Rừng đặc dụng Krông Trai vẫn chảy máu
Những gốc cây to tại lâm phần rừng đặc dụng Krông Trai bị đốn hạ, để thay thế bằng rẫy mía. Ảnh: NHẬT HUY
Rừng đặc dụng Krông Trai từng là nơi lưu giữ nhiều loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nơi này là điểm nóng của tình trạng hủy hoại và khai thác rừng trái phép. Để giải quyết tận gốc tình trạng đáng báo động này, rất cần sự phối hợp của các cấp, ngành, chính quyền địa phương.
Chúng tôi cùng ông Lê Phú Mỹ, Phó Ban quản lý Rừng đặc dụng Krông Trai và các nhân viên đến những điểm nóng thuộc lâm phần do ban quản lý. Tiểu khu 204 và 205 thuộc địa phận xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) trên hành trình đi sâu vô rừng là hình ảnh nham nhở của những rẫy cũ; những loại cây gỗ được lực lượng kiểm lâm giăng dây, quét sơn đỏ nghiêm cấm chặt hạ, nhưng đã nằm dưới đất. Ông Mỹ buồn bã nói: “Mục tiêu hiện nay của chúng tôi là giữ được càng nhiều rừng càng tốt, nhưng rất khó để kiểm soát mọi việc…”.
Lấn rừng trồng sắn, mía
Tại tiểu khu 205 xã Ea Chà Rang, dưới chân núi Hòn Ó - ngọn núi được cho là cao nhất trong lâm phần Ban quản lý Rừng đặc dụng Krông Trai, xen lẫn với diện tích mía, sắn là hình ảnh những cây bụi được phát dọn sẵn, chỉ chờ thời điểm thích hợp, những cây lớn ở khu vực này bị đốn hạ, thì sản xuất. Để qua mặt lực lượng chức năng, nhiều người dân chọn cách đi sâu vào khu vực rừng. Nếu lực lượng chức năng không phát hiện, nơi đây sẽ được trồng sắn, mía trong thời gian tới, khi đó rừng sẽ mất, mà đất thuộc lâm phần cũng khó để lấy lại…
Chúng tôi cùng với đoàn kiểm tra đi đến tiểu khu 204, dễ dàng nhận thấy một vài chòi, mà theo lực lượng chức năng là của người dân tộc thiểu số tại địa phương dựng lên để trồng sắn, trồng mía. “Ở đâu có những chòi như thế này, ở đó có sắn, mía và chúng tôi phải nỗ lực để xác định hộ dân, vận động, răn đe và thậm chí đưa ra quyết định khởi tố vụ án để tìm người phá hủy rừng, nhưng rất khó khăn”, ông Mỹ tâm sự.
Tình trạng như vậy, vì sao lực lượng chức năng không có biện pháp ngăn chặn? - chúng tôi đặt câu hỏi. Ông Mỹ nói rằng, lực lượng quản lý rừng đặc dụng Krông Trai liên tục tuần tra, kiểm tra, nhưng vẫn không thể kiểm soát mọi thứ.
Chỉ trong một buổi sáng đi cùng lực lượng này, chúng tôi đã thấy 2 vụ rong dây leo và phát luỗng rừng; một vụ khai thác gỗ làm nhà mả của người dân tộc thiểu số. Nếu tính từ đầu năm 2022 đến nay, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Krông Trai thuộc Ban quản lý Rừng đặc dụng Krông Trai đã khởi tố chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra huyện Sơn Hòa 5 vụ, trong đó có 4 vụ phá rừng gây thiệt hại 0,97ha và 1 vụ khai thác 5,022m3 gỗ trái phép chủ yếu trên địa bàn xã Ea Chà Rang và xã Sơn Phước.
Thiếu trách nhiệm hay thiếu người?
Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, rừng đặc dụng Krông Trai có diện tích 13.770ha, trong đó có khoảng 7.435ha rừng tự nhiên, 268ha rừng trồng; diện tích đất chưa có rừng là 2.179ha; diện tích đất bị người dân địa phương xâm lấn trước năm 1980 là 3.888ha. Khu rừng này có chức năng bảo tồn các động thực vật đặc hữu, quý hiếm và phòng hộ đầu nguồn cho sông Ba, trải dài trên địa bàn 6 xã của huyện Sơn Hòa, gồm: Ea Chà Rang, Suối Trai, Sơn Phước, Suối Bạc, Cà Lúi và Krông Pa. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của người dân tộc thiểu số: Ê Đê, Ba Na và Chăm.
Theo ông Nguyễn Tấn Trương, Trưởng Ban quản lý Rừng đặc dụng Krông Trai, lâm phần chủ yếu là đất bằng phẳng lại là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, nên dù rất nỗ lực, công tác bảo vệ rừng vẫn vô cùng phức tạp. Hiện Ban quản lý Rừng đặc dụng Krông Trai có 8 biên chế chính thức, trong đó có 1 trưởng ban, 1 phó ban và 1 kế toán, số còn lại được phân theo địa bàn, tức là 1 cán bộ kiểm lâm quản lý lâm phần trên địa bàn 1 xã, riêng xã Ea Chà Rang phải cử 2 người phụ trách, vì đây là địa bàn thường xuyên xảy ra sai phạm về hủy hoại và khai thác rừng.
“Sau rất nhiều sự việc không hay liên quan đến ngành Kiểm lâm, bị các cơ quan chức năng xử lý, tôi có thể khẳng định hiện nay các cán bộ của đơn vị cố gắng hoàn thành trách nhiệm và không làm sai quy định. Các cán bộ của đơn vị và bản thân tôi cũng trăn trở làm sao để công tác bảo vệ và phát triển rừng tại đây hiệu quả nhất. Tuy nhiên, với lực lượng như hiện nay, việc đảm bảo được công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý 100% là không thể. Rất nhiều người dân lợi dụng ban đêm và các ngày nghỉ để tiến hành xâm chiếm đất rừng để canh tác, sản xuất. Mỗi sự việc chúng tôi đều báo cáo cấp trên để có kế hoạch xử lý”, ông Nguyễn Tấn Trương tâm sự.
Trong bữa cơm trưa cùng các nhân viên Ban quản lý Rừng đặc dụng Krông Trai, thông qua các câu chuyện đời thường, chúng tôi thấy rằng ai cũng có tâm tư. Lực lượng kiểm lâm ở đây lo ngại bị xử lý, nếu chẳng may vi phạm luật hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng chỉ 8 biên chế chính thức bảo vệ diện tích rộng lớn của rừng đặc dụng Krông Trai là điều không đơn giản…
Nhanh chóng có những giải pháp
Những vấn đề khó khăn trong việc bảo vệ rừng đặc dụng Krông Trai đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh nắm bắt. Các kế hoạch ngắn hạn, dài hạn cũng đã được tính đến nhằm hạn chế tối đa tình trạng hủy hoại và phá rừng tại đây. Về lực lượng bảo vệ rừng, từ đầu năm 2022 đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có quyết định biệt phái luân phiên công chức kiểm lâm đến làm việc tại Ban quản lý Rừng đặc dụng Krông Trai (từ 2-3 người, thời gian mỗi đợt là 1 tháng). Những công chức này chịu sự quản lý, điều động và phân công nhiệm vụ của trưởng ban. Mục tiêu là phối hợp với công chức Ban quản lý Rừng đặc dụng Krông Trai tuần tra, kiểm tra, xử lý các vụ hủy hoại và khai thác rừng.
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đây là giải pháp tạm thời. Về lâu dài cần tập trung các giải pháp trọng tâm như quy hoạch lại lâm phần khu đặc dụng, đầu tư nguồn lực, tạo điều kiện cho người dân sống gần rừng có việc làm, ổn định cuộc sống, tăng thu nhập và đề nghị cấp thẩm quyền sớm tuyển dụng đủ 27 biên chế còn thiếu. Khi có đủ biên chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ phân bổ về những địa phương, đơn vị được xem là điểm nóng về tình trạng hủy hoại và khai thác rừng. “Chúng tôi hy vọng khi kiện toàn lực lượng, công tác bảo vệ và phát triển rừng sẽ hiệu quả hơn”, ông Lê Văn Bé cho biết.
Cùng với đó, công tác phối hợp với chính quyền địa phương, các xã có lâm phần rừng đặc dụng Krông Trai phải được đẩy mạnh. Tuyên truyền cho người dân hiểu được trách nhiệm, ý thức về việc bảo vệ và phát triển rừng; đảm bảo đời sống an sinh cho người dân, để họ không phá rừng canh tác mía, sắn như hiện nay.
Ông Lê Văn Bé cho biết: “Ngoài việc đôn đốc, làm công tác tư tưởng đối với lực lượng kiểm lâm, sắp tới, chúng tôi sẽ có buổi làm việc với UBND huyện Sơn Hòa về các nội dung liên quan đến công tác phối hợp. Lực lượng của ngành cần sự hỗ trợ, chung tay của chính quyền địa phương”.
Trong bữa cơm trưa cùng các nhân viên Ban quản lý Rừng đặc dụng Krông Trai, thông qua các câu chuyện đời thường, chúng tôi thấy rằng ai cũng có tâm tư. Lực lượng kiểm lâm ở đây lo ngại bị xử lý, nếu chẳng may vi phạm luật hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng chỉ 8 biên chế chính thức bảo vệ diện tích rộng lớn của rừng đặc dụng Krông Trai là điều không đơn giản…
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/276336/rung-dac-dung-krong-trai-van-chay-mau.html