Rủi ro đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã trở nên rất sôi động trong thời gian qua khi thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư sẽ phải đối mặt nhiều rủi ro tiềm ẩn khi mua trái phiếu chào bán riêng lẻ.
Đua tranh “miếng bánh” trái phiếu
Từ năm 2019 đến nay, khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ mạnh mẽ, theo ghi nhận của DĐDN, nhiều nhà băng đã cử nhân sự chuyên tư vấn, môi giới trái phiếu. Nhân sự này là cầu nối với công ty chứng khoán, có thể là công ty chứng khoán mà ngân hàng có liên quan (có vốn sở hữu), hoặc không; hoặc với các tổ chức khác trong khuôn khổ quy định được phép cung cấp dịch vụ đấu thầu, tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu để kết nối là “đại lý” trái phiếu.
Có không ít người gửi tiền tiết kiệm khi đến ngân hàng, băn khoăn về mức lãi suất ngày càng giảm, đã được các nhân viên ngân hàng lập tức điều hướng tư vấn sang mua trái phiếu với lãi suất cao hơn nhiều tiền gửi tiết kiệm.
Cơ cấu tổ chức phát hành trái phiếu 6 tháng đầu năm 2020. Nguồn: HNX, SSI tổng hợp
Sở hữu hệ thống mạng lưới hoạt động rộng lớn, các ngân hàng đã và đang có nhiều lợi thế trong chào bán trái phiếu. Ngoài ra, các công ty chứng khoán top đầu như SSI hay VNDirect cũng không bỏ qua “miếng bánh” hấp dẫn này…
Người mua “nắm dao đằng lưỡi”
Cũng theo ghi nhận của DĐDN, nếu là trái phiếu chào bán ra công chúng, thông thường, nhà đầu tư được tiếp cận các thông tin doanh nghiệp khá đầy đủ. Tuy nhiên, với trái phiếu chào bán riêng lẻ, “trà trộn” vào các gói sản phẩm ngân hàng và công ty chứng khoán cùng bán, có nhiều doanh nghiệp không hoàn toàn khấm khá. Thậm chí, có chuyên gia cho rằng đây là trường hợp mà bên bán đẩy người mua vào thế “nắm dao đằng lưỡi”.
Một chuyên gia nhận định, khi nhóm ngân hàng và bất động sản liên tục thay nhau dẫn đầu vị trí số 1 trên thị trường trái phiếu từ năm 2019 đến nay, có thể thấy sân chơi trái phiếu đang tồn tại hiện tượng: Những doanh nghiệp nào “thiếu chuẩn” vay tín dụng ngân hàng, thì sẽ dồn sức vay qua trái phiếu. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản còn đẩy rủi ro cho nhà đầu tư khi họ tham gia mua trái phiếu mà không có tài sản đảm bảo.
“Với việc mua trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, thì nhà đầu tư đối mặt nhiều rủi ro, vì họ gần như không nắm rõ “sức khỏe” của doanh nghiệp; nguồn vốn huy động được sử dụng ra sao, hiệu quả thế nào?”, vị chuyên gia trên nhấn mạnh.