Rực rỡ lên nào hỡi vẻ đẹp bình yên !
Đứng trước ngã 3 của sự thay đổi toàn cầu về an ninh năng lượng, nắng - gió là những nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận, thân thiện với môi trường và hoàn toàn miễn phí, sẵn sàng đáp ứng cho cuộc cách mạng về sản xuất năng lượng tái tạo vì tương lai xanh, bền vững hơn cho cuộc sống con người.
Chúng ta chỉ sống một cuộc đời, hãy nên sống thật tươi lên nào
Trung bình, tại tỉnh An Giang có khoảng 5 giờ nắng/ngày/năm, địa phương này cũng nằm trong dải cường độ bức xạ lớn hơn 3,489 kcal/m2/ngày. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng, trong bối cảnh nguồn nhiên liệu hóa thạch (dầu mỏ, than đá) ngày càng cạn kiệt và ngay cả nguồn nước tưởng chừng như vô biên cũng không phải bao la do hiện tượng trái đất ấm dần, biến đổi khí hậu, thì năng lượng tái tạo là lộ trình tất yếu bởi lợi ích tối ưu mà thế giới đang chuyển hướng đến.
An Giang đã có nhà đầu tư làm rất tốt và đang gặt hái hiệu quả từ việc khai thác năng lượng sạch. Đây là một bước đột phá của địa phương trong cơ cấu đa dạng các ngành nghề không chỉ có nông nghiệp. Nhà máy Điện mặt trời dưới chân núi Cấm là một quyết định sáng suốt, đúng đắn và mang tầm chiến lược dài hơi.
Trung tuần tháng 9/2022, đường dây 110Kv – hai mạch Tịnh Biên – Châu Đốc có tổng chiều dài khoảng 10km, vốn đầu tư hơn 60 tỷ đồng đã đấu nối thành công vào hệ thống lưới điện quốc gia. Sự kiện này đã tháo điểm nghẽn cho công suất cho các nhà máy điện mặt trời, đặc biệt là Nhà máy Điện mặt trời An Hảo hoạt động đạt 100% công suất thiết kế (210 Mwp), đưa doanh thu lĩnh vực NLS của nhà đầu tư có thể tăng thêm khoảng 300 tỷ đồng/ năm.
Theo tính toán, lượng điện năng sản xuất từ các nhà máy điện mặt trời của Tập đoàn Sao Mai dự kiến sẽ đạt gần 500 triệu KWh/năm và trong 10 năm tới sẽ có tổng công suất phát điện ước đạt 2,5 tỷ KWh/năm.
Rực rỡ đi !
Quyết định “ngược dòng” để tìm về tựa dòng sông, không thích ồn ào, bình lặng mà dữ dội ngầm, dồn tâm huyết vào trong lặng im để cảnh sắc cất lời.
Công trình Nhà máy Điện mặt trời An Hảo nằm thoai thoải men theo triền dốc chân núi Cấm. Xung quanh nhà máy, nhà đầu tư đã dày công tôn tạo thêm những khoảng xanh từ công viên hoa ngũ sắc, hồ lưu trữ nước khoáng ngầm triệu năm tuổi nổi tiếng, đài quan sát, đồi cừu trăm con và các loài động vật miền nhiệt đới.
Tất cả được kết nối tạo thành chuỗi tiểu cảnh liên hoàn, đan xen giữa những khối đá núi có hình thù mang vẻ đẹp tự nhiên, làm nổi bật lối kiến trúc lạ mắt khiến ai đến tham quan cũng thực sự choáng ngợp.
Từ đài quan sát, mọi người được ngắm nhìn toàn cảnh thung lũng tầng pin và những khoảng bát ngát xanh mênh mông của những thửa ruộng trải dài xa tận chân trời.
“Không vồn vã, sôi động giống các nơi khác, nơi đây làm chúng tôi liên tưởng đến một cụ già bình lặng mang trong mình kho bảo vật khổng lồ nhưng không hề khoe khoang”- đoàn du khách từ Hà Nội đã sâu sắc nhìn nhận.
Thâm ý họ muốn nhắc, đừng vội lướt qua mà hãy thật chậm để chiêm ngưỡng và ghi lại những khoảnh khắc đẹp của nơi đó để tự mình phát lộ thêm những cái đẹp còn tiểm ẩn đâu đó trong cái nhẹ nhàng bền vững của điện mặt trời An Hảo.
Sáng sớm, đi qua cung đường thênh thang ở Nhà máy Điện mặt trời An Hảo là núi non hùng vĩ xen lẫn những đám mây trắng bồng bềnh bay như một dòng sông khổng lồ. Khi bình minh vừa thức giấc, du khách sẽ cảm nhận sự thật diệu kỳ như đang ở thiên đường của vùng đất vẫn còn vẹn nguyên vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng.
Nhà máy Điện mặt trời An Hảo: https://www.facebook.com/kdldienmattroianhao
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ruc-ro-len-nao-hoi-ve-dep-binh-yen--a351052.html