Rủi ro khi nền kinh tế phụ thuộc vào tín dụng ngày càng hiện hữu

Tính đến ngày 30-11, dư nợ tín dụng đạt hơn 13 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 9,15% so với cuối năm 2022. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% xem như thất bại.

Ảnh minh họa

Dư địa còn lại của toàn hệ thống để các TCTD cho vay khoảng trên 700.000 tỷ đồng. Cũng vì vậy, khác với tiền lệ mọi năm các NH phải xin, thì năm nay vào cuối tháng 11, NHNN thông báo bổ sung hạn mức tín dụng cho các NHTM công khai, minh bạch theo các nguyên tắc và tiêu chí cụ thể.

Đây cũng là lần thứ 3 NHNN cấp room tín dụng cho các NH tính từ đầu năm. Trong khi đó, Văn phòng Chính phủ mới đây đã có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ, yêu cầu trong tháng 12 tiến hành thanh tra việc điều hành TTTD của NHNN trong năm 2022 và 2023, báo cáo kết quả vào tháng 1-2024.

Đứng trên góc độ thị trường, giới chuyên gia bình luận không phải NH không có tiền hay thiếu room để cho vay, hoặc không muốn cho vay. Bản thân các NH cũng “thích cho vay", không cho vay được là "thất nghiệp".

Nhưng gút mắc của bài toán giải ngân tín dụng đang nằm ở sự bế tắc từ tổng cung chưa khắc phục được.

Thị trường xuất khẩu suy giảm mạnh, thị trường nội địa chưa đủ sức là trợ lực để doanh nghiệp (DN) bật dậy. Quan trọng hơn 80% tài sản thế chấp là bất động sản, trong khi nhiều vấn đề pháp lý của thị trường này không giải quyết được, đã tác động ngược trở lại thị trường tín dụng.

Thực tế, tại hội nghị ngày 7-12, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lâm sản, thủy sản được giải ngân nhanh, hơn 9.000 tỷ đồng sau hơn 4 tháng và các DN thủy sản tiếp cận vốn NH với lãi suất 5-5,9%/năm, còn lãi suất USD 4,1-4,5%/năm.

Ngược lại, báo cáo về chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, cho biết mới giải ngân cho 4 dự án với số tiền 143 tỷ đồng.

Hai trường hợp đối lập này đặt ra vấn đề việc hấp thụ tín dụng phải chăng do đặc thù “cơ địa” của từng nhóm ngành? Nếu đúng như vậy, việc tháo gỡ phải dựa vào tính chất của từng nhóm ngành, thay vì chỉ yêu cầu chính sách tiền tệ.

Có thể trong câu chuyện tín dụng hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề, có những nỗ lực nhưng cũng có nhiều tiêu cực chưa được phơi bày đang chờ cơ quan có trách nhiệm làm sáng tỏ.

Thế nhưng, trong tình hình hiện tại cần đồng tình với quan điểm của các nhà băng, giải ngân tín dụng lúc này "không thể vỗ tay bằng một bàn tay".

Cơ quan thẩm quyền cần hỗ trợ giải quyết những vướng mắc pháp lý liên quan tới các dự án bất động sản; triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt đầu tư… qua đó khơi thông "mạch máu" tín dụng.

Ở chiều ngược lại, những yêu cầu của Thủ tướng về hoạt động cấp tín dụng phải được thực hiện nghiêm. Cụ thể, các TCTD phải cải thiện vấn đề hồ sơ, thủ tục cho vay vẫn còn phức tạp, lãi suất dù đã giảm song vẫn còn cao so với khả năng chi trả của DN.

Tất cả phải hành động, tư tưởng phải thông với quan điểm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, giữa Nhà nước, DN và người dân. Đặc biệt, cần chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số DN, dự án thuộc hệ sinh thái, sân sau của tập đoàn; nghiêm cấm việc mở rộng room tín dụng và dành lãi suất thấp cho thành viên ban lãnh đạo NH.

Đã đến lúc phải thay đổi tâm lý coi tín dụng là “chìa khóa” của tăng trưởng. Vì rủi ro khi nền kinh tế chỉ dựa vào tín dụng đang ngày càng rõ.

Hơn nữa, tâm lý phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng có thể tiếp tục làm trì hoãn các nỗ lực nhằm phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu và các kênh huy động vốn khác trong nền kinh tế.

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/rui-ro-khi-nen-kinh-te-phu-thuoc-vao-tin-dung-ngay-cang-hien-huu-post110341.html