Rốt ráo chống lạm thu

Chuẩn bị bước vào năm học mới, câu chuyện các trường học, cơ sở giáo dục đào tạo bằng cách này hay cách khác đề ra những khoản thu vô lý khiến nhiều phụ huynh băn khoăn. Mặc dù đã có những chỉ đạo của bộ, ngành, cơ quan quản lý song liệu năm học này câu chuyện lạm thu có được chấn chỉnh, khắc phục hay lại có những biến tướng mới?

Học sinh Hà Nội trong ngày tựu trường. Ảnh: Lê Xuân.

Học sinh Hà Nội trong ngày tựu trường. Ảnh: Lê Xuân.

Cách đây 13 năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành Thông tư 55 quy định các khoản nhà trường, hội phụ huynh không được thu của học sinh. Hàng năm, nhiều địa phương cũng ban hành quy định thu, sử dụng khoản thu khác trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập với các khoản tiền được thu rất cụ thể.

Quy định rõ ràng, đầy đủ

Năm học 2024 - 2025, nhằm tránh tình trạng lạm thu trong trường học dịp đầu năm mới, ngành giáo dục TPHCM vừa có những động thái kết hợp để đảm bảo hài hòa giữa các khoản thu (bên cạnh học phí) nhằm duy trì môi trường giáo dục tích cực, phù hợp với điều kiện của phụ huynh, học sinh.

Theo đó, Sở GDĐT TPHCM liệt kê 17 khoản đóng góp bên cạnh học phí và nếu phụ huynh lựa chọn sử dụng dịch vụ nào thì sẽ đóng góp theo quy định của dịch vụ đó một cách tự nguyện.

Đặc biệt, Sở GDĐT TPHCM cũng quy định các khoản đóng góp ở năm học mới 2024-2025 này nếu tăng so với năm trước (như tiền ăn bán trú…) thì cũng sẽ không quá 15%. Các quy định trên ngoài việc minh bạch các khoản đóng góp phần nào giúp phụ huynh an tâm hơn, có thể chủ động lựa chọn các dịch vụ cho con em mình trước năm học mới.

Cụ thể, các khoản đóng góp ngoài học phí ở các cơ sở giáo dục công lập tại TPHCM được chia thành 3 nhóm với 17 khoản. Ở nhóm thu cho cá nhân học sinh, phụ huynh có thể tùy ý lựa chọn với các dịch vụ như tiền ăn sáng (ăn trong trường hoặc có thể ăn ở nhà, ngoài trường), tiền ăn bán trú (bắt buộc nếu học sinh học bán trú), tiền nước uống, trông giữ xe, đồng phục hay sách vở…

Các khoản này hầu hết đều do phụ huynh lựa chọn và tự cân đối. Ở phía nhà trường, tùy theo từng trường học mà các dịch vụ này cũng có mức thu chênh lệch, nhất là các trường ở ngoại thành và trung tâm. Ở nhóm tiếp là các khoản thu tổ chức các hoạt động giáo dục khác như dạy kỹ năng sống, tiếng Anh tăng cường, học ngoại ngữ với người nước ngoài… Cuối cùng là nhóm thu các khoản thu giáo dục theo đề án như dạy tích hợp, trường tiên tiến hội nhập quốc tế…

Với khoảng hơn 1,7 triệu học sinh từ bậc mầm non tới THPT, những khoản đóng góp trong nhà trường đầu năm học mới ở TPHCM thường ảnh hưởng tới rất nhiều người dân.

Hơn nữa, với đặc thù thu nhập của phụ huynh có thể chênh lệch nhiều cũng khiến cho việc minh bạch các khoản thu đầu năm học nhằm làm hài hòa lợi ích của học sinh, nhà trường là điều cần thiết, quan trọng.

Bởi thực tế có những khoản thu như tiền mua sắm thiết bị, vật dụng phục vụ bán trú (như máy lạnh, quạt…) là trực tiếp phục vụ nhu cầu học hành vui chơi của học sinh. Nếu nhà trường không duy trì hay phụ huynh không chấp nhận thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng dạy và học.

Ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM nhấn mạnh: Các trường phải tự thỏa thuận với phụ huynh học sinh về mức giá phù hợp từng khoản thu với địa bàn cư trú, đồng thời đảm bảo đủ dinh dưỡng theo từng bậc học và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tương tự, Hà Nội quy định 6 khoản tiền được phép thu bao gồm thu, chi phục vụ bán trú; học 2 buổi/ngày; nước uống học sinh; dịch vụ giáo dục ngoài giờ, dịch vụ hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, dịch vụ đưa đón trẻ, học sinh, dịch vụ tiền ở của học sinh nội trú tại một số trường có khu nội trú.

Từng mức trần cụ thể cho các khoản thu được Sở GDĐT công khai, đơn cử dịch vụ học 2 buổi/ngày (đối với cấp học THCS) quy định 235.000 đồng/học sinh/tháng, tuy nhiên không phân mức thu theo khu vực từng địa bàn như TPHCM.

Tỉnh Điện Biên cũng công khai danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh với 8 mục, mức thu tối đa theo từng cấp học được quy định rõ theo từng tháng, theo học kỳ.

Năm học 2024-2025, các Sở GDĐT Quảng Ngãi, Thái Bình… cũng đã ban hành hướng dẫn các đơn vị thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo với các khoản thu tự nguyện, theo quy định và thu theo thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh.

Như vậy, bên cạnh các quy định chung về các khoản nhà trường được phép thu, các khoản Ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu của Bộ GDĐT, mỗi địa phương còn ban hành các quy định cụ thể cụ thể về các mức trần nhà trường được phép thu để phục vụ cho công tác dạy học, chăm sóc học sinh.

Buổi họp phụ huynh đầu năm tại Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Buổi họp phụ huynh đầu năm tại Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Cần minh bạch khoản thu

Sau khi Sở GDĐT TPHCM công khai các khoản thu đầu năm học 2024 - 2025, nhiều phụ huynh cho biết họ khá hài lòng.

Chị Nguyễn Thị Phương, 43 tuổi (đường Tây Thạnh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) có hai con đang theo học lớp 6 và 10 cho biết, chị đã xem các thông tin về khoản thu đầu năm học do nhà trường cung cấp và thấy khá an tâm. Ngoài học phí thì các khoản thu khác đều minh bạch và rõ ràng theo tinh thần chung là phụ huynh học sinh sử dụng dịch vụ nào thì đóng dịch vụ đó.

“Tôi thấy minh bạch từng khoản, từng mục đóng góp như thế này là tốt cho phụ huynh học sinh lựa chọn và nhà trường cũng an tâm vì có sẵn hướng dẫn rồi” - chị Phương nói.

Trên thực tế, yêu cầu minh bạch và công khai các khoản thu luôn là điều các bậc phụ huynh quan tâm. Nếu như các khoản thu đầu năm học được các trường đề ra và thông báo tới phụ huynh là giống nhau ở tất cả các lớp trong cùng khối, thậm chí cùng trường thì các khoản quỹ phụ huynh trường và lớp chính là khoản thu mập mờ nhất. Mỗi lớp dù cùng một trường lại có mức thu khác nhau, điều này là bình thường, nhưng một điều bất thường lâu nay vẫn tồn tại đó là theo quy định trong điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, quỹ hội là tự nguyện, không được bình quân hóa một mức đóng cụ thể. Song phần lớn tại các lớp, Ban đại diện cha mẹ học sinh đều quy định luôn mức đóng góp cho mỗi học sinh của lớp là như nhau.

Tùy từng tập thể, có nơi đóng 100 nghìn đồng, 500 nghìn đồng hoặc có nhiều nơi tiền quỹ lớp đóng tới tiền triệu mỗi học kỳ khiến nhiều phụ huynh ngao ngán nhưng ngại lên tiếng phản đối vì sợ con bị xa lánh.

Phần lớn các lớp đều có bảng kê chi tiết các khoản thu chi trong năm học để phụ huynh lên tiếng, có người đồng ý, có người không đồng ý nhưng với khoản quỹ nộp về nhà trường, hầu như chẳng phụ huynh nào biết sẽ được dùng vào việc gì. Chẳng hạn, nếu là tặng thưởng cho học sinh có thành tích học tập xuất sắc, vậy mức chi là bao nhiêu cho mỗi cháu cần được công khai về tất cả các lớp để phụ huynh cùng giám sát.

Vụ việc học sinh ký nhận tiền thưởng là 200 nghìn đồng nhưng lại nhận được 20 cuốn vở xảy ra ở Trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng) vừa được phản ánh chỉ là một trong những trường hợp bị phát hiện về việc “nói một đằng, làm một nẻo” của nhà trường. Còn bao nhiêu những khoản thu – chi không khớp nhau như vậy tại các nhà trường nhưng vì không ai biết hoặc quá ít người biết nên không có cơ sở đối chiếu, kiểm tra tính xác thực nên đã bỏ qua?

Phụ huynh cùng giám sát

Thống kê của Bộ GDĐT, năm học 2023-2024, có 8 Sở GDĐT tổ chức thanh tra đột xuất, nội dung thanh tra tập trung vào những vấn đề nóng, bức xúc qua đơn thư, báo chí phản ánh hoặc theo yêu cầu quản lý; 8 Sở GDĐT thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính đối với 45 đơn vị/tổ chức vi phạm, tổng số tiền xử phạt 689 triệu đồng. Một trong những nội dung sai phạm được chỉ ra có liên quan đến việc tổ chức các khoản thu chi không đúng quy định.

Liên quan đến các vụ việc lạm thu từ trước đến nay bị phát hiện và xử lý, phần lớn được phản ánh bởi các phụ huynh thông qua các kênh khác nhau.
Từ đó, cho thấy vai trò giám sát, đồng hành của các bậc phụ huynh để ngăn chặn lạm thu trong trường học là rất lớn. Tuy nhiên, nhiều vụ việc lạm thu được phản ánh trên các phương tiện truyền thông đại chúng ban đầu thường xuất hiện trên các diễn đàn mạng xã hội, do phụ huynh bức xúc lên tiếng thay vì phản ánh trực tiếp tại các buổi họp phụ huynh công khai tại trường, lớp con mình theo học. Lý do phụ huynh không nêu ý kiến của mình với nhà trường là vì họ ngại con mình sẽ bị ảnh hưởng.

Một lưu ý với các bậc phụ huynh đó là trong nhiều vụ việc lạm thu được phát hiện thời gian qua, điển hình như tại Trường THPT Thanh Miện 3 (Hải Dương) vào năm học trước, một trong những vấn đề đầu tiên khiến phụ huynh bức xúc là các khoản thu đã không được công khai một cách chính xác, thông suốt từ nhà trường tới giáo viên và phụ huynh. Điều này cần được chấn chỉnh, là bài học với tất cả các nhà trường trong việc minh bạch thông tin tới phụ huynh – đây là trách nhiệm của nhà trường và phụ huynh có quyền được biết những khoản thu này được sử dụng cho mục đích gì, không thể ghi là thu xã hội hóa chung chung…

Liên quan đến các biện pháp tránh lạm thu đầu năm tại các trường học, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, với giáo dục phổ thông, Bộ đã ban hành đầy đủ văn bản, thông tư hướng dẫn. “Quan trọng là văn bản có rồi, các địa phương, các trường phổ thông phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để tránh hiện tượng lạm thu dưới mọi hình thức. Tiến tới mọi khoản thu không dùng tiền mặt, qua đó sẽ khắc phục một phần vấn đề này. Đề nghị Chính phủ có văn bản pháp lý để quy định bắt buộc việc này” - ông Sơn nói.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội:

Quy trách nhiệm hiệu trưởng

Để chấm dứt lạm thu, không thể chờ nơi này, nơi kia phản ánh mà phải tăng cường thanh kiểm tra, giám sát từ các cơ quan quản lý cũng như có thêm nhiều hình thức tiếp nhận phản ánh về tình trạng lạm thu. Phải rõ ràng trong việc quy trách nhiệm của người đứng đầu nếu xảy ra lạm thu với các mức xử phạt đủ sức răn đe, làm gương, là bài học cho những người khác không vi phạm tương tự.

Trách nhiệm của hiệu trưởng là không thể vô can. Điều này đã được nhắc đến nhiều trước, trong và sau mỗi sự việc lạm thu bị phản ánh. Tuy nhiên, mức độ xử lý nếu chỉ dừng lại ở việc trả lại tiền phụ huynh, bị nhắc nhở, kiểm điểm… thì sẽ không đủ tính răn đe.

Thu Hương - Đoàn Xá

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/rot-rao-chong-lam-thu-10288959.html