền Tâm (thiền viện Thường Chiếu), https://phatgiao.org.vn/loai-rong-trong-kinh-hoa-nghiem-d35394.html
[4] Tổng hợp từ Long vương pháp kinh” biên dịch sa môn Thích Quảng Trí, cư sĩ Huyền Thanh trg 14-16 https://tangthuphathoc.net/long-vuong-phap-kinh/
[5] Tổng hợp bài viết của Châu Giang, hội viên hội văn hóa nghệ thuật Bắc Giang (sưu tầm), Long vương pháp kinh” biên dịch sa môn Thích Quảng Trí, cư sĩ Huyền Thanh trg 16-19 https://tangthuphathoc.net/long-vuong-phap-kinh
[6] Sinh năm 1987, nguyên cán bộ viện nghiên cứu kinh thành, là người có nhiều năm nghiên cứu về mỹ thuật Lý, Trần, tác giả chính phục dựng mô hình chùa Dạm tỉnh Bắc Ninh.
[7] Rồng trong kinh điển Phật giáo, tg Phan Minh Đức https://giacngo.vn/rong-trong-kinh-dien-phat-giao-post16417.html
[8] Tổng hợp từ “Long vương pháp kinh” biên dịch sa môn Thích Quảng Trí, cư sĩ Huyền Thanh trg 4-9 https://tangthuphathoc.net/long-vuong-phap-kinh/
[9] Long Tượng trích từ điển Phật học onlie https://phatgiao.org.vn/tu-dien-phat-hoc-online/long-tuong-k36416.html
[10] Rồng Lý Trần: Biểu tượng lưỡng trị của Nho giáo- Phật giáo thế kỷ XI- XIV, tác giả Trần Trọng Dương, Tạp chí KHXH Việt Nam số 2(2015) https://vjol.info.vn/index.php/khxhvn/article/view/20053
[11] https://phuday.com/su-tich-duc-vua-cha-bat-hai-dong-dinh.html
[12] Đại Việt sử ký toàn thư chép về thời Anh Tông nhà Trần: “Thượng hoàng có lần ngự cung Trùng Quang, vua đến chầu, quốc công Quốc Tuấn đi theo. Thượng hoàng nói: “Nhà ta vốn là người hạ lưu (thủy tổ người Hiền Khánh), đời đời chuộng dũng cảm, thường xăm hình rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ, nên xăm rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc” Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1993.
[13] Theo lời của nghệ nhân cung văn nổi tiếng đất Hà Thành là Hồng Tĩnh Chén.
[14] Di tích đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái, https://www.yenbai.gov.vn/noidung/tintuc/Pages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?ItemID=30&l=Ditichcapquocgia
[15] https://baomoi.com/ngoi-den-co-gan-voi-truyen-thuyet-nhiem-mau-ve-linh-lang-dai-vuong-c39089979.epi
[16] Tổng hợp từ Long vương pháp kinh” biên dịch sa môn Thích Quảng Trí, cư sĩ Huyền Thanh trg 24 https://tangthuphathoc.net/long-vuong-phap-kinh/
Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/loai-rong-trong-van-hoa-ton-giao-2.html