Rực phố mũ vàng, áo xanh... xe ôm công nghệ đình công đòi quyền lợi
Liên tục thay đổi chính sách về chiết khấu và thưởng chuyến của các hãng xe công nghệ dẫn tới hàng loạt cuộc đình công của lái xe.
Từ vắt kiệt sức
Khi các hãng xe công nghệ xuất hiện tại Việt Nam như Grab, Uber, hàng nghìn lái xe trở thành đối tác với mức thu nhập được truyền tai lên tới hàng chục triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, thời kỳ “hoàng kim” chỉ trong chốc lát. Đến lúc đã có thị trường ổn định, lái xe đông, các hãng xe công nghệ bắt đầu thay đổi chính sách về chiết khấu, thưởng chuyến và đánh giá mức độ chuyên nghiệp của lái xe. Áp lực nhiều hơn, doanh thu giảm, các lái xe ngao ngán dẫn tới nhiều cuộc đình công phản đối.
Phải chạy tới 10 giờ mỗi ngày trong khi thu nhập không như kỳ vọng, lại còn chịu nhiều khoản phạt, không ít lái xe công nghệ đang hối tiếc vì đã vay ngân hàng mua xe để trở thành đối tác. Ông Lê Văn Tuấn (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Hồi trước, tôi chở khá nhiều khách nước ngoài. Giờ đi sân bay gần như không có”.
Cuối năm 2018, ông Tuấn đánh liều gom góp tiền mua ôtô giá hơn 500 triệu đồng, trả trước 30%, phần còn lại trả góp để chạy Grab. Sau khi mua xe, ông phải chạy liên tục để đủ sống và trả góp hàng chục triệu đồng/tháng.
Thời điểm sau khi Uber rút đi, nhất là khi Grab tăng mức chiết khấu từ 22%, lên 25%, thậm chí có thời điểm 28% mỗi cuốc xe, rất nhiều người từ bỏ hình thức mua xe để chạy dịch vụ.
Theo ông Tuấn, chiết khấu tăng, lượng khách ít, nhưng lái xe phải chịu hàng chục loại chi phí như phí đăng kiểm, phí trước bạ, phí bảo trì đường bộ, bảo hiểm vật chất xe, bảo hiểm trách nhiệm dân sự...
Ông Lê Quang Thành, một lái xe công nghệ, mới mua xe từ cuối năm 2019, phải vay thêm 900 triệu đồng. Hiện, ông đứng ngồi không khi khi gánh nợ ngày càng lớn mà thu nhập không được bao nhiêu. “Giờ bán xe cũng khó vì giá giảm, mà cứ chạy thế này thì không khác gì bán máu, mỗi tháng tôi phải trả hơn 12 triệu đồng. Khoản vay mua xe thành gánh nặng cho cả gia đình”, ông nói.
Theo ông Thành, thời gian trước khi có dịch bệnh, thu nhập rất tốt, trung bình khoảng 1,5-1,7 triệu đồng/ngày, tổng thu nhập từ 19-22 triệu đồng/tháng. Con số này giờ giảm còn khoảng 9-11 triệu đồng/tháng.
Không chỉ các ứng dụng vận chuyển mà ngay cả lái xe giao đồ ăn cũng bức xúc. Một shipper của hãng Now từng phản ánh, trước đây mỗi đơn hàng từ 5km sẽ được 14 điểm thưởng, với đơn hàng này shipper sẽ được trả công 30.000 đồng, nộp lại 10% cho công ty thì lái xe sẽ thu về 27.000 đồng. Theo chính sách mới, họ phải làm cả ngày lẫn đêm tất cả các ngày không nghỉ ngơi thì mới có thể đạt được.
Trong khi đó, số lượng đơn hàng phía công ty giao cho nhiều nhất chỉ 25 đơn/ngày, chưa nói đến những đơn hàng cung đường ngắn thì ít tiền hơn. Ngoài ra, các lái xe phải tự lang thang tại các địa chỉ để chờ khách gọi hay không .
Tới các cuộc đình công
Bức xúc trước những thay đổi ảnh hưởng tới túi tiền, nhiều lái xe đã lên tận trụ sở các hãng xe công nghệ để tìm câu trả lời. Đầu tiên phải kể tới Grab. Sau khi thâu tóm đối thủ Uber tại Việt Nam vào năm 2018 chiếm lĩnh thị phần đáng kể, Grab đã nhiều lần điều chỉnh cắt giảm các chương trình thưởng cho tài xế, dẫn tới việc tài xế đối tác bị ảnh hưởng về thu nhập.
Tháng 1/2018, rất đông đối tác của Grab đã tập trung trước tòa nhà Kim Ánh (Cầu Giấy, Hà Nội), nơi có văn phòng của Grab, để phản đối việc hãng này đơn phương nâng mức chiết khấu.
Trước đó, theo thông báo của Grab Việt Nam, từ ngày 1/1/2018 công ty này sẽ tăng mức phí sử dụng ứng dụng đối với dịch vụ GrabBike từ 20% lên 23,6%. Không đồng ý với yêu cầu của giới tài xế, nhưng Grab sau đó âm thầm đưa mức chiết khấu về lại 20%, bắt đầu từ 10h ngày 13/1 năm đó.
Đến giữa 2019, nhiều tài xế GrabBike lại tụ tập tại văn phòng Grab (TP.HCM) để phản đối việc Grab tăng mức phí sử dụng ứng dụng (thực chất là thu hộ thuế). Ngay sau đó, Grab cũng ngừng thu hộ thuế thu nhập cá nhân đối với các tài xế chạy ứng dụng.
Gần đây nhất, hàng trăm tài xế Grab đã tắt app, tập trung rất đông tại trụ sở Công ty TNHH Grab ở Hà Nội để phản đối hãng tăng giá cước mỗi chuyến đi từ 5/12. Tại trụ sở ở Hà Nội, hàng trăm tài xế mặc áo đồng phục Grab tập trung trước trụ sở công ty, tất cả đều tắt app, yêu cầu được làm việc với đơn vị chủ quản về việc tăng thuế ảnh hưởng tới thu nhập của họ.
Uber trước khi bị Grab thâu tóm cũng từng xảy ra các cuộc phản đối của lái xe về chính sách chiết khấu. Ngày 15/1/2018, khoảng 100 tài xế Uber đã tập trung tại văn phòng Uber, phố Vạn Phúc, Ba Đình, Hà Nội với mong muốn gặp đại diện Uber Việt Nam đưa đề nghị giảm mức chiết khấu cho tài xế.
Theo phản ánh, trước đây Uber đưa tỷ lệ Uber hưởng 15%, tài xế được hưởng 85% tiền cước chuyến đi. Sau đó, Uber tăng tỷ lệ này lên 20%-80% và sau đó tăng lên 25%-75%. Tuy nhiên, Uber quy định tài xế nộp cho Uber 4,5% tiền thuế giá trị gia tăng, thế thu nhập cá nhân nên thực tế tài xế phải nộp cho Uber 29,5% cước phí chuyến xe.
Một hãng xe công nghệ khác là GoViet (nay là Gojek Việt Nam) cũng từng xảy ra tình trạng tương tự. Giữa tháng 7/2019, hàng trăm tài xế đã kêu gọi tắt ứng dụng và kéo đến trụ sở công ty tại TP.HCM đình công để phản đối chính sách thưởng mới bởi quá khắt khe. Đến cuối 11/2019, GoViet tiếp tục xảy ra cuộc đình công của tài xế tại trụ sở Hà Nội với nguyên nhân tương tự.
Các lái xe của ứng dụng Be cũng chung bức xúc, tập trung trước văn phòng hãng ở Hà Nội để phản đối chính sách thưởng mới bị cho là khắt khe. Ngày 17/8/2020, hàng chục tài xế đối tác của ứng dụng gọi xe Be tập trung trước văn phòng hãng ở đường Vũ Phạm Hàm căng băng rôn yêu cầu giảm mức chiết khấu và phí sử dụng ứng dụng, cũng như tăng mức điểm thưởng để hỗ trợ tài xế.
Trước đó, ngày 12/8, hàng trăm tài xế của ứng dụng gọi giao hàng, đồ ăn Now đã đình công tập thể, tập trung trước cửa văn phòng của công ty tại Hà Nội để phản đối chính sách điểm thưởng mới gây nhiều bức xúc.
Cụ thể, chính sách mới của Now yêu cầu các shipper làm việc 30 ngày, mỗi ngày tối thiểu 29 đơn hàng để đạt điểm tích lũy. Nhiều tài xế cho rằng đây là quy định quá hà khắc và không thể hoàn thành, trong khi điểm tích lũy ảnh hưởng lớn tới thu nhập của tài xế.
Có thể nói, căng thẳng giữa hãng xe công nghệ và đối tác cho thấy, ngành nghề này không còn là màu hồng. Bất cứ ai khi quyết định mua xe đổi nghề ra đường kiếm tiền cần có suy nghĩ thật kỹ nếu không sẽ rơi vào ngõ cụt, lùi thì khó mà bước tiếp cũng không xong.