Rủi ro từ trào lưu buộc dây thun vào tai để làm đẹp

Bắt nguồn từ Hàn Quốc, trào lưu cột dây thun quanh tai để giảm sưng mặt đang gây bão trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, xu hướng này vẫn tiềm ẩn rủi ro.

 Nhiều người buộc dây thun quanh tai để khuôn mặt thon gọn. Ảnh minh họa: Mamamia.

Nhiều người buộc dây thun quanh tai để khuôn mặt thon gọn. Ảnh minh họa: Mamamia.

Xu hướng bắt nguồn từ Hàn Quốc và lan truyền nhanh chóng sau khi clip TikTok của bác sĩ da liễu tại Mỹ David Kim trở nên thịnh hành, thu hút khoảng 6,2 triệu lượt xem.

Dòng tiêu đề trên đoạn video ngắn ghi rằng: "Biggest beauty hack in Korea right now, rubber bands on ears x 10 mins to de-puff your face" (Mẹo làm đẹp phổ biến nhất tại Hàn Quốc hiện nay, dây thun đeo tai 10 phút để giảm sưng mặt).

Tuy nhiên, liệu phương pháp trên có thực sự hiệu quả trong quá trình chăm sóc da? Dưới đây, PopSugar tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu và chuyên gia thẩm mỹ để làm rõ vấn đề này.

 Video giới thiệu mẹo buộc dây thun vào tai của David Kim, bác sĩ da liễu, thu hút hàng triệu lượt xem. Ảnh: @drdavidkim.

Video giới thiệu mẹo buộc dây thun vào tai của David Kim, bác sĩ da liễu, thu hút hàng triệu lượt xem. Ảnh: @drdavidkim.

Thực hư hiệu quả giảm sưng mặt

Quấn dây thun quanh tai để giảm sưng mặt thực chất không hiệu quả và an toàn như lời đồn. Bác sĩ da liễu Brooke Jeffy và chuyên gia thẩm mỹ Katya Khayutin đều xác nhận rằng không có bằng chứng nào ủng hộ phương pháp này.

Dù vậy, thực tế một số người vẫn thấy kết quả khả quan khi buộc dây thun quanh tai.

Lý giải điều này, chuyên gia Khayutin cho hay các tác động quanh tai là một phần của massage dẫn lưu bạch huyết, một kỹ thuật chuyên nghiệp được sử dụng để giảm sưng.

Tuy nhiên, kỹ thuật này đòi hỏi thực hiện các động tác được đào tạo bài bản để thực sự hiệu quả. Việc chỉ quấn mỗi dây thun hoặc dây buộc tóc quanh tai sẽ không có tác dụng tương tự.

Thêm vào đó, vì dây thun được buộc chặt quanh tai nên có thể chúng sẽ kéo căng da, tạo hiệu ứng nâng tạm thời, khiến khuôn mặt trông bớt sưng hơn. Sau khi chúng ta tháo dây thun ra khỏi tai, rất có thể khuôn mặt sẽ trở lại trạng thái trước đó.

Cả bác sĩ Jeffy và chuyên gia Khayutin đều cảnh báo không nên tự mình thử phương pháp này vì nó thực chất vẫn tiềm ẩn rủi ro.

Khayutin cho biết buộc dây thun vào tai có thể gây cản trở lưu thông máu, gây khó chịu và có khả năng gây kích ứng hoặc tổn thương da, đặc biệt là vùng da mỏng manh quanh tai.

 Massage mặt là một trong những phương pháp hiệu quả giúp giảm sưng mặt. Ảnh minh họa: Tima Miroshnichenko/Pexels.

Massage mặt là một trong những phương pháp hiệu quả giúp giảm sưng mặt. Ảnh minh họa: Tima Miroshnichenko/Pexels.

Phương pháp hiệu quả

Như vậy, làm cách nào để chúng ta có thể giảm sưng mặt hiệu quả? Đầu tiên, mọi người cần phải hiểu được một số nguyên nhân phổ biến gây sưng mặt, chẳng hạn như tích nước (retaining fluid), lưu thông kém hay tình trạng viêm.

Mặt sưng cũng có thể do mất nước, phản ứng dị ứng hoặc thậm chí là các tình trạng nghiêm trọng hơn như vấn đề về tuyến giáp (thyroid issues) hoặc rối loạn tuyến (gland disorders.).

Sau khi xác định nguyên nhân, chúng ta có thể thực hiện một số phương pháp giúp giảm sưng mặt tại nhà như ngủ đủ giấc, uống đủ nước, hạn chế rượu bia và tiêu thụ quá nhiều muối. Bác sĩ Jeff cho hay uống nhiều nước trong ngày cũng có thể giúp loại bỏ lượng natri dư thừa, góp phần gây ra bọng mắt.

Bà cũng lưu ý rằng ngủ với gối cao hơn cũng có thể giúp ích nếu mọi người thường thức dậy vào buổi sáng với khuôn mặt sưng húp. Khayutin nói thêm điều này giúp ngăn chất lỏng tích tụ trên khuôn mặt qua đêm. Ngoài ra, hãy thử ngủ nằm ngửa để giảm thêm nguy cơ mặt sưng vào buổi sáng.

 Ngủ đủ và đúng tư thế có thể giúm giảm bớt tình trạng sưng mặt khi ngủ dậy. Ảnh minh họa: Ron Lach/Pexels.

Ngủ đủ và đúng tư thế có thể giúm giảm bớt tình trạng sưng mặt khi ngủ dậy. Ảnh minh họa: Ron Lach/Pexels.

Chuyên gia Khayutin gợi ý chườm lạnh để giảm bọng mắt. Mọi người có thể dùng một miếng chườm lạnh hoặc con lăn để lạnh, sau đó nhẹ nhàng ấn hoặc lăn lên các vùng sưng như dưới mắt, má và đường viền hàm. Bà lưu ý vuốt theo hướng lên trên từ 5-10 phút để thúc đẩy lưu thông bạch huyết.

Một ý tưởng khác là massage mặt. Khayutin nói phương pháp tốt nhất là massage lưu thông bạch huyết, sử dụng các động tác vuốt nhẹ nhàng hướng ra ngoài để đẩy chất lỏng ra khỏi khuôn mặt. Mọi người nên tập trung vào các chuyển động dọc theo đường viền hàm, má và dưới mắt cũng như luôn sử dụng lực ấn nhẹ và dầu dưỡng da mặt để thuận tiện massage.

Cuối cùng, chúng ta nên tham khảo ý kiến của chuyên gia hoặc bác sĩ uy tín trước khi thử bất kỳ thủ thuật nổi tiếng nào trên mạng xã hội để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Thiên Trang

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/rui-ro-tu-trao-luu-buoc-day-thun-vao-tai-de-lam-dep-post1493458.html