Rủi ro có thể gặp phải khi mua nhà qua môi giới

Theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS), người cung cấp dịch vụ môi giới BĐS sẽ làm trung gian cho các bên trong mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua BĐS.

Họ là những người được đào tạo và phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Vì vậy, mua bán nhà, đất qua môi giới sẽ có nhiều ưu điểm.

Các nhân viên môi giới sẽ giúp người mua - bán nhanh chóng tìm kiếm được đối tác theo yêu cầu của mình. Ngoài ra, bên môi giới có thể đại diện, thay mặt các bên thực hiện các công việc liên quan đến thủ tục giao dịch, giúp các bên tiết kiệm thời gian.

Bên môi giới cũng có thể cung cấp nhiều thông tin, hỗ trợ đàm phán, ký kết hợp đồng. Ví dụ, các bên có thể được tư vấn về pháp lý của BĐS, cân đối tài chính, thời điểm đầu tư, mua vào, bán ra…

Theo ThS Ngô Gia Hoàng, Khoa luật thương mại, Trường ĐH Luật TP.HCM, ngoài những ưu điểm thì việc nhờ đến môi giới khi giao dịch nhà, đất có thể gặp một số rủi ro. Đơn cử như người mua có thể phải mua BĐS với giá bán cao hơn khi giao dịch trực tiếp vì phải trả thêm thù lao và hoa hồng môi giới. Ngược lại, người bán có thể bị ép giá hoặc nhầm lẫn về giá, làm cho số tiền bán được thấp hơn giá thị trường. Vì vậy, hai bên cần lập hợp đồng bằng văn bản, thỏa thuận rõ quyền và nghĩa vụ của các bên, đặc biệt là khoản thù lao, hoa hồng môi giới để tránh tranh chấp về sau.

Bên cạnh đó, các bên có thể gặp phải người môi giới không chuyên nghiệp. Phần lớn người làm nghề môi giới hiện nay không có chứng chỉ hành nghề, chưa được đào tạo bài bản nên không nắm rõ tính pháp lý hoặc vì lợi nhuận mà cung cấp thông tin sai lệch, cố bán được hàng, gây thiệt hại cho bên mua.

Mặt khác, bên cạnh các doanh nghiệp môi giới, pháp luật cũng cho phép môi giới tự do. Để hạn chế rủi ro cần tìm đến các doanh nghiệp, cá nhân môi giới có uy tín. Ngoài ra, các bên cần tự mình kiểm chứng thông tin do môi giới đưa ra chứ không tin một chiều.

“Cần khảo sát giá thị trường trong khu vực, tìm hiểu thông tin tại các cơ quan có thẩm quyền (UBND cấp xã, văn phòng công chứng, văn phòng đăng ký đất đai...), kiểm tra các loại giấy tờ dự án, giấy tờ về BĐS, tư cách chủ thể giao dịch...” - ThS Ngô Gia Hoàng chia sẻ.

BĐS có thể được môi giới qua nhiều bên trung gian (môi giới thứ cấp). Pháp luật vẫn cho phép bên môi giới được quyền thuê doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới khác thực hiện công việc môi giới trong phạm vi hợp đồng dịch vụ môi giới BĐS đã ký với khách hàng. Vì vậy, người mua nên yêu cầu gặp trực tiếp chủ nhà, người sử dụng đất để trao đổi cho chắc chắn, hoặc yêu cầu cung cấp bằng chứng chứng minh tư cách làm việc của bên môi giới (giấy ủy quyền của bên bán, hợp đồng dịch vụ môi giới,...).

NGUYỄN CHÂU ghi

Nguồn PLO: https://plo.vn/bat-dong-san/rui-ro-co-the-gap-phai-khi-mua-nha-qua-moi-gioi-958487.html