Rừng bị phá vì... 'vô chủ'

Vụ việc hàng trăm héc-ta rừng tại xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp (Đắc Lắc) vừa bị phá thật ra không bất ngờ với các chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng, đơn giản vì đó là rừng gần như... vô chủ!

Nói rừng vô chủ có lẽ hơi quá vì diện tích rừng này đang được tạm giao cho UBND xã Ya Tờ Mốt quản lý. Tuy nhiên, UBND cấp xã là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, không phải là một chủ rừng thực sự, cũng không có đủ nguồn lực về con người, tài chính, kỹ thuật để quản lý.

Bên cạnh đó, mô hình khoán và cách thức quản lý, bảo vệ rừng cũng không rõ ràng; công tác kiểm tra, giám sát rất hạn chế... nên có thể nói, tuy rừng đã được tạm giao cho UBND xã quản lý nhưng thực tế gần như... vô chủ.

Thời gian qua, nhiều chuyên gia, tổ chức như Hội Chủ rừng Việt Nam trong các hội thảo đã đưa ra khuyến cáo, để quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, cần phải đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng, làm cho rừng có chủ thực sự, không để UBND cấp xã quản lý rừng kéo dài như hiện nay. Thế nhưng, tình trạng này vẫn không được giải quyết, thậm chí diện tích rừng tạm giao cho UBND cấp xã quản lý có năm còn tăng hàng trăm héc-ta.

 Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Tính đến nay, UBND cấp xã đang quản lý hơn 2,9 triệu héc-ta đất có rừng, chiếm gần 20% tổng diện tích đất có rừng trên cả nước. Điều này đồng nghĩa với việc hàng triệu héc-ta rừng đang gần như vô chủ và có nguy cơ bị tàn phá rất cao.

Giao đất, giao rừng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, đã được triển khai thực hiện hàng chục năm qua. Rừng được giao cho các chủ quản lý cụ thể (các ban quản lý rừng; tổ chức kinh tế; lực lượng vũ trang; cộng đồng dân cư...) sẽ gắn được trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ, đồng thời phát huy được tiềm năng, tạo sinh kế, thu nhập cho người dân.

Song do nhiều nguyên nhân như cơ chế, chính sách chưa phù hợp nên chưa thu hút được đối tượng nhận quản lý rừng; hồ sơ rừng ở nhiều nơi không rõ ràng, không có ranh giới trên thực địa... nên tiến độ giao đất, giao rừng rất chậm. Trong thời gian rừng chưa được giao cho chủ cụ thể, một phương án được áp dụng trong những năm qua là tạm giao cho UBND cấp xã quản lý.

Muốn bảo vệ, phát triển rừng, không để tái diễn những vụ việc phá rừng như ở xã Ya Tờ Mốt, điều tiên quyết là rừng phải có chủ. Vì vậy, cần sớm khắc phục những hạn chế, bất cập để đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng.

Theo nhiều chuyên gia, các địa phương cần có quy hoạch, kế hoạch cụ thể để triển khai Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó cần khẩn trương cụ thể hóa những diện tích rừng thuộc diện được giao; đầu tư nguồn lực thỏa đáng để đo đạc, đánh giá, xác định chính xác hiện trạng, tạo quỹ đất rừng “sạch” làm cơ sở giao đất, giao rừng.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút các đối tượng nhận quản lý rừng, như cơ chế về tài chính; giao rừng cần gắn với giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đầu tư phát triển hệ thống giao thông để kích thích thị trường...

PHƯƠNG HIỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/rung-bi-pha-vi-vo-chu-691928