Climate Council, tổ chức phi lợi nhuận Australia được lập ra để cung cấp thông tin độc lập, xác tín về biến đổi khí hậu, vừa cung cấp loạt ảnh cho thấy hệ sinh thái và sinh vật hoang dã ở nước này đang chịu tác hại nặng nề. Trong ảnh, hiện tượng xâm nhập mặn ở Lãnh thổ phía Bắc của Australia tăng diện tích bãi bùn và rừng ngập mặn dọc sông East Alligator lên 9 lần. Ảnh: Mike Saynor/Climate Council.
Các hoạt động phát quang, khai thác đất quá mức, và các loài sinh vật ngoại lai vốn đang tàn phá hệ sinh thái Australia, nhưng biến đổi khí hậu có thể là đòn giáng cuối cùng lên một số loài. Trong ảnh, một loài thuộc họ Chuột, có tên khoa học “Melomys rubicola”, tại eo biển Torres giữa Australia và New Gunea. Loài này được cho là đã tuyệt chủng. Ảnh: Bruce Thomson/Climate Council.
Một đợt nóng ở dưới nước năm 2016 và 2017 khiến một phần ba số san hô cứng bị chết. Ảnh trước là rặng san hô còn khỏe mạnh ở đảo Camiguin, Philippines, ảnh sau là san hô bị “cháy nắng” ở Queensland, Australia. Ảnh: Climate Council & Ocean Agency.
Ảnh trước: Bãi rêu ở phía đông Nam Cực, lúc khỏe mạnh, trước khi thời tiết nóng lên. Ảnh sau: Bãi rêu đông Nam Cực đang khô héo. Ảnh: Sharon Robinson.
Rêu trên đảo Macquarie và ở Nam Cực đang giảm dần và hứng chịu bệnh tật khi thời tiết nóng lên. Ảnh: Dana Bergstrom.
Các đợt nắng nóng kéo dài làm giảm số lượng “bogong moth” (ảnh phải - tên khoa học: Agrotis infusa), là một loài bướm bay vào ban đêm ở Australia. Thay đổi này đe dọa loài chuột túi có tên “mountain pygmy possum”, vốn coi loài bướm bay đêm là thức ăn. Ảnh: Australian Alps Collection.
Một cây thuộc giống thông nghìn năm tuổi bị cháy ở hồ Mackenzie, Tasmania. Do biến đổi khí hậu, “sét khô” ngày càng gây ra nhiều đám cháy, làm chết các sinh vật hơn 1.000 năm tuổi trong rừng mưa. “Sét khô” là sét trong các cơn “dông khô”, tức cơn dông tạo ra sấm sét nhưng lượng mưa của nó bay hơi trước khi chạm đất. Ảnh: Rob Blakers.
Một phần ba số cá thể cáo bay (thuộc chi Dơi) chết trong đợt sóng nhiệt ở Cairns năm 2018. Ảnh: David White.
Số lượng tảo bẹ khổng lồ ở Tasmania đã giảm do đợt nóng dưới lòng nước và do nhím biển đang di chuyển rộng hơn. Ảnh: John Turnbull.
Lượng mưa giảm qua thời gian dài ở lưu vực các sông Murray và Darling làm chết nhiều cây bạch đàn trắng và khoảng một triệu cá. Ảnh: Rob Gregory.
Hạn hán, nắng nóng năm 2010-2011 làm chết 26% cây trưởng thành ở rừng jarrah (loài cây bản địa của Australia, thuộc chi Bạch đàn) ở tây nam vùng Tây Australia. Ảnh: George Matusick.
Đợt nóng dưới nước năm 2010-2011 khiến 90% cỏ biển bị chết ở một số nơi tại Tây Australia. Ảnh: Shark Bay Research Project.
Rừng ngập mặn ở vịnh Carpentaria ở Queensland, trước và sau khi chịu ảnh hưởng bởi một đợt sóng nhiệt. Ảnh: Norman Duke.
Sóng nhiệt gây chết hàng loạt đối với vẹt yến phụng (budgerigar) và một loài chim khác có tên “Carnaby’s black cockatoo” ở vùng Tây Australia. Ảnh: Climate Council.
Trọng Thuấn