Rủi ro tiềm ẩn

Trong suốt gần hai thập kỷ qua, Hiệp ước Bầu trời mở trở thành một trong những biện pháp củng cố lòng tin ở châu Âu sau Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, những thông tin gần đây về khả năng Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước này làm dấy lên quan ngại trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mới bị 'khai tử' hồi tháng 8 vừa qua.

Tờ The Wall Street Journal mới đây dẫn các nguồn tin trong chính quyền Mỹ cho hay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký văn kiện liên quan đến việc Washington dự định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Thông tin về khả năng Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở cũng từng được Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel đề cập tới trong thư gửi Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien.

Hiệp ước Bầu trời mở được 23 quốc gia thành viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ký kết vào ngày 24-3-1992 tại Helsinki (Phần Lan) và có hiệu lực vào ngày 1-1-2002. Hiện nay, có 34 quốc gia tham gia ký kết hiệp ước này. Theo Báo Sao đỏ của Các lực lượng vũ trang Nga, ý tưởng về Hiệp ước Bầu trời mở lần đầu tiên được đề xuất bởi Tổng thống Mỹ Dwight D.Eisenhower vào năm 1955 nhằm bảo đảm việc giám sát các hoạt động quân sự của Mỹ và Liên Xô. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, đề xuất của Mỹ không nhận được sự ủng hộ từ lãnh đạo Liên Xô. Chỉ đến cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, hai bên mới bàn về hiệp ước này với ý nghĩa là một sáng kiến đa phương nhằm kiểm soát vũ khí. Mục đích của Hiệp ước Bầu trời mở là giúp xây dựng lòng tin giữa các quốc gia tham gia ký kết thông qua giám sát hoạt động quân sự và tuân thủ các hiệp ước kiểm soát vũ khí hiện có. Theo hiệp ước này, các bên tham gia được phép thực hiện các chuyến bay bằng thiết bị bay giám sát không mang theo vũ khí trên không phận của nhau nhưng phải thông báo chậm nhất là 72 giờ trước thời gian dự kiến diễn ra chuyến bay. Thời gian bay giám sát sẽ không quá 96 giờ và tuyến đường bay giám sát được giới hạn ở phạm vi 5.500km kể từ điểm khởi hành. Dù có quyền cấm chuyến bay giám sát nhưng bên được giám sát phải gửi lời giải thích bằng văn bản về lý do của quyết định này thông qua các kênh ngoại giao trong vòng 7 ngày. Nước tham gia ký kết có quyền rút khỏi hiệp ước và có nghĩa vụ phải thông báo về quyết định này không quá 6 tháng trước ngày dự định rút lui.

 Không quân Mỹ thực hiện chuyến bay giám sát theo Hiệp ước Bầu trời mở. Ảnh: U.S. Air Force.

Không quân Mỹ thực hiện chuyến bay giám sát theo Hiệp ước Bầu trời mở. Ảnh: U.S. Air Force.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định đưa nước này rút khỏi một loạt thỏa thuận quốc tế, như: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) hay Hiệp ước INF với Nga. Vì mục tiêu “Nước Mỹ trên hết”, người đứng đầu Nhà Trắng đã vận dụng “học thuyết rút lui” để kéo Washington ra khỏi hàng loạt thỏa thuận quốc tế. Do đó, sau sự tan vỡ của Hiệp ước INF vào tháng 8 năm nay, những thông tin về khả năng Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở không thể không khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.

Trả lời báo giới, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố sẽ rất lấy làm tiếc nếu Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, một thỏa thuận giúp tăng cường tính minh bạch trong hoạt động quân sự. Theo bà Olga Oliker, chuyên gia tại Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai, việc rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở sẽ là bước đi hoàn toàn sai lầm trong một thế giới nguy hiểm như hiện nay. Hiệp ước này có lợi cho Washington, Moscow và các quốc gia khác, giúp các bên tránh ngờ vực lẫn nhau, giảm nguy cơ xung đột do hiểu lầm nhau. “Nếu không có Hiệp ước Bầu trời mở, sự ngờ vực lẫn nhau sẽ chỉ tăng lên”, bà Olga Oliker nhận định.

Trong khi đó, các đồng minh Mỹ, kể cả Ukraine, đều coi Hiệp ước Bầu trời mở là một trong những hiệp ước quốc tế cơ bản trong lĩnh vực an ninh và kiểm soát vũ khí ở châu Âu, đồng thời cũng mong muốn duy trì hiệp ước này nhằm tăng cường niềm tin lẫn nhau. Ngay cả trên chính trường Mỹ, một số thành viên Thượng viện Mỹ cũng cho rằng, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở sẽ gây tổn hại tới lợi ích an ninh quốc gia cũng như của các nước tham gia hiệp ước. Trong thư gửi tới Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel kêu gọi ông Robert O’Brien phản đối "hành động liều lĩnh này".

Nếu Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở thì quyết định này sẽ tạo ra những mối đe dọa đối với hệ thống an ninh toàn cầu. Hơn thế nữa, động thái trên sẽ đánh dấu bước thụt lùi tiếp theo trong mối quan hệ Mỹ-Nga vốn “cơm không lành, canh chẳng ngọt” trong bối cảnh Hiệp ước INF giữa hai bên mới bị khai tử. Đáng quan ngại hơn, khi Mỹ rút khỏi một cơ chế kiểm soát thì nguy cơ xảy ra cuộc chạy đua vũ trang không giới hạn lại tăng lên.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/rui-ro-tiem-an-598838