'Room' tín dụng cấp cho khách hàng lớn giảm 1% mỗi năm
'Room' tín dụng cấp cho một khách hàng và người liên quan tại ngân hàng sẽ giảm dần trong 5 năm. Điều này giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro, nhưng có thể khiến doanh nghiệp khó khăn tiếp cận vốn.
Hôm nay (1/7), Luật Các tổ chức tín dụng 2024 chính thức có hiệu lực đồng nghĩa với lộ trình giảm giới hạn cấp tín dụng chính thức bắt đầu.
Luật sửa đổi quy định lộ trình 5 năm để các ngân hàng thương mại và ngân hàng nước ngoài giảm dần hạn mức tín dụng đối với một khách hàng nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng tập trung.
Theo đó, trong 5 năm tới, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng sẽ giảm từ mức tối đa 15% hiện nay xuống 10% vốn tự có của ngân hàng (mỗi năm giảm 1%). Tổng mức dư nợ cấp tín dụng với một khách hàng và người có liên quan cũng giảm từ tối đa 25% về 15% (mỗi năm giảm 2%). Từ ngày 1/7/2024 đến trước ngày 1/1/2026, giới hạn cấp tín dụng sẽ giảm về 14% với một khách hàng và 23% với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó.
Quy định mới này được đánh giá sẽ giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro cho vay phụ thuộc vào một nhóm khách hàng, tránh gây bất ổn cho hệ thống. Việc ban hành lộ trình giảm dần tỷ lệ cấp tín dụng này cũng giúp các doanh nghiệp lớn tránh bị đứt gãy vốn đột ngột.
Tuy nhiên, một số ngân hàng tỏ ra lo lắng, quy định trên sẽ khiến việc cấp tín dụng cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn sẽ bị ảnh hưởng. “Quy định trên tác động lớn đến các ngân hàng và các doanh nghiệp lớn về tiếp cận tín dụng”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết.
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, quy định trên ảnh hưởng mạnh nhất tới các ngân hàng có dư nợ cao với nhóm khách hàng lớn. Các ngân hàng sẽ phải giảm dư nợ cho vay với các đối tượng này và tìm kiếm các khách hàng khác để bù đắp.
Về phía doanh nghiệp, các tập đoàn lớn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Để đáp ứng quy định trên, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn sẽ phải chấp nhận giảm dư nợ, đồng nghĩa giảm hoạt động kinh doanh, hoặc tìm kiếm thêm nguồn vốn ở ngân hàng khác để bù đắp phần vốn vay giảm sút.
Theo các chuyên gia kinh tế, trước mắt, việc giảm 1% giới hạn cấp tín dụng trong vòng 1 năm tới chưa tác động nhiều đến ngân hàng, doanh nghiệp, song việc giảm giới hạn liên tiếp 5-10% trong vòng 5 năm đồng nghĩa với áp lực cắt giảm lượng lớn dư nợ tín dụng.
Chính vì vậy, không loại trừ sẽ có tình trạng doanh nghiệp - ngân hàng “lách” quy định bằng cách thành lập hoặc lôi kéo các doanh nghiệp khác để giữ nguyên tỷ lệ vay 15% và 25% hiện tại, thay vì giảm xuống 10% và 15%. Do đó, khâu giám sát tuân thủ có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, trên thực tế, với hoạt động ngân hàng của Việt Nam thì nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào hệ thống ngân hàng. Các tổ chức quốc tế cũng cảnh báo rằng nếu như nhu cầu đầu tư tiếp tục phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng thì cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro bất cứ khi nào mà kinh tế thế giới, trong nước có những biến động phức tạp, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân thì sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng. Khi ngân hàng ảnh hưởng thì domino sẽ rất hệ lụy đến nền kinh tế. Chính vì vậy, đồng bộ với việc phát triển ngành ngân hàng thì các thị trường như thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cần phải được phát triển đồng bộ. Hiện nay, Chính phủ đang có các giải pháp để hướng đến điều đó.
Mặc dù giảm room tín dụng được cấp cho một khách hàng hoặc nhóm khách hàng sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn tiếp cận vốn, song Thống đốc cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép cơ chế là các tổ chức tín dụng đồng tài trợ.
“Nếu một ngân hàng cho vay một doanh nghiệp có nhu cầu vốn rất lớn thì mức độ tập trung rủi ro tín dụng sẽ rất lớn. Việc đồng tài trợ sẽ là chia rủi ro đối với các ngân hàng. Khi doanh nghiệp đấy bị làm sao thì bản thân các ngân hàng cũng chia sẻ rủi ro. Trong trường hợp các ngân hàng không đồng tài trợ được thì vẫn có một cơ chế là Thủ tướng Chính phủ quyết định. Khi đó các cơ quan quản lý sẽ đánh giá xem nhu cầu của doanh nghiệp, của tập đoàn lớn như là một số đại biểu nêu thì vẫn có cơ chế để Thủ tướng Chính phủ quyết định. Nếu để quy định như hiện hành, với nhu cầu vốn ngày càng tăng cao, vốn điều lệ ngày càng tăng cao thì có thể cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro”, Thống đốc lý giải.