Rừng chuối của tỷ phú nông dân bẻ vô lăng máy cày từ thời niên thiếu
Nhìn người chủ với dáng bệ vệ, sở hữu hàng trăm hecta nông sản, tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân, ít ai nghĩ ông từng trải qua những tháng ngày khó khăn của một 'startup'.
Giữa trưa, mấy đứa trẻ trốn ngủ chạy ra con đường trước nhà nô nghịch. Con đường đất đỏ nằm trong cả một rừng chuối mà có tưởng tượng ra, tụi nhỏ cũng không thể hình dung ra rừng chuối ấy to đến mức nào.
Đang chơi, thằng Đen quát lớn:
- Tụi bay chạy vô đi, xe ông Huy tới kìa.
Chiếc Ford Ranger băng qua con đường tung bụi trắng xóa. Vài đứa trẻ lấy hai tay ôm mặt che bụi, vài đứa đưa mắt nhìn theo. Từ lâu, hình ảnh một ông già tóc bạc lái xe giữa những vườn chuối đã quá quen thuộc với chúng.
Ông già đó là Võ Quan Huy (1955), người được biết đến nhiều hơn với cái tên Huy Long An, Huy mía, Huy ớt, Huy tôm, Vua chuối... Người đàn ông vóc dáng bệ vệ, sở hữu hàng trăm hecta nông sản, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều nông dân này từng trải qua những tháng ngày khó khăn của một “start-up”.
Thành triệu phú đôla từ cây chuối
Nhà ở cách nông trường 25 km nhưng cứ vài ngày, ông Huy lại tự lái xe đến vườn của mình tại ấp 3 (xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An). Ông sử dụng hai chiếc điện thoại, cuộc gọi của chiếc này chưa dứt, tiếng chuông của chiếc kia đã vang lên rộn rã. Giải quyết xong công việc, ông tranh thủ đánh xe đi lòng vòng thăm vườn.
Chiếc xe băng qua vườn xoài, mãng cầu, qua khu chăn nuôi bò rồi dừng lại ở một góc vườn chuối. Từ ngày sản phẩm của ông gia nhập thị trường Nhật Bản, ông Huy lại càng coi kỹ những líp cây hơn.
"Đạt được thành công mới chỉ là bước đầu, giữ được nó mới là khó".
Nói rồi ông xắn quần, lội xuống vườn cây để kiểm tra công nhân làm việc. Rời xa công việc đồng áng đã lâu nhưng đôi bàn tay vẫn thoăn thoắt ngắt bông, bẻ lá, bọc quả như một người thợ lành nghề.
Khi được hỏi về những tháng ngày mới bắt đầu khởi nghiệp, ông Huy nói đó là một chặng đường dài: "Ngày đó nào đâu có khái niệm start-up như bây giờ, chỉ nghĩ là khổ quá rồi thì phải tìm cách thoát nghèo thôi".
14 tuổi với thân hình gày còm, đen nhẻm, cậu bé Võ Quan Huy lúc đó đã ôm vô lăng chiếc máy cày hiệu Massey Ferguson đi khắp xóm để cày thuê. Ông trở thành trụ cột chính trong gia đình khi ba mất sớm, hai anh đi chiến trường, nhà chỉ còn mẹ và các chị gái. Trong lòng chàng trai trẻ khi ấy luôn ấp ủ giấc mơ đổi đời.
23 tuổi, lần đầu tiên trong đời, ông Huy quyết định đi đến một miền đất mới cách nhà hơn 100 km để khai hoang lập nghiệp bằng cây mía. Tuy nhiên, trận lụt năm ấy khiến 10 ha mía chìm trong biển nước.
Không nản lòng cùng với việc nắm bắt được thời cơ, trong khi những người nông dân bỏ ruộng đồng đi nơi khác làm ăn thì ông quyết định làm lại trên mảnh đất chết - mảnh đất không trồng cây gì được ngoài đước và tràm. Thế rồi những vựa mía mới dần nảy mầm, mang lại hy vọng cho ông.
Chàng trai đen nhẻm năm nào giờ đã làm giàu được trên chính mảnh đất mình từng đi cày thuê. Cái tên Huy "mía" ra đời cũng từ những ngày đó.
Sau mía, người đàn ông khi ấy tròn 50 tuổi bắt tay trồng thêm ớt, dưa hấu, xoài, mãng cầu, nuôi tôm, bò... Đối với ông Huy, mỗi lần bắt đầu nuôi trồng một thứ gì mới, đó đều là một lần khởi nghiệp.
60 tuổi, trở thành tỷ phú nhưng ông chưa nghĩ tới việc dừng lại. Ông bắt đầu nghĩ đến trồng chuối khi hiệp định TPP được bàn thảo, nhen nhóm cơ hội cho xuất khẩu sang các nước châu Á - Thái Bình Dương.
“Tôi chọn cây chuối vì hàng năm kim ngạch của các nước nhập khẩu rất cao, 15 - 17 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản là nước nhập một năm trên 1,2 triệu tấn, Hàn Quốc, Trung Quốc trên 1 triệu tấn chuối”, doanh nhân họ Võ chia sẻ.
Nhật Bản, Hàn Quốc lại không trồng được chuối nên đây là 2 thị trường chủ lực mà ông Huy nhắm tới. Ông lặn lội sang Philippines để học hỏi kinh nghiệm của đất nước xuất khẩu chuối nhiều nhất trên thế giới và mời chuyên gia Nhật Bản về giám sát.
Không có nhiều nông sản của Việt Nam vào được thị trường khó tính này, vì thế, để có thể chinh phục được, ông Võ Quan Huy đã áp dụng tiêu chuẩn Nhật Bản vào trong sản xuất ngay từ những bước đầu. Ông đốc thúc công nhân tuân thủ nghiêm ngặt “quy trình trồng chuối công nghiệp” từ xử lý thuốc bảo vệ thực vật đến xây dựng hệ thống canh tác, đường cáp thu hoạch, vận chuyển chuyên dùng, nhà đóng gói, kho bảo quản...
Hàng trăm công nhân được huấn luyện, chỉ dẫn kỹ càng để chăm sóc chuối theo ”hướng hữu cơ” để đảm bảo một quy trình sản xuất chuối sạch, năng suất cao nhằm kịp thời đáp ứng được yêu cầu của thị trường thế giới ngay hiện tại và tương lai.
Trồng chuối từ năm 2014, đăng ký thương hiệu Fohla (Fruit of Huy Long An) từ giữa năm 2015, đến 2016 công ty xất khẩu được 4.000 tấn. Trong đó, thị trường Nhật Bản chiếm 40%, còn lại là thị trường Trung Quốc và lân cận. Trong tương lai, ông có kế hoạch mở rộng vùng sản xuất để đưa chuối Fohla vươn ra thế giới.
200 ha đất trồng với tổng mức đầu tư lên đến 100 tỷ đồng, những vườn chuối của ông Huy đã mang lại doanh thu đáng kể. Năm 2018 doanh thu đạt 6 triệu USD, ước tính năm 2019 lên đến 9 - 10 triệu USD. 95% sản lượng chuối thu được phục vụ cho xuất khẩu.
Ông Út Huy có hơn 1.300 ha đất nông nghiệp ở nhiều tỉnh phía nam. Những nơi này đều có thể đi tham quan bằng… xe hơi, các trang trại của ông đều tuân thủ nguyên tắc do ông đặt ra: Xây dựng khoa học, đường sá khô ráo và vuông vức như bàn cờ.
Trong suốt quãng đời gắn bó với mảnh đất quê hương, “Siêu tỷ phú nông dân” sở hữu số bò “khủng” hơn 30.000 con, 100 ha nuôi tôm khép kín (tự sản xuất thức ăn cho tôm), 200 ha chuối xuất khẩu và đang trồng thêm bơ, bưởi da xanh. Các mặt hàng có mặt trong hầu hết siêu thị tên tuổi như Big C, Satra Food, Bách hóa Xanh, Family Mart...
Năm 2015, ông được bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc". Thương hiệu chuối Folha cũng được bình chọn là Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam 2016.
Những người bay trên rừng chuối
Không chỉ tạo ra giá trị xuất khẩu lớn, mang lại thương hiệu cho nông nghiệp Việt trên trường quốc tế mà ông Võ Quan Huy còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Ngoài các kỹ sư lành nghề thì những người nông dân ở khắp nơi cũng có một cuộc sống ấm no hơn khi làm việc ở đây.
Ông Huy cho xây dựng một dãy nhà mái tôn với khoảng 20 phòng. Đây là nơi sinh sống của gia đình thằng Đen và hàng chục gia đình khác. Ba mẹ chúng đi làm thuê cho ông Huy, mấy đứa trẻ được nghỉ hè cũng ríu rít theo ra vườn, phụ việc cho cha mẹ.
Thằng Đen chẳng nhớ quê nó ở đâu vì ở mỗi nơi được chừng vài năm, cả gia đình lại khăn gói đi chỗ khác kiếm sống và vườn chuối này có lẽ là nơi gia đình nó ở lại lâu hơn cả.
"Con ở đây được 3 năm rồi, ông Huy cho ba mẹ con một phòng ở dãy nhà kia, không lấy tiền chi cả".
Thằng bé nhỏ nhắn, nước da sạm màu như cái tên của nó, vác trên vai chiếc thang luồn lách trong vườn chuối để bóc những miếng giấy tránh cho nhựa cây dây ra quả.
"Buổi tối, ông Huy đưa mấy chú kỹ sư đến dạy bài cho bọn con, ông bảo được nghỉ hè ra vườn chuối làm chơi chơi thì được còn lại phải chú tâm vào học để sau không phải vất vả nắng nôi như thế này nữa".
Trong khi đó, anh Năm - ba thằng Đen - tham gia việc cắt hái và vận chuyển chuối đến kho chế biến. Phụ nữ đảm nhận công việc nhẹ nhàng hơn như tuốt lá hỏng, bẻ bông, xếp giấy.
Làm việc 8 tiếng mỗi ngày nhưng chủ yếu người lao động sẽ làm vào sáng sớm vì khi đó chuối tươi ngon nhất. Xong việc, cánh máy râu rủ nhau đi đánh cá, còn phụ nữ lo việc nội trợ trong gia đình.
Mỗi ngày làm việc như thế, họ được trả lương 4 - 6 triệu đồng/tháng. Những ngày Tết công việc có dồn dập hơn, vì thế thu nhập cũng lên đến 10 triệu đồng.
Công đoạn chiếm nhiều sức lực nhất có lẽ là thu hoạch chuối. Mỗi người đàn ông phải vác trên vai buồng chuối nặng 30 - 40 kg đến điểm tập kết.
Nhờ áp dụng kỹ thuật trong nông nghiệp, ông Huy cho lắp đặt đường cáp để vận chuyển chuối đến kho, vì thế thời gian và công sức lao động được giảm đáng kể.
"Người bay" là cái tên cánh đàn ông đặt cho nhau mỗi lần cáp di chuyển.
"Nhìn nhé, nó sắp bay sang đây này".
Anh Năm chỉ cho tôi khi chiếc cáp chuẩn bị chuyển động. Sau khi thu hoạch xong chuối ở một líp, chiếc cáp sẽ được một người ngồi ở đầu máy điều khiển sang líp khác. Lúc này những người thợ sẽ bám vào dây cáp để được kéo sang líp bên kia, rút ngắn thời gian di chuyển. Đây dường như là chút thư giãn hiếm hoi trong buổi làm việc mệt nhọc.
Những người lao động đến từ nhiều nơi, người này rỉ tai người kia, từ Long An, Kiên Giang, Cà Mau đến những người từ Biển Hồ (Campuchia) lưu lạc. Họ dắt díu cả gia đình đi theo, có những căn phòng là nơi dừng chân của cả chục con người. Những người có nguồn cội thì một năm trở về ăn Tết. Những người khác thì chọn cách ở lại.
"Làm cái này đỡ cực hơn làm lúa ở quê, không lo thiên tai lũ lụt hay hạn hán mất mùa", gỡ chiếc lưới đánh cá, anh Huỳnh Văn Phúc (Cần Thơ) chia sẻ.
"Nhà ở xa lắm, mãi bên Biển Hồ cơ. Ở đó chỉ đánh cá thôi, người rơi xuống sông nhiều lắm. Có ông chú họ đang làm ở đây mách nước cho nên cả gia đình tui về đây ở. Cũng được một năm rồi", chị Thái Thị Duyên mới 37 tuổi nhưng đã là mẹ của 8 người con, cho biết.
Những trái chuối không phải là thứ làm cho Võ Quan Huy trở thành tỷ phú nhưng đã làm cho ông có công trong việc đưa thương hiệu chuối “Made in Vietnam” ra thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường Nhật Bản khó tính.
Và hơn hết, người nông dân ấy vẫn luôn gắn bó với từng mảnh đất nhiễm mặn, nhiễm phèn, cải tạo để cho ra những thức quả thơm ngon, cải tạo để cho hàng trăm nông dân khác có cuộc sống đủ đầy hơn, có một chốn đi về mà người ta gọi là "nhà".