Rủi ro từ việc 'phi USD hóa'

Các cuộc tranh luận hiện nay xoay quanh hệ thống tiền tệ quốc tế tập trung vào nỗ lực phi USD hóa. Bất chấp động thái chuyển dịch khiêm tốn sang các loại tiền tệ khác và vàng, 'đồng bạc xanh' vẫn chiếm ưu thế nhờ vị thế thống trị của nó, với tỷ trọng thương mại và dự trữ lớn, tính thanh khoản trên thị trường vốn và thiếu vắng một sự thay thế rõ ràng.

Thủ phạm đe dọa vị thế của USD

Sự mất cân bằng cũng phản ánh các chính sách trọng thương được Thomas Mun, Giám đốc Công ty Đông Ấn mô tả hồi đầu thập kỷ XVII. Mục tiêu là xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu và tích lũy thặng dư để tài trợ cho việc kiểm soát và khai thác các nguồn tài nguyên. Áp dụng mô hình này, với sự hỗ trợ của lợi thế tỷ giá hối đoái và chủ nghĩa bảo hộ, nhiều quốc gia ở Đông Á và Đức trong quá khứ đã tạo ra thặng dư thương mại và tích lũy dự trữ lớn. Các nền kinh tế tiên tiến thuê ngoài dịch vụ để giảm chi phí và giảm thiểu lượng khí thải cũng là một lý do bổ sung.

Các cuộc tranh luận hiện nay xoay quanh hệ thống tiền tệ quốc tế tập trung vào nỗ lực phi USD hóa.

Các cuộc tranh luận hiện nay xoay quanh hệ thống tiền tệ quốc tế tập trung vào nỗ lực phi USD hóa.

Một nguyên nhân khác gây ra sự mất cân bằng là khoản tiết kiệm cao ở các quốc gia thặng dư, thường do mức tiêu dùng trong nước khiêm tốn, hạn chế nhập khẩu, mức tín dụng khả dụng thấp và cơ sở hạ tầng xã hội công dành cho giáo dục, người cao tuổi và chăm sóc sức khỏe còn hạn chế. Đối với các quốc gia nhiều dầu mỏ, dân số ít góp phần tạo ra thặng dư thương mại và tiết kiệm vượt mức. Khi số tiền này không thể đầu tư tại địa phương, chúng sẽ được “xuất khẩu” thông qua việc mua tài sản nước ngoài bằng loại tiền tệ có tính thanh khoản cao và có thể chuyển đổi.

Một số diễn biến hiện nay đang làm giảm bớt tình trạng mất cân đối trong thương mại và tiết kiệm, qua đó làm giảm nhu cầu về tiền dự trữ. Gia tăng các rào cản thương mại có thể làm giảm sự mất cân đối giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Trong thập kỷ này, trung bình chỉ có 5 hiệp định thương mại tự do được ký mỗi năm, bằng một nửa so với một thập kỷ trước. Trong năm 2023 đã có gần 3.000 hạn chế thương mại được áp dụng trên toàn cầu, gấp 5 lần so với năm 2015.

Thâm hụt thương mại không bền vững, chẳng hạn như thâm hụt thương mại của Mỹ, chiếm 3,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tương đương hơn 800 tỷ USD, là một yếu tố. Đại dịch, đi lại gián đoạn, chiến tranh ở Ukraine và Gaza đã làm nổi bật tính dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng xuyên quốc gia về thực phẩm, năng lượng, vật tư y tế, nguyên liệu thô, chip và vũ khí. Tình trạng càng trở nên trầm trọng hơn do áp lực chống toàn cầu hóa từ những cử tri bị gạt ra ngoài lề xã hội do quá trình phi công nghiệp hóa của một số nền kinh tế tiên tiến.

Các quốc gia với việc “phi USD hóa”

Chiến tranh thương mại “ăn miếng, trả miếng” và các chính sách công nghiệp bảo hộ đang gia tăng. Dòng vốn toàn cầu có thể giảm do thặng dư thấp hơn, gia tăng rủi ro đối với các khoản đầu tư xuyên biên giới từ các lệnh trừng phạt và tịch thu tài sản. Sự suy giảm trong thương mại và các dòng vốn đang đẩy thế giới hướng tới chế độ tự cung, tự cấp - các nền kinh tế khép kín với thương mại quốc tế hoặc dòng vốn hạn chế. Tuy nhiên, chỉ có các quốc gia hoặc nhóm lớn - như Mỹ, EU và Trung Quốc - có đủ năng lực tự cung tự cấp để tồn tại độc lập, do đó xu hướng rộng hơn có thể là hướng tới các khối thương mại.

Thay vì các nhóm theo vị trí địa lý, những khối này có thể tập hợp các đối tác thương mại có chung quan điểm về địa chính trị và bổ sung nhau về mặt công nghiệp, ví dụ như Nga (giàu tài nguyên thiên nhiên) và Trung Quốc (cường quốc sản xuất). Dòng vốn và độ mở thương mại trong các nhóm này sẽ cân bằng hơn nhờ những thỏa thuận như vậy. Thặng dư hoặc thâm hụt của một thành viên sẽ được bù đắp bởi hoạt động thương mại đa phương của khối, giống như trong EU (ngoại trừ nhập khẩu năng lượng). Điều này làm giảm nhu cầu về một loại tiền dự trữ “độc quyền”, phân chia nhu cầu thành nhiều loại tiền tệ cần thiết để hỗ trợ các luồng thương mại và đầu tư cụ thể. Việc Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS) mở rộng thành viên, thay đổi một số hoạt động giao dịch và thiết lập hệ thống thanh toán không sử dụng đồng USD là những nỗ lực theo hướng này.

Những thay đổi như vậy trong hệ thống tiền tệ và thương mại toàn cầu sẽ gây tổn hại đến tiêu chuẩn sống và tăng trưởng tiềm năng. Vai trò của xuất khẩu trong thúc đẩy hoạt động kinh tế sẽ suy yếu. Việc xa rời nguyên tắc lợi thế so sánh sẽ làm giảm hiệu quả, khuyến khích các cơ sở sản xuất dưới mức tối ưu và đòi hỏi lượng dự trữ đệm lớn. Điều này làm tăng chi phí và giảm khả năng tiếp cận hàng hóa và dịch vụ. Đối với các nền kinh tế mới nổi, con đường phát triển truyền thống dựa vào thương mại, chuyển giao công nghệ và đầu tư nước ngoài sẽ khó khăn hơn.

Thị trường vốn có thể trở nên mất ổn định trong quá trình chuyển đổi sang một hệ thống mới. Các quốc gia “con nợ”, chẳng hạn như Mỹ, có thể gặp khó khăn hơn trong tài trợ cho thâm hụt ngân sách và thương mại liên tục. Lãi suất USD có thể tăng, ảnh hưởng tới người đi vay trên toàn cầu. Thị trường ngoại hối sẽ chứng kiến nhiều biến động hơn. Đối với các quốc gia “chủ nợ”, các khoản đầu tư hiện tại có thể mất giá trị. Các lựa chọn đầu tư cũng có thể bị hạn chế.

Giới hoạch định chính sách châu Á cho rằng “USD hóa” sẽ tiếp tục. Các ngân hàng trung ương và các quỹ đầu tư quốc gia sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh như thường lệ để hỗ trợ những khoản đầu tư của Mỹ. Tuy nhiên, cần đánh giá lại và định hình cẩn thận các mối quan hệ thương mại-đầu tư, điều này có thể đòi hỏi việc tăng cường hoặc tạo ra các khối thương mại đa phương mới với dòng vốn và thương mại cân bằng hơn.

Việc sắp xếp lại danh mục đầu tư sẽ là một quyết định sáng suốt. Lo ngại về rủi ro tài chính cũng như hậu quả chính trị trong nước do những tổn thất tiềm ẩn, Trung Quốc đã đa dạng hóa các khoản đầu tư ngoài trái phiếu chính phủ Mỹ. Sẽ là khôn ngoan nếu bảo vệ các giao dịch và tài sản khỏi tác động của các biện pháp trừng phạt hoặc tịch thu bất cứ khi nào có thể. Trật tự do Mỹ thống trị đang nhường chỗ cho một kỷ nguyên bất ổn hơn. Chính trị khôn khéo kết hợp với các chính sách kinh tế và tài chính linh hoạt là cần thiết để điều hướng các rủi ro và nắm bắt cơ hội.

Trần Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/rui-ro-tu-viec-phi-usd-hoa-i740953/