Rủi ro lạm phát từ chiến lược kinh tế của bà Harris và ông Trump

Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo kế hoạch kinh tế sơ bộ mà Phó Tổng thống Kamala Harris công bố hồi tuần trước, và các tuyên bố liên quan đến kinh tế cựu Tổng thống Donald Trump đã đưa ra trong những tháng gần đây đều có thể đẩy giá cả ở Mỹ tăng cao hơn.

Lạm phát tại Mỹ đang trên đà quay về mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Song, nhiều người Mỹ vẫn lo ngại nguy cơ tái diễn tình trạng lạm phát cao kỷ lục như thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 khiến chi phí sinh hoạt phi mã tới mức trở thành gánh nặng lớn đối với họ.

Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang diễn ra, cả Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đều tìm cách gây ấn tượng với cử tri bằng cam kết giảm lạm phát. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng chủ trương kinh tế của cả hai ứng cử viên, bao gồm kế hoạch kinh tế sơ bộ mà bà Harris công bố mới đây, và các tuyên bố liên quan đến kinh tế mà ông Trump đã đưa ra trong những tháng gần đây, đều có nguy cơ đẩy giá cả ở Mỹ tăng cao hơn. Thậm chí, trong trường hợp ông Trump tái đắc cử, tỷ lệ lạm phát còn có thể tăng cao hơn nhiều.

Gia tăng thâm hụt ngân sách

Trao đổi với đài CNN, chuyên gia kinh tế trưởng Joe Brusuelas của Công ty RSM US cho biết, kế hoạch kinh tế của cả ông Trump và bà Harris đều có khả năng làm tăng thâm hụt ngân sách liên bang và tăng nhu cầu trong nền kinh tế, bao gồm thông qua tăng chi tiêu chính phủ và khiến thị trường lao động thắt chặt hơn.

Một phân tích của Ủy ban vì Ngân sách liên bang có trách nhiệm (CRFB) cho thấy chính sách kinh tế mà Phó Tổng thống Harris đề xuất có thể khiến thâm hụt ngân sách liên bang tăng thêm 1,7 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm và mức tăng này có thể lên tới 2 nghìn tỷ USD nếu chính sách nhà ở của bà trở thành vĩnh viễn. Phần lớn những chi phí này, ước tính khoảng 1,2 nghìn tỷ USD, đến từ đề xuất mở rộng chính sách Tín dụng thuế trẻ nhỏ (Child Tax Credit) của ứng cử viên Dân chủ.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Getty

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Getty

Theo Phó chủ tịch cấp cao Marc Goldwein của CRFB, cả hai ứng cử viên đều đưa ra đề xuất chính sách kinh tế có khả năng gây thâm hụt ngân sách. Vị quan chức này lưu ý thêm rằng thâm hụt tăng trong ngắn hạn đồng nghĩa áp lực lạm phát lớn hơn, dẫn tới tình trạng giá cả leo thang ở cửa hàng thực phẩm, trạm bơm xăng, điều này có thể buộc Fed phải cắt giảm lãi suất chậm hơn.

Về phần mình, cựu Tổng thống Trump cho đến nay vẫn chưa công bố kế hoạch kinh tế chi tiết như bà Harris. Tuy nhiên, phân tích trước đây của CRFB về những đề xuất mà ông Trump đưa ra về xóa thuế phúc lợi An sinh xã hội cho thấy kế hoạch sẽ tiêu tốn từ 1,6 đến 1,8 nghìn tỷ USD trong thời gian đến năm 2035.

Phần trọng tâm trong kế hoạch kinh tế của bà Harris là làm cho giá nhà ở hợp lý hơn. Kế hoạch này được xây dựng dựa trên đề xuất của Tổng thống Joe Biden, bao gồm xây dựng 3 triệu đơn vị nhà ở mới trong vòng 4 năm tới, hỗ trợ trả trước và tín dụng thuế cho người mua nhà lần đầu.

Kế hoạch nhà ở của Phó Tổng thống Harris còn bao gồm tăng gấp đôi "quỹ đổi mới" trị giá 20 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Biden dành cho xây dựng nhà ở.

Trao đổi với CNN, một số chuyên gia kinh tế cho rằng những nỗ lực tăng nguồn cung nhà ở sẽ giúp giải tỏa nút thắt hiện tại trên thị trường bất động sản Mỹ - một nguyên nhân khiến giá nhà và lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, các chuyên gia khác lại tỏ ra lạc quan thận trọng với những nỗ lực kích thích nhu cầu mua nhà mà bà Harris đưa ra.

Giáo sư chính sách công và kinh tế Justin Wolfers của Đại học Michigan nhận định: “Vấn đề hiện nay là có quá nhiều người muốn mua nhà và có quá ít nhà để mua. Giải pháp cho vấn đề đó không phải chỉ là cấp thêm tiền cho người muốn mua nhà”.

Đồng quan điểm nói trên, nhà kinh tế trưởng Joe Brusuelas tại RSM US nói rằng các kế hoạch hỗ trợ những người mua nhà lần đầu có thể tạo được sức hút với những cử tri trẻ, nhưng tác động đối với thị trường vẫn chưa rõ ràng.

Lạm phát có nguy cơ bùng phát trở lại

Một rủi ro tiềm tàng khác với lạm phát là việc mở rộng tín dụng thuế trẻ em - một cách bơm thêm tiền vào ví của người dân. Trong thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19, việc gia hạn tín dụng thuế dành cho trẻ em đã giúp các gia đình trang trải chi phí chăm sóc trẻ em và chi phí sinh hoạt, đồng thời giúp giữ chân họ trong lực lượng lao động, theo chuyên gia kinh tế Michelle Holder của Đại học John Jay ở New York.

Tuy nhiên, bà Holder lưu ý rằng có một câu hỏi được đặt ra ở đây là chính phủ liên bang sẽ phải chi bao nhiêu để đưa việc cắt giảm thuế này trở thành một chính sách vĩnh viễn.

Trong số những chủ trương kinh tế mà ông Trump đưa ra, có kế hoạch tăng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu, gia hạn chương trình cắt giảm thuế năm 2017, tiếp tục giảm thuế thu nhập DN, siết chặt kiểm soát người nhập cư, trục xuất số lượng lớn người nhập cư trái phép.

Trong một lá thư ngỏ hồi tháng 6 vừa qua, một nhóm gồm 16 nhà kinh tế đoạt giải Nobel đã cảnh báo rằng các ý tưởng kinh tế của ông Trump - đặc biệt là việc tăng thuế quan đối với Trung Quốc và các đối tác thương mại quốc tế, gia hạn chương trình cắt giảm thuế năm 2017 và cắt giảm thêm thuế suất thuế DN - sẽ không chỉ khiến lạm phát bùng trở lại, mà còn có “tác động tiêu cực đến vị thế kinh tế của Mỹ trên thế giới và gây bất ổn cho nền kinh tế đất nước”.

Đề cập đến các kế hoạch kinh tế của ông Trump, đặc biệt là việc áp thuế 20% đối với hàng nhập khẩu, Phó Tổng thống Harris cho rằng những biện pháp này sẽ khiến chi phí của một gia đình Mỹ điển hình tăng thêm 3.900 USD mỗi năm.

Con số 3.900 USD mà bà Harris đưa ra từ tổ chức Center for American Progress Fund. Trong khi đó, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ước tính rằng các đề xuất thuế quan của ông Trump sẽ khiến một hộ gia đình có thu nhập trung bình điển hình ở Mỹ tiêu tốn thêm ít nhất 1.700 USD/năm.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia đã cảnh báo rằng ý định trục xuất 15 - 20 triệu người nhập cư trái phép mà ông Trump đưa ra có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho thị trường lao động Mỹ vốn mới dần phục hồi sau cú sốc cung - cầu việc làm do đại dịch Covid-19 gây ra.

Các nhà kinh tế cho rằng với một lượng lớn lao động nhập cư bị trục xuất, các DN sẽ buộc phải tăng lương và giá cả. Ngoài ra, nguồn lao động nhập cư dồi dào đã giúp thị trường lao động Mỹ hồi phục và tăng năng suất lao động, qua đó giúp giải tỏa bớt áp lực lạm phát.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/rui-ro-lam-phat-tu-chien-luoc-kinh-te-cua-ba-harris-va-ong-trump.html