Rực rỡ sắc xuân
Những cơn mưa bụi giăng mắc dẫn lối cho mùa xuân về với đất trời. Sắc xuân, khí xuân thắm đượm trên chồi non, lộc biếc, tất bật, rộn ràng trong không khí hồ hởi đón chào năm mới. Vào những ngày này, trên những vùng trồng hoa, cây cảnh của tỉnh Thanh như khoác lên mình tấm áo mùa xuân rực rỡ sắc màu, nồng nàn hương thơm. Bức tranh lao động, sản xuất hăng say, tất bật càng thêm phần sinh động, hấp dẫn.
Mùa xuân. Ảnh: Quách Nam
Khoảng những năm 1994 – 1995, một vài hộ dân nhanh nhạy với thời cuộc đã đưa giống hoa vào trồng thử nghiệm trên đất Đông Cương. “Cuộc chơi” ấy, ngay từ lúc bắt đầu đã cho thấy tiềm năng, lợi thế, hiệu quả kinh tế rõ rệt. Kể từ đó, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, những đứa con sinh ra ở làng, thế hệ này qua thế hệ khác không ngừng nỗ lực phấn đấu, cần cù, chịu thương chịu khó gây dựng, phát triển nghề. Trải qua biết bao thăng trầm và biến ảo của đời sống, của vòng xoáy kinh tế thị trường, đến hôm nay, phường Đông Cương đã có hơn 20 năm gây dựng và phát triển nghề trồng hoa. Với tổng diện tích gieo trồng 324,51 ha, trong đó có khoảng 100 ha đất với hơn 200 hộ trồng hoa, chủ yếu là các loại hoa: cúc, hồng, đồng tiền, lay ơn..., phường Đông Cương được xem là một trong những “vựa hoa” lớn, đảm bảo cung ứng cho thị trường toàn tỉnh.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đông Cương, từ những ngày còn là chàng thanh niên trẻ mới lập gia đình, anh Nguyễn Văn Bằng (40 tuổi, phố 3, phường Đông Cương, TP Thanh Hóa) cùng vợ đã đồng cam cộng khổ, động viên nhau đầu tư, phát triển nghề trồng hoa. Mong muốn nghề hoa Đông Cương chủ động được nguồn giống với chi phí phù hợp, đảm bảo chất lượng, sau một thời gian trồng hoa thương phẩm, vợ chồng anh Bằng mạnh dạn thuê thêm ruộng đất, chuyển sang sản xuất các loại cây giống, cung ứng cho bà con trong vùng và một số vùng lân cận. Từ 3.000m2, đến nay, diện tích sản xuất của gia đình anh Bằng đã tăng lên 5.000m2. Thời điểm vào vụ, gia đình anh thuê thêm 4 - 5 lao động, chủ yếu là lao động địa phương với mức tiền công 200 nghìn đồng/người/ngày. Thu nhập bình quân của gia đình anh Bằng từ nghề trồng hoa mang lại khoảng 250 - 300 triệu đồng/năm. Anh Bằng nói như khoe với chúng tôi: “Các sản phẩm hoa, giống hoa của Đông Cương làm ra không đủ bán, không phải lo lắng “đầu ra” nên bà con yên tâm sản xuất”.
Thời điểm cận kề tết cũng là lúc những vườn đào của người dân xã Quảng Chính bắt đầu bung nở rực rỡ. Đào Quảng Chính vốn có từ lâu nhưng trước đây chỉ được trồng rải rác trong vườn nhà. Theo thời gian, “hữu xạ tự nhiên hương”, nét đẹp riêng có của giống đào nơi đây thu hút khách hàng từ nhiều nơi đến hỏi mua. Nhận thấy tiềm năng phát triển, hiệu quả kinh tế của “mặt hàng” này, khoảng 10 năm trở lại đây, người dân mạnh dạn đầu tư, nhân giống, tích tụ ruộng đất, mở rộng diện tích sản xuất. Vốn có truyền thống, kinh nghiệm nên người dân nhanh chóng thích ứng, bắt kịp thị trường, dần khẳng định được thương hiệu, từng bước phát triển nghề. Đến nay, nghề trồng đào ở Quảng Chính thu hút 250 hộ tham gia với tổng diện tích khoảng hơn 8 ha.
Được biết, xã Quảng Chính chỉ trồng duy nhất giống đào phai. Đây là giống đào bản địa, được người dân địa phương bảo tồn và nhân giống từ hạt. Do đó, đào Quảng Chính mang nhiều nét độc đáo, ít nơi nào có được. Khác với các loại đào 5 cánh thường được trồng ở Nhật Tân (Hà Nội), Xuân Du (Như Thanh), đào Quảng Chính có bông to, khi bung nở có thể đếm được 30 - 40 cánh, màu hồng phớt, hương thơm thoang thoảng, lại rất “siêng” và bền hoa, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi và bảo quản tốt thì ra đến tháng Giêng mà đào vẫn đua nhau khoe sắc, từ hồng phai, đỏ nhạt lúc xuân thì, đến khi tạo quả thì chuyển đài hoa sang màu đỏ cùng với viền hoa trắng.
Sở hữu những đặc điểm nổi bật như thế nên hằng năm, bắt đầu từ khoảng độ rằm tháng Chạp, người mua từ khắp các nơi trong tỉnh tấp nập về đây chọn mua đào với giá bán dao động từ 3 - 8 triệu đồng/cây, những cây đào cổ có giá lên tới 15 - 30 triệu đồng/cây. Nhiều khách hàng kỹ tính, muốn chọn được cây dáng đẹp, độc, lạ thì đã xuống chọn và đặt cọc nhà vườn từ rất sớm. Tay thoăn thoắt làm việc, chị Nguyễn Thị Hiền, chủ vườn đào phai Vinh Hiền (thôn Xuân, xã Quảng Chính) thành thật chia sẻ: “Gia đình tôi trồng đào từ lâu nhưng khoảng hơn 6 năm nay mới phát triển nghề. Năm nay, vườn chúng tôi trồng khoảng 300 gốc đào phục vụ dịp Tết Nguyên đán và khoảng 400 gốc đào một năm. Nếu “mưa thuận gió hòa”, gia đình thu nhập khoảng 500 – 600 triệu đồng/vụ tết. Do đó, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, rủi ro nhưng nhìn chung, nghề trồng đào đem lại hiệu quả kinh tế gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa và các loại cây khác”. Những con số ấn tượng cho thấy rõ rệt hiệu quả mà nghề trồng đào mang lại cho đất và người Quảng Chính và được biểu hiện cụ thể bằng những ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi; niềm vui, niềm phấn khởi hòa lẫn với mồ hôi thấm đẫm lưng áo người lao động bên những gốc đào; diện mạo ngày càng “to đẹp hơn, đàng hoàng hơn” của quê hương.
Những sắc hoa rực rỡ, tươi tắn không chỉ góp phần tạo nên nét chấm phá, điểm nhấn đắt giá cho diện mạo, sức sống của những vùng quê này mà còn tô thắm thêm màu sắc cuộc đời mỗi con người nơi đây. Đời người, đời hoa cứ thế hòa quyện vào nhau, cùng tỏa sắc khai hương làm đẹp cho cuộc sống, làm giàu cho mình và cho mảnh đất quê hương.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/ruc-ro-sac-xuan/131585.htm