Về Quảng Ninh những ngày đầu xuân, lên các xã vùng cao của huyện miền núi Ba Chẽ sẽ gặp một loài hoa - loại dược liệu quý, cánh óng mượt như nhung, hoa vàng óng, mùi thơm nhẹ thoang thoảng. Loài hoa ấy có tên gọi trà hoa vàng hay kim hoa trà, là sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh Quảng Ninh. Trà hoa vàng thường nở rộ vào tháng 11, 12 và kéo dài đến đầu tháng 2 âm lịch hàng năm.
Sản phẩm trà hoa vàng được bày bán tại lễ hội Trà hoa vàng Ba Chẽ lần III tổ chức tại Miếu Ông - Miếu Bà, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh). Có cơ hội tham gia vào lễ hội Trà hoa vàng Ba Chẽ lần III được tổ chức tại Miếu Ông - Miếu Bà thuộc xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh), được đắm mình trong sắc hoa vàng rực rỡ mới thấy được ý nghĩa của loại dược liệu quý này với người dân nơi đây và giá trị kinh tế mà nó mang lại. Qua tìm hiểu được biết, trà hoa vàng vốn là loài cây mọc tự nhiên trong rừng từ rất lâu. Trước nay, người dân địa phương vẫn hái hoa, lá và đào cây con bán cho tư thương bên kia biên giới. Vài năm gần đây, giá trị thực tế của loại trà quý này mới được khẳng định và nhiều người biết đến. Theo đó, dược liệu này có tới 33,8% hoạt chất có tác dụng ức chế và làm giảm quá trình phát triển của tế bào gây ung thư. Cây có thể cho hái lá, nụ và hoa với giá trị kinh tế từ 13 - 15 triệu đồng/kg hoa khô. Huyện Ba Chẽ là huyện miền núi khí hậu mát mẻ, trên 90% diện tích là đất rừng. Ở một số xã vùng cao, nhiệt độ quanh năm dao động khoảng 21-230C, độ ẩm bình quân 83%, rất thích hợp để cây trà hoa vàng phát triển. Theo người dân Ba Chẽ, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 150 ha trồng trà hoa vàng, nửa diện tích đã cho thu hoạch. Diện tích trồng nhiều nhất phải kể đến 2 xã Thanh Sơn và Đồn Đạc, tiếp đến là các xã Đạp Thanh và Thanh Lâm... Anh Lã Minh Tuấn, xã Đồn Đạc chia sẻ: Để có trà ngon đồng thời giữ lại được những chất quý có trong trà, khi hoa nở phải hái ngay. Nếu để lâu, ong sẽ đến hút hết mật hoa và làm hỏng nhụy. Bên cạnh đó, khi mưa xuống cũng làm nát hoa, giảm chất lượng của trà. Hoa sau khi hái về được sao trong chảo với lửa lớn. Khi sao phải đảo đều, dùng tay vò nhẹ để trà quăn và dậy mùi hương. Mỗi lần pha lấy một nhúm nhỏ, tráng trà để loại bỏ hết các bụi bẩn có trong hoa trà và dùng nước sôi để pha. Trà ngấm sẽ cho nước vàng như mật ong, tỏa mùi thơm đặc trưng, uống xong có vị ngọt đọng lại đầu lưỡi. Để tôn vinh ưu điểm đặc biệt của loại trà quý này, từ năm 2016, huyện Ba Chẽ đã quyết định tổ chức Lễ hội Trà hoa vàng 2 năm/lần (vào năm chẵn). Qua đó quảng bá đặc sản địa phương đến với bạn bè trong nước, quốc tế. Đồng thời, xây dựng sản phẩm du lịch mới vốn là thế mạnh của địa phương. Đến Ba Chẽ mùa này, những cây trà hoa vàng bên bờ sông Ba Chẽ tuy không còn nở rộ, nhưng sắc hoa vàng óng vẫn hấp dẫn du khách phương xa, sắc hoa như thể hiện ân tình của đất và người Ba Chẽ chân thành, mến khách. Loài hoa này đã, đang mang đến cho người dân nơi đây cơ hội làm giàu mới đến từ sản phẩm vốn có của địa phương. Khánh Linh