Rừng bảo tồn Ea Sô trước áp lực bị tàn phá

Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô có diện tích 26.848 ha nằm trải dài trên địa bàn huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, tiếp giáp với các tỉnh Gia Lai và Phú Yên được thành lập nhằm mục tiêu bảo tồn nguyên vẹn sinh cảnh tự nhiên độc đáo của hệ sinh thái rừng nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ thuộc vùng sinh thái được xếp hạng ưu tiên bảo tồn; Tuy nhiên, do nằm ở vùng giáp ranh giữa ba tỉnh và còn nhiều loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm nên áp lực giữ rừng ở đây luôn căng thẳng…

Bên kia sông Krông H’năng là vùng giáp ranh giữa Khu BTTN Ea Sô và tỉnh Phú Yên, khu vực thường xuyên bị lâm tặc xâm nhập khai thác gỗ trái phép.

Bên kia sông Krông H’năng là vùng giáp ranh giữa Khu BTTN Ea Sô và tỉnh Phú Yên, khu vực thường xuyên bị lâm tặc xâm nhập khai thác gỗ trái phép.

Bài 1: “Miếng mồi béo bở’’ giữa đại ngàn

Khu BTTN bảo tồn nguồn gen động, thực vật rừng đặc hữu, quý hiếm, nhất là các loài thú móng guốc cỡ lớn đặc biệt quý hiếm phân bổ tập trung nhất của Việt Nam hiện nay như bò rừng, bò tót… đang có nguy cơ bị tuyệt chủng cao, đồng thời góp phần duy trì, bảo vệ sự cân bằng môi trường sinh thái, phát huy vai trò giữ, điều tiết nguồn nước cho lưu vực đầu nguồn…

Khi diện tích rừng tự nhiên ở Tây Nguyên mỗi ngày càng bị thu hẹp thì Khu BTTN Ea Sô được xem như “miếng mồi béo bỡ”, bởi ở đây còn nhiều loài động, thực vật nguy cấp quý hiếm như: bò tót, bò rừng, nai và các loại gỗ quý hiếm như giáng hương quả to, cà te, cẩm lai, trắc… và nằm giáp ranh giữa ba tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Phú Yên, giao thông đi lại khá thuận lợi. Ngoài những hộ dân sinh sống gần bìa rừng lấn chiếm đất sản xuất thì giá các loại gỗ quý hiếm cũng như các loại động vật hoang dã ngày càng đắt đỏ khiến các đối tượng lâm tặc tìm mọi cách xâm nhập vào Khu BTTN Ea Sô để khai thác gỗ và săn bắn thú rừng trái phép, khi bị phát hiện, ngăn chặn thì chúng liều lĩnh, sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR).

Giàu tính đa dạng sinh học

Khu BTTN Ea Sô nằm cách trung tâm huyện Ea Kar 20 km và nằm ngay trên trục Quốc lộ 29 nối tỉnh Đắk Lắk với Phú Yên. Tại đây, thảm thực vật rừng hết sức đa dạng như kiểu rừng kín thường xanh, rừng kín nửa lá rụng, kiểu rừng thưa cây lá rộng, kiểu trảng cây to, cây bụi, cỏ cao khô nhiệt đới, kiểu rừng nửa rụng lá hỗn hợp giao tre nứa, lồ ô… Đến nay, trong những khu rừng tự nhiên còn lại ở Tây Nguyên thì ít nơi còn sót lại các loại gỗ quý hiếm như ở đây, gồm: gỗ cà te, gõ đỏ, bằng lăng, căm xe, giáng hương… Đặc biệt, tại Khu BTTN Ea Sô ghi nhận có đa dạng loài động vật hoang dã với 279 loài thuộc 92 họ, 29 bộ ở bốn lớp thú, chim, bò sát, ếch nhái. Trong đó có đến 69 loài quý hiếm như: sói đỏ, hươu vàng, mang lớn, bò rừng, chồn dơi, bò tót, sơn dương... Về thực vật rừng có đến 716 loại thuộc 141 họ, 47 bộ ở bảy lớp thuộc năm ngành thực vật như dây gấm, dương xỉ, ngọc lan, thông đất…

Khu vực rừng Ea Sô nằm giáp ranh giữa ba tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Phú Yên.

Khu vực rừng Ea Sô nằm giáp ranh giữa ba tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Phú Yên.

Không chỉ giàu tính đa dạng sinh học mà trong Khu BTTN Ea Sô còn có hồ thủy điện Krông H’Năng rộng 1.518 ha, rất thuận lợi cho phát triển du lịch với các trò vui chơi giải trí trên mặt nước như: đua thuyền, lướt ca nô trên mặt nước, câu cá giải trí… Cũng tại đây còn có dòng thác Bay có chiều cao khoảng 30 m, có ba tầng thác với dòng nước chảy mạnh. Bao quanh dòng thác là các khu rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi ôm ấp những tảng đá với đầy đủ kích thước nằm dọc theo con suối tạo thành một khung cảnh tuyệt đẹp, nên thơ và vô cùng lãng mạn. Theo khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, Khu BTTN Ea Sô có hệ sinh thái động, thực vật quý hiếm cộng với khung cảnh hoang sơ hùng vĩ, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái gắn với tham quan nghỉ dưỡng, giáo dục ý thức môi trường cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, đến nay các tiềm năng, lợi thế này chưa được phát huy, đời sống của nhân dân sinh sống chung quanh khu bảo tồn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong Khu BTTN này còn nhiều loại động, thực vật quý hiếm nên các đối tượng luôn rình rập chờ sơ hở là xâm nhập khai thác gỗ và săn bắn động vật trái phép… khiến cho công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) ở đây ngày càng căng thẳng.

Áp lực giữ rừng gia tăng

Một khúc gỗ giáng hương bị lâm tặc khai thác trái phép chưa kịp vận chuyển tại tiểu khu 618 do Trạm bảo vệ rừng số 5, Khu BTTN Ea Sô quản lý.

Một khúc gỗ giáng hương bị lâm tặc khai thác trái phép chưa kịp vận chuyển tại tiểu khu 618 do Trạm bảo vệ rừng số 5, Khu BTTN Ea Sô quản lý.

Trong những năm gần đây, khi diện tích rừng tự nhiên ở Tây Nguyên ngày càng bị thu hẹp thì Khu BTTN Ea Sô được xem như là “miếng mồi béo bỡ”, bởi trong số diện tích hơn 26.800 ha rừng ở đây thì có đến 21.598 ha rừng nguyên sinh được bảo vệ nghiêm ngặt. Tại đây, còn nhiều loài động, thực vật nguy cấp quý hiếm như: bò tót, bò rừng, nai và các loại gỗ quý hiếm như giáng hương quả to, cà te, cẩm lai, trắc… và nằm giáp ranh giữa ba tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Phú Yên. Ngoài những hộ dân sinh sống gần bìa rừng lấn chiếm đất sản xuất thì giá các loại gỗ quý hiếm cũng như các loại động vật hoang dã ngày càng đắt đỏ khiến các đối tượng lâm tặc ngày đêm rình rập tìm mọi cách xâm nhập vào Khu BTTN Ea Sô để khai thác gỗ và săn bắn thú rừng trái phép, khi bị phát hiện, ngăn chặn thì chúng liều lĩnh, sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng QLBVR. Trong khi đó, lực lượng QLBVR của khu bảo tồn mỏng, công cụ hỗ trợ hạn chế.

Các phóng viên cùng lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô đến tận khu vực giáp ranh giữa ba tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Phú Yên để kiểm tra rừng bị phá.

Các phóng viên cùng lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô đến tận khu vực giáp ranh giữa ba tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Phú Yên để kiểm tra rừng bị phá.

Hạt phó Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô Nguyễn Quốc Hùng cho biết: Đơn vị chủ yếu được trang bị súng bắn đạn hơi cay, súng bắn đạn cao-su nên chưa đủ mạnh để răn đe đối tượng. Cùng với đó là địa bàn rộng, địa hình phức tạp, hiểm trở với nhiều đồi núi cao, sông suối sâu. Chẳng hạn như khu vực tiếp giáp với hai xã Krông Năng và Ia Hdreh của huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, từ trụ sở chính của Ban Quản lý khu bảo tồn, nếu đi xe máy phải đi vòng xuống địa phận tỉnh Phú Yên rồi vòng sang tỉnh Gia Lai mới đến khu vực này được, còn đi tuần tra đường bộ băng rừng lội suối phải mất hàng chục giờ đi đường mới tới địa bàn. Do đó, áp lực giữ rừng ở đây ngày càng lớn.

Cùng với lãnh đạo Ban Quản lý Khu BTTN Ea Sô vượt hơn 30 km từ trụ sở khu bảo tồn theo đường băng cản lửa đến khu vực rừng do Trạm bảo vệ rừng số 5 quản lý. Trạm bảo vệ rừng số 5 nằm bên bờ sông Krông H’Năng, giữa ranh giới ba tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Phú Yên. Ông Võ Đức Minh, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 5 cho biết: Trạm được giao quản lý, bảo vệ hơn 3.006 ha rừng thuộc ba tiểu khu 617, 618 và 623. Đây là khu vực có nhiều loại gỗ quý hiếm như: trắc, giáng hương hàng trăm năm tuổi, thân cây to và cao hàng chục mét… Vì vậy, lâm tặc ở các huyện lân cận của tỉnh Phú Yên và Gia Lai luôn rình rập chờ sơ hở là xâm nhập đốn hạ. “Ở khu vực này có bến cây sung nằm trên sông Krông H’năng giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên, những năm trước đây lâm tặc xâm nhập vào rừng khai thác gỗ trái phép rồi cắt, xẻ thành từng tấm nhỏ mang vác về bến cây sung này thả trôi theo dòng nước sông Krông H’năng về đến hạ nguồn trên đất Phú Yên là trục vớt, gây rất nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý. Đối với cán bộ, nhân viên QLBVR của trạm, cực nhất vào mùa mưa, mực nước sông Krông H’năng dâng lên cao, công tác tuần tra của anh em gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều lúc qua bên kia sông, nước dâng cao không về được. Có lúc bắt được lâm tặc phải ở lại bên kia sông vài ba ngày canh giữ, chờ nước rút mới đưa về. Còn vào mùa khô, nguồn nước sinh hoạt khan hiếm, thời tiết khá nóng bức… nhưng anh em vẫn ngày đêm bám trụ với quyết tâm giữ gìn những diện tích rừng già quý còn lại được ví như lá phổi của Tây Nguyên”, ông Võ Đức Minh bộc bạch.

Trạm bảo vệ rừng số 5, Khu BTTN Ea Sô vừa được đầu tư xây dựng mới tại khu vực giáp ranh giữa ba tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Phú Yên để tăng cường công tác QLBVR ở khu vực này.

Trạm bảo vệ rừng số 5, Khu BTTN Ea Sô vừa được đầu tư xây dựng mới tại khu vực giáp ranh giữa ba tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Phú Yên để tăng cường công tác QLBVR ở khu vực này.

Đứng bên bờ sông Krông H’năng ở khu vực giáp ranh giữa ba tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Phú Yên, nơi mà lâm tặc ngày đêm dòm ngó chờ sơ hở là xâm nhập khai thác gỗ quý hiếm, Giám đốc Khu BTTN Ea Sô Lê Đắc Ý chia sẻ: Trong những năm qua, lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô thường xuyên triển khai các đợt truy quét, tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện, bắt giữ và ngăn chặn các đối tượng săn bắn, động vật hoang dã, khai thác và vận chuyển gỗ trái phép. Tuy nhiên, tình trạng xâm nhập, phá rừng vẫn xảy ra. Điển hình vào hồi 12 giờ 30 phút ngày 22-9-2019, tại Tiểu khu 618, lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô đã phát hiện một nhóm gồm 12 đối tượng đang dùng cưa máy khai thác gỗ trái phép. Khi phát hiện thấy lực lượng kiểm lâm các đối tượng đã bỏ chạy, nhưng lực lượng kiểm lâm đã kịp thời vây bắt được đối tượng Nay Thư, sinh năm 1991, trú tại Buôn Jú, xã Krông Năng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Qua kiểm tra hiện trường, các đối tượng đã khai thác tổng cộng 1,756 m3 gỗ giáng hương quả to, thuộc nhóm IIA. Ngay sau đó, Hạt kiểm lâm Khu BTTN Ea sô đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cho cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Ea Kar điều tra, xác minh và xử lý theo quy định.

Bến cây sung nằm trên sông Krông H’năng, khu vực giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên, lâm tặc sau khi xâm nhập Khu BTTN Ea Sô khai thác gỗ trái phép rồi vận chuyển đến đây chờ nước sông dâng cao là thả trôi theo dòng nước xuống hạ nguồn mới trục vớt lên bờ, gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong phát hiện, xử lý.

Bến cây sung nằm trên sông Krông H’năng, khu vực giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên, lâm tặc sau khi xâm nhập Khu BTTN Ea Sô khai thác gỗ trái phép rồi vận chuyển đến đây chờ nước sông dâng cao là thả trôi theo dòng nước xuống hạ nguồn mới trục vớt lên bờ, gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong phát hiện, xử lý.

Hay vào hồi 18 giờ ngày 23-10-2019, tại tiểu khu 614, lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea sô đã phát hiện và bắt giữ hai đối tượng là Nông Văn Biểu, sinh năm 1990 và Lý Văn Thịnh, sinh năm 1993, cùng trú tại thôn Tam Đa, xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk đang điều khiển xe công nông độ chế ở trong rừng Khu BTTN Ea Sô. Theo lời khai của hai đối tượng là điều khiển xe vào rừng để chở số gỗ đã cắt hạ trước đó. Tại hiện trường, lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô xác định, các đối tượng đã chặt hạ một cây gỗ Trôm hôi thuộc nhóm VII và đã xẻ ra làm 10 hộp gỗ có khối lượng 1,741 m3 và 10 lóng gỗ tròn có khối lượng 3,258 m3, tổng khối lượng thiệt hại quy tròn là 6,043 m3.

Cùng thời điểm 18 giờ ngày 23-10-2019, lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô tiếp tục phát hiện tại tiểu khu 614 còn có một cây gỗ Chay thuộc nhóm VIII bị cắt hạ. Tại hiện trường, tang vật thu giữ gồm tám hộp gỗ xẻ có khối lượng 3,641 m3, một lóng gỗ tròn có khối lượng 0,836 m3, tổng khối lượng thiệt hại quy tròn là 4,477 m3 và một xe công nông độ chế…

Do Khu BTTN Ea Sô nằm ở khu vực giáp ranh giữa ba tỉnh, chung quanh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Lợi dụng vào đó, các đầu nậu gỗ xúi giục những người nghèo sống cạnh bìa rừng, thậm chí cả những đối tượng nghiện ngập từ nơi khác đến vào khu bảo tồn khai thác gỗ, săn bắn thú rừng về bán cho chúng. Lâm tặc thâm nhập vào rừng theo từng nhóm, chúng đốn cây rồi cưa cắt nhỏ ra từng phách, gùi vác hoặc chở xe máy độ chế luồn ra khỏi rừng. Nếu bị phát hiện chúng thường trốn vào rừng. Gặp trường hợp lực lượng bảo vệ rừng mỏng, bọn chúng tụ tập lại khống chế và tẩu tán tang vật.

Hạt phó Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô Nguyễn Quốc Hùng kể: Vào giữa năm 2019, một nhóm lâm tặc xâm nhập khai thác trái phép một cây giáng hương lớn trong Khu BTTN Ea Sô, khi bị lực lượng QLBVR phát hiện nhưng do lúc này lực lượng quá mỏng, trong khi đó lâm tặc có đến gần 40 đối tượng nên chúng đã khống chế, trói cán bộ kiểm lâm lại và lấy xăng đổ vào áo quần dọa sẽ đốt nếu không để cho chúng đưa gỗ ra khỏi rừng…

Mặc dù công tác QLBVR ở đây gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm là thế, nhưng trong những năm qua lực lượng QLBVR của Khu BTTN Ea Sô đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, nguy hiểm, ngày đêm tuần tra, canh gác kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý các đối tượng phá rừng, bảo vệ những diện tích rừng tự nhiên quý giá còn lại cho Tây Nguyên. Chỉ riêng trong năm 2019, Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô đã phát hiện và xử lý 21 vụ vi phạm lâm luật với 23 đối tượng; trong đó có ba vụ vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, đã hoàn thiện hồ sơ chuyển cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ea Kar đề nghị điều tra, khởi tố 22 đối tượng theo quy định; thu nộp vào ngân sách nhà nước hơn 98,7 triệu đồng. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô cũng đã phát hiện, thu giữ và tiêu hủy 60 chiếc xe độ chế các loại, sáu khẩu súng tự chế và trên 600 dây bẫy thú các loại…

........

Bài 2: Cần tiếp sức cho Khu BTTN Ea Sô

Bài và ảnh: NGUYỄN CÔNG LÝ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/vi-moi-truong-xanh/item/44323002-rung-bao-ton-ea-so-truoc-ap-luc-bi-tan-pha.html