Rủi ro và kém hấp dẫn vẫn 'kìm chân' doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Số lượng DN đầu tư vào ngành nông nghiệp đang rất thấp khi nông nghiệp vẫn kém hấp dẫn và những rủi ro của ngành nông nghiệp vẫn 'kìm chân' nhà đầu tư, DN bước vào lĩnh vực này.
Thu hút DN đầu tư vào chuỗi giá trị nông nghiệp được xem là giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp một cách bền vững. Tuy nhiên, dù rất tâm huyết song những rủi ro khi đầu tư sâu vào nông nghiệp đang làm “chùn chân” nhiều DN. Trong bối cảnh hội nhập đầy biến động hiện nay, vai trò DN tiên phong của địa phương đầu tàu như TP.HCM nếu được phát huy sẽ kích hoạt, mở đường tạo sự đột phá để thúc đẩy phát triển nông nghiệp.
Rủi ro “kìm chân” nhà đầu tư
Nhiều DN cho biết, để có thể đầu tư cho một dự án sản xuất, kinh doanh ngành chăn nuôi, phải vượt qua nhiều khó khăn về thủ tục, tốn kém nhiều thời gian, chi phí... Đơn cử, trước tiên DN phải khảo sát, tìm kiếm mặt bằng phù hợp, thực hiện thương lượng đền bù hoa màu, công trình trên đất… để chuyển dịch quyền sử dụng đất, rồi tiến hành các thủ tục đầu tư, xây dựng.
Các công trình phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao bắt buộc phải đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà kính, chuồng trại hiện đại kể cả hệ thống kho chứa nông sản hàng hóa trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, quy trình xin phép xây dựng cũng nhiêu khê vì vướng nhiều quy định chưa phù hợp.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn (VHC) cho rằng, sức thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông sản chế biến từ các địa phương chưa đủ mạnh. “Do đó các địa phương cần phải có một chính sách nhất quán, hài hòa, đồng bộ về quy hoạch nông nghiệp, định hướng phát triển bền vững, tránh xung đột về môi trường và nguồn lực… Đặc biệt là sự nhất quán trong chủ trương sử dụng đất ổn định, lâu dài để nhà đầu tư yên tâm đầu tư”, bà Khanh nói.
Những năm gần đây, các DN lớn đầu tư vào nông nghiệp đã mang lại hiệu quả rõ nét, đưa giá trị và thương hiệu nông sản Việt ra thị trường thế giới. Nhưng sự chuyển biến tích cực này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng đang có.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có trên 50.000 DN đầu tư vào nông nghiệp, một con số rất khiêm tốn so với tổng số trên 900.000 DN đang hoạt động. Điều này cho thấy, số lượng DN đầu tư vào ngành nông nghiệp đang rất thấp. Nói cách khác, nông nghiệp vẫn kém hấp dẫn, những rủi ro của ngành nông nghiệp vẫn “kìm chân” nhà đầu tư, DN bước vào lĩnh vực này.
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho rằng, quy hoạch nông nghiệp vẫn còn tính địa phương, thiếu tính ổn định, thiếu tính liên kết vùng, cũng là một điểm yếu trong thu hút đầu tư.
“Để 1 DN lớn làm nông nghiệp chính sách đất đai phải thông thoáng, tiếp đó là thủ tục hành chính, vốn tín dụng và đầu ra. Ví dụ như DN sợ nhất là họ đang nuôi cá thì chính quyền quy hoạch làm việc khác sẽ khiến DN thất bại vì đã lỡ đầu tư lớn. Ai cũng thấy câu chuyện làm nông nghiệp khó, thu nhập không cao nên nhiều địa phương khi có điều kiện chuyển đổi vùng đất là làm ngay, lúc đó thiệt hại chỉ thuộc về các DN đầu tư”, ông Huy đơn cử.
Vai trò kích hoạt của TP.HCM
Thực trạng hiện nay trong phát triển nông nghiệp ở mỗi địa phương đều có quy hoạch riêng, thiếu sự trao đổi giữa các địa phương giáp ranh. Chính vì vậy, việc xây dựng cơ chế trao đổi kết nối thông tin, hợp tác vùng và song phương giữa các địa phương để cùng thúc đẩy đầu tư ngành nông nghiệp đang rất cần thiết.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM cho rằng, trong sự kết nối liên kết đó, TP.HCM có vai trò trung tâm, kích hoạt đối với các địa phương phía Nam. Các chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đến năm 2025 đang mở ra cơ hội thu hút dự án từ các nhà đầu tư, phù hợp với Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó TP.HCM xác định rất rõ sẽ là nơi tiêu thụ hàng hóa cho các địa phương lân cận, đồng thời kết nối hoạt động đầu tư xuất khẩu thông qua việc cung cấp vật tư, nguyên phụ liệu, công nghệ và xúc tiến thương mại. Trong thời gian tới, TP.HCM có vai trò kích hoạt nguồn đầu tư của các DN trên địa bàn, hình thành những trung tâm logistics ở khu vực TP.HCM, Tây Nam bộ, Tây Nguyên, phục vụ chế biến, bảo quản. Thành phố cũng kết nối thông tin về đầu mối DN nước ngoài để đưa nguồn lực đầu tư liên quan đến xây dựng vùng nguyên liệu, chuyển giao công nghệ…vào các địa phương.
“TP.HCM là trung tâm khoa học công nghệ cùng với Cần Thơ cũng là thành phố trực thuộc Trung ương cũng có lực lượng khoa học tốt. TP.HCM mong rằng thông qua việc liên kết làm sao tìm được những mô hình tốt để chuyển giao cho DN, HTX cũng như là bà con nông dân đảm bảo được tiêu chí, tiêu chuẩn đề ra của quốc tế, nhưng vẫn phù hợp với địa phương của mình… đấy là việc cần thiết phải kết hợp với nhau làm ngay…”, ông Hiệp nêu phương hướng.
Phát triển nông nghiệp bền vững luôn cần có cơ chế, chính sách phù hợp và ổn định. Chính vì vậy, giải pháp hiệu quả là kết hợp được giữa cơ chế, chính sách của trung ương vận hành vào từng địa phương và từng địa phương có những cơ chế chính sách đặc thù để thu hút đầu tư hiệu quả. Để làm được thì giữa các địa phương cần cơ chế trao đổi thông tin. Khi có thông tin, hiểu được nhu cầu của nhà đầu tư, chủ thể tham gia sản xuất, lúc đó có thể đưa ra được những chính sách “Win – Win” (đôi bên cùng có lợi) thì sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp sẽ hiệu quả.