Có lẽ phải đến 10 năm rồi, kể từ ngày diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ I năm 2010, Thủ đô mới chào đón đầy đủ 54 dân tộc anh em cùng về tụ hội
Trong số đó, những chị em của 53 dân tộc ít người (Thổ, Mường, Gia Rai, Ê Đê, Xê Đăng, Ba Na…) như một điểm nhấn đầy dịu dàng giữa tiết đông Hà Nội
Tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II năm 2020 lần này, có 514 nữ đại biểu, chiếm 32% tổng số đại biểu tham dự. Họ không chỉ đại diện cho hàng triệu nữ dân tộc ít người mà còn đại diện cho cả cộng đồng các dân tộc thiểu số ở nước ta.
Trong số đại biểu có những người là nông dân, cả đời chưa từng được đi máy bay, cũng chưa hình dung được Hà Nội ở chỗ nào trên địa đồ đất nước. Chị Sú Thị Hà (50 tuổi), đại biểu dân tộc Cờ Lao đến từ xã Minh Tiến (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) rất vui khi được tham dự Đại hội. Chị làm nông nghiệp nhưng đã nuôi được 4 người con ăn học đàng hoàng.
Cũng có một số người không những được đi nhiều nơi mà còn nổi tiếng cả trên thế giới như cô Hà Ánh Phượng, đại biểu dân tộc Mường ở huyện miền núi rất xa xôi của Phú Thọ.
Cô Hà Ánh Phượng, đại biểu dân tộc Mường, ở Phú Thọ. Năm 2020, cô Phượng, giáo viên tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần (huyện Thanh Sơn) là đại diện duy nhất của Việt Nam được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lựa chọn trong chương trình thủ lĩnh Đông Nam Á, đồng thời cũng là giáo viên duy nhất của Việt Nam lọt vào top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu do tổ chức Varkey Foundation có trụ sở ở Vương quốc Anh bình chọn. Ảnh: TTXVN
Nơi khởi đầu của hành trình ấn tượng đó chẳng ai có thể ngờ được đó là “vườn chuối”. Từ vườn chuối nhà mình để bắt nhờ mạng wifi nhà hàng xóm, cô Phượng đã kết nối với học sinh của 4 châu lục, rồi hình thành nên mô hình “lớp học xuyên biên giới” – kết nối lớp học của mình với lớp học của 40 quốc gia trên khắp các châu lục trên thế giới. Ảnh: TTXVN
Được biết, năm 2016, cô Phượng tốt nghiệp Thạc sỹ ở một trường đại học danh tiếng của Hà Nội, nhưng khác với các bạn học của mình – lựa chọn làm việc ở những thành phố lớn, cô Phượng đã trở về nơi “chôn rau cắt rốn” để thực hiện ước mơ được đứng trên bục giảng, phổ cập ngoại ngữ tiếng Anh cho các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: TTXVN
Câu chuyện của cô Phượng là một minh chứng sống động cho câu nói: “Hãy đi đến tận cùng điều bình dị nhất, bạn sẽ chạm đến văn minh nhân loại”. Ảnh: TTXVN
Trong ngày hội của các dân tộc, khi được vinh dự là một trong những đại biểu được đọc tham luận trước hàng nghìn đại biểu các dân tộc thiểu số khác, trước các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, cô Phượng đã lựa chọn mặc trên mình trang phục cổ truyền của đồng bào người Mường
Cũng như cô Phượng, 513 đại biểu nữ còn lại đều lựa chọn mặc trang phục cổ truyền của từng dân tộc mình
Nữ đại biểu người Tày lựa trong trang phục của dân tộc Tày
Nữ đại biểu người Dao mặc trang phục cổ truyền của người Dao (áo trắng)
Bà Dùng Thị Vân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Xín Cái (huyện Mèo Vạc, Hà Giang), đại biểu dân tộc Lô Lô trong trang phục cổ truyền của dân tộc mình đón nhận Bằng khen do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao
Nữ đại biểu dân tộc người Raglai
Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020 diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (TP Hà Nội), từ ngày 2 - 4/12, với sự tham dự của 1.593 đại diểu đại diện cho các dân tộc thiểu số Việt Nam, trong đó nữ đại biểu chiếm 32%.
Trường Hùng