Roộc Cồn xanh màu no ấm...

Ở nơi năm xưa bị địch áp bức, bóc lột, giờ đây - Roộc Cồn (xã Phú Phong, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đã xanh màu no ấm...

Đền Cây Chay nằm trong Khu di tích lịch sử cách mạng Roộc Cồn (xã Phú Phong, Hương Khê, Hà Tĩnh)...

Dưới chế độ thực dân phong kiến, đời sống nhân dân xã Phú Phong vô cùng cực khổ. Là một xã thuộc huyện miền núi được mệnh danh là vùng rừng thiêng nước độc nên phần lớn nông dân không có ruộng cày, phải đi làm thuê cho địa chủ, quanh năm chịu cảnh ăn cơm vay, cày ruộng rẽ, đói rét, bệnh tật luôn hoành hành.

Tuy nghèo khổ nhưng nhân dân Phú Phong giàu lòng yêu nước và tinh thần chống áp bức, cường quyền. Truyền thống đó phát triển rất mạnh mẽ trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Trong đó, Roộc Cồn là nơi diễn ra cuộc biểu tình lịch sử của Nhân dân Phú Phong và Nhân dân Hương Khê, nơi xung đột giữa ta và địch với nhiều tấm gương nghĩa dũng đã ngã xuống dưới sự đàn áp của địch.

... từng là nơi cất dấu tài liệu, in ấn truyền đơn, là nơi hội họp của Đảng bộ Hương Khê trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Viết tiếp truyền thống của vùng quê cách mạng, Phú Phong hôm nay đang từng bước đổi thay, mang lại cuộc sống ấm no cho Nhân dân. Những vùng đất bạc màu, cỗi cằn ngày xưa nay được thay bằng màu xanh trù phú của vườn cây ăn quả.

Là một trong những người đi đầu khai hoang vùng đất Vậc Hầu, đến nay, sau hơn 4 năm gia đình anh Nguyễn Xuân Sơn và chị Trần Thị Bích Thuận ở thôn 1, xã Phú Phong đã cho thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi năm. Mô hình này hiện đang nuôi gần 1.000 con thỏ; trồng gần 400 gốc cam, bưởi và hàng chục cây ăn quả khác.

Mô hình kinh tế của gia đình anh Nguyễn Xuân Sơn, thôn 1 hiện đang nuôi gần 1.000 con thỏ.

Anh Nguyễn Xuân Sơn bày tỏ: “Được sinh sống, lao động, sản xuất trên vùng đất cách mạng là niềm vinh dự của chúng tôi. Bởi vậy, tôi luôn tự nhủ mình phải có trách nhiệm xây dựng quê hương phát triển, xứng đáng với những hy sinh, mất mát của thế hệ đi trước. Để làm điều đó, trước hết cần đổi thay từ cuộc sống của gia đình mình. Vì vậy, gia đình tôi đã kiên trì khai hoang xây dựng mô hình kinh tế vườn”.

Cùng với chăn nuôi, anh Sơn còn trồng gần 400 gốc cam, bưởi và hàng chục cây ăn quả khác.

Ở thôn 2, gia đình anh Nguyễn Kim Thiện cũng mạnh dạn phát triển kinh tế với việc đầu tư trồng bưởi Phúc Trạch. Sau 5 năm triển khai đến nay, gia đình anh có trang trại bưởi quy mô 3ha với 1.000 gốc cho thu hoạch. Năm nay, dự kiến doanh thu gia đình anh đạt gần 500 triệu đồng.

Những vùng đất cằn cỗi ngày trước được thay bằng vườn cây ăn quả cho thu nhập cao, góp phần thay đổi đời sống người dân.

Không chỉ tập trung phát triển nông nghiệp, người dân trên quê hương cách mạng Roộc Cồn còn biết tận dụng lợi thế địa phương gần trung tâm huyện, phát triển nhiều ngành nghề phụ như: Gia công cơ khí, mộc dân dụng, thợ nề, sửa chữa, kinh doanh vật liệu xây dựng, vận tải…

Hiện nay, toàn xã có 21 tổ ngành nghề xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng; 268 cơ sở sản xuất, kinh doanh; 12 doanh nghiệp; 5 hợp tác xã dịch vụ; 13 tổ hợp tác sản xuất… Trong đó, có 43 mô hình sản xuất, kinh doanh có doanh thu 100 triệu đồng trở lên. Giá trị sản xuất tăng từ 24 tỷ năm 2015 lên 29 tỷ năm 2020.

Vùng quê cách mạng xưa đang đổi thay từng ngày.

Trong xây dựng nông thôn mới, năm 2015, Phú Phong được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến nay có 3 thôn đạt chuẩn khu dân cư kiểu mẫu, 20 vườn mẫu. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 30,81 triệu đồng (năm 2015) lên 43,6 triệu đồng (dự kiến đến cuối năm 2020). Xã đang phấn đấu xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thị Thân chia sẻ: “Những kết quả có được ngày hôm nay là kết tinh của cả quá trình nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân suốt chiều dài lịch sử. Đặc biệt, truyền thống cách mạng Roộc Cồn, tinh thần quật cường trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh là động lực, niềm tin để người dân Phú Phong bao thế hệ vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống ngày càng đi lên".

Hà Linh

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/diem-den/rooc-con-xanh-mau-no-am/198266.htm