Rủi ro nếu Australia đặt cược vào mìn biển
Theo The Australian, Lực lượng Phòng vệ Australia (ADF) cần phải sở hữu vũ khí không đối xứng như mìn biển để đối phó với nguy cơ từ bên ngoài.
Hiện Bộ Quốc phòng Australia đã đưa ra yêu cầu cung cấp thông tin từ ngành công nghiệp liên quan đến việc mua sắm các loại mìn biển hiện đại trong tương lai gần. Dự án SEA 2000 - Mìn biển, đang được triển khai và gấp rút tiến hành. Bởi mìn biển vẫn có vai trò quan trọng trong tác chiến hiện đại.
Trong Chiến tranh vùng Vịnh, thủy lôi của Iraq đã trở thành chướng ngại vật nghiêm trọng đối với tàu chiến Mỹ. Tháng 2/1991, tàu sân bay trực thăng Tripoli đã bị nổ tung bởi một quả mìn biển của Iraq, và số phận tương tự cũng đã xảy ra với tàu tuần dương URO Princeton.
Là quốc gia có biển, các phương thức tiếp cận trên biển của Australia rất đa dạng. Nhiều loại mìn có khả năng đặc biệt và sự hiện diện các bãi mìn hoặc được thiết lập để bảo vệ các tuyến đường biển của Australia hoặc để làm gián đoạn hoạt động của kẻ thù chống lại nước này là một khả năng phi đối xứng mà giới quân sự nước này cần phải tính đến.
Báo Australia cho rằng, nước này cần có một kho mìn biển phong phú và luyện tập cách bố trí thành thạo chúng từ các nền tảng trên không, trên mặt đất và dưới biển, cũng như chứng tỏ cho giới quan sát thấy năng lực thực sự của Australia trong việc sở hữu những loại vũ khí có uy lực lớn, đầy lợi hại và linh hoạt.
Lực lượng ADF sẽ cần sự kết hợp của các loại mìn được trang bị trên tàu mặt nước, máy bay (P-8, các trực thăng hạng nặng) và tàu ngầm. Các loại mìn hiện đại có chứa chất nổ mạnh được kích nổ bằng ngòi nổ điện tử hiệu quả hơn nhiều so với các loại mìn chứa thuốc súng thời kỳ đầu yêu cầu kích nổ bằng phương pháp vật lý.
Công nghệ mới hơn liên quan đến việc sử dụng các phương tiện tự hành dưới nước đã được cải tiến cũng cho phép ADF thu được các loại mìn di động thông minh có thể thả từ tàu ngầm và tự động điều hướng đến các tuyến đường thủy đối phương có thể xuất hiện.
Những bãi mìn có thể được bố trí ở vùng biển nhà không cho kẻ thù bén mảng đến. Các bãi mìn bảo vệ hiện đại có thể được điều khiển từ xa (tắt và kích hoạt theo lệnh) để các tàu chiến đồng minh, thân thiện, cả thương mại và hải quân đi qua an toàn.
Trong thời gian xung đột, chúng có thể được bố trí ở bất cứ đâu, với nhiều lựa chọn chiến lược và chiến thuật khác nhau. Tác động tâm lý lên đối thủ một khi mìn biển kích hoạt là rất lớn.
Module neo giữ mìn dưới đáy biển, nơi nó có thể đợi lệnh kích hoạt trong vài ngày, vài tuần hoặc thậm chí vài tháng. Khi module chỉ huy và điều khiển nhận được lệnh kích hoạt, cảm biến sẽ lặng lẽ lắng nghe âm thanh của tàu đối phương đang đến gần, phân tích tiếng động nghi ngờ và so sánh với các tín hiệu đã biết của các loại tàu ngầm đối phương để tấn công.
Tuy nhiên theo đánh giá của giới chuyên gia, mặt trái của mìn biển dù chúng tối tân đến đâu cũng chỉ phân biệt được tàu ngầm và tàu nổi di chuyển chứ khó có thể phân biệt chính xác được chiến hạm đối phương và tàu dân sự. Vì vậy, việc tấn công nhầm tàu dân sự là điều khó tránh khỏi.
Đây chính là lý do khiến mìn biển thường chỉ được triển khai tại những khu vực trọng yếu như cửa biển, cửa vịnh chứ không triển khai trên diện rộng. Để đảm bảo nhiệm vụ ngăn chặn tàu đối phương xâm nhập, tên lửa bờ và hệ thống chống ngầm tối tân đang được các cường quốc đầu tư phát triển.