Rừng lát của lão nông trên đồi Chắp Chẵn

Rừng lát của ông, có thời điểm được trả giá cả cây vàng và thực tế bây giờ vẫn quý như vàng. Nhưng có những giá trị còn lớn hơn thế. Câu chuyện của ông cứ thủng thẳng trong một buổi chiều sơn cước...

Ông lão giữ trâu ven đường lại đúng là chủ nhân của rừng lát mà chúng tôi muốn tìm.

Ông lão giữ trâu ven đường lại đúng là chủ nhân của rừng lát mà chúng tôi muốn tìm.

- Ông ơi, cho cháu hỏi thăm nhà ông Trương Công Hồng?

- Vâng, tôi đây – Ông già ngồi dưới bóng cây bên vệ đường, có gương mặt hiền lành, phúc hậu, đưa tay gỡ cái mũ cối, đáp lời.

- Ông Hồng mà có rừng lát ấy ạ?

- Tôi đây, rừng ở phía trước ấy – Ông từ tốn, vẫn với nụ cười hiền, chất giọng ấm áp đặc trưng của người miền cao.

Thật tình cờ! Là do hơn chục năm trước, tôi có dịp ghé nhà ông, vẫn ở thôn Mười, xã Điền Quang (nay sáp nhập thêm xã Điền Hạ và Điền Thượng) để tìm hiểu viết bài về trồng rừng 327 phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và sau đó là 661 trồng mới 5 triệu ha rừng. Dạo ấy, cán bộ lâm nghiệp và chính quyền địa phương còn phải đến tận nhà tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con nhận đất, nhận giống để trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng. Cây thì nhận đấy, nhưng do điều kiện kinh tế của bà con khó khăn, nhận thức chưa đầy đủ về giá trị của rừng, nên cây trồng không được chăm sóc, bảo vệ đúng quy trình. Thế nên, cả một trảng rừng lát xen lẫn keo, xoan phát triển xanh tốt, thân to khỏe cứng cáp, và dưới tán là sắn – thực sự là một điển hình khi ấy.

- Năm nay ông 77 tuổi rồi đấy - Ông nói khi rút con dao đi rừng bên hông, phát một một đám cây dại để lấy chỗ cột 3 con trâu béo núc ních; động tác khỏe khoắn, tác phong gọn gàng đúng “chất” cựu binh – Hơn 20 năm ở trong này rồi, các chú cứ đến là gặp ông thôi.

Rừng lát nằm ven lối vào thác Muốn...

Rừng lát nằm ven lối vào thác Muốn...

Từ đường bê tông liên thôn, rẽ lối mòn nhỏ dẫn vào thác Muốn chừng trăm mét, là đến căn lán cũ kỹ dưới chân trảng rừng lát của ông. Cá quẫy ì oạp ở mấy ao cá xung quanh, đàn gà hàng chục con, thấy bóng chủ thì xí xóe nhao đến. Còn rừng lát, gần như vẫn nguyên vẹn.

... với căn lán nhỏ và những ao cá.

... với căn lán nhỏ và những ao cá.

- Ngày xưa cả làng được cấp cây giống để trồng rừng, nhưng nhà thì đổi lấy rượu uống, nhà thì trồng rồi không trông nom nên cây non bị trâu bò ăn hết cả. Tôi cũng được cấp 1.000 cây, sau khi trồng thì lên đây dựng lán để trông coi và ở miết từ bấy đến nay - từ năm 2001, khi có công việc hay cần lấy thêm gạo, muối... mới về nhà – Ông Hồng tiếp mạch chuyện bên những cây lát nay đã 25 năm tuổi, vươn cành tỏa bóng ở chiều cao hàng chục mét, nhiều cây to thân như thùng sơn.

Ông Hồng đi lính từ năm 1966, phục vụ quân đội ở đơn vị vệ binh trên chiến trường các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... Tháng 1/1976, ông phục viên về quê với hành trang như bao người lính khác – chỉ một chiếc ba lô cùng tinh thần người lính không lùi bước, không bỏ cuộc. Cùng với vợ là cựu TNXP, ông bà cần mẫn khai hoang phục hóa để trồng lúa, trồng sắn... lo cho 4 “cái tàu há miệng” được ăn học.

Đến khi được Nhà nước cấp cây lát giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng, nào đào hố 50 x 50cm, bón lót phân, tưới nước để giữ ẩm, ông Hồng hăng hái làm theo; trong khi nhiều hộ dân trong làng một mực phản đối, vì cho rằng đất Điền Quang chỉ phù hợp trồng luồng, mà cây luồng chả phải chăm sóc mấy vẫn cho thu hoạch đều. Cứ thế, trên sườn đồi Chắp Chẵn này (có người gọi rừng Thác Muốn) ngày ngày ông cuốc lỗ, bà lấp đất trồng cây. Thi thoảng thịt con gà nhờ thêm người làm phụ.

- Từ dạo ấy, tôi đã nghĩ chỉ có trồng rừng mới phát triển kinh tế được, chứ trồng cây lúa, cây sắn, chỉ lo được cái ăn trước mắt thôi – lão nông nhắc lại sự khác biệt trong tư duy làm ăn của bản thân so với dân làng từ hơn hai thập kỷ trước – Nhà nước cho giống rồi, mình phải bảo vệ chứ. Cây lát mà để trâu bò ăn ngọn là không có lớn được.

Ông Trương Công Hồng với những cây lát trồng từ năm 2021.

Ông Trương Công Hồng với những cây lát trồng từ năm 2021.

Bằng chứng là những rừng lát xung quanh, bị trâu bò ăn, cứ còi cọc, lay lắt mãi mà không phát triển được, đến mức chủ nhân phải chặt bỏ. Thì rừng Lát của ông Hồng với khoảng 800 cây sống, cứ thế vươn thân, tỏa tán.

- Cách đây chừng 15 năm, khoảng năm 2008 – 2009, có khách trả giá mua 40 cây lát - tức chỉ một khoảnh nhỏ trong cả trảng rừng, với giá 60 triệu đồng, mà tôi nhớ giá vàng khi ấy khoảng 26 - 27 triệu đồng/cây – ông Hồng khua một vòng tay về khoảng rừng phía trước, nhẩm nhớ lại - Hồi ấy gỗ có giá trị lắm.

- Rồi tiền bán cây làm gì ạ?

- Mà nào có bán. Mình giữ lại rừng coi như tài sản cho con cháu sau này thôi. Tháng trước lại có khách ở xa về ngả giá cả tỷ đồng để mua lại cả khu rừng này, khoảng 2 héc-ta đấy, mua để làm du lịch thì phải!?. Chưa kể thương lái mua gỗ đến nài suốt. Nhưng tôi không bán, một phần gỗ bây giờ rẻ, phần vì ở đây nuôi cá, nuôi gà quen rồi – Ông làm bộ tiếc rẻ, tính nhẩm rồi tiếp câu chuyện - Mỗi lứa tôi nuôi 40-50 con gà, cá ở ao thì mỗi lần thu hoạch được 3 tạ nào cá dốc, trôi, trắm. Dạo trâu bò còn được giá, đàn trâu lúc nào cũng có 8-10 con.

- Có bao giờ ông nghĩ đến chuyện sẽ bán rừng chưa? Khi mà ông bà cũng có tuổi cả rồi?

- Có lúc phải bán đấy – Ông Hồng thoáng trầm ngâm – Là dạo cần tiền cho cậu con trai học đại học, phải bán đi 20 cây, nhưng là gỗ lim, ở khu rừng khác, mỗi cây 4 triệu bạc. Tiếc đứt ruột, nhưng cũng nhờ thế mà con mới học xong, nay về công tác trong lực lượng vũ trang địa phương.

Trảng lim xanh tái sinh trên đồi Cò Khà.

Trảng lim xanh tái sinh trên đồi Cò Khà.

Khu rừng mà ông nhắc đến, là trên đồi Cò Khà, cách ngôi nhà của cả gia đình chừng dăm ba phút đi bộ, với những bụi luồng lo như căn nhà, và ấn tượng nhất là hàng chục cây lim xanh được khoanh nuôi tái sinh, thân to cỡ vòng tay người lớn, tán che kín một khoảng rừng mênh mông. Ở đây, có vợ ông – một điển hình cựu TNXP làm kinh tế cùng với người con trai thứ chăm nom, khai thác sinh kế từ rừng.

Mà như ông kể, chỉ riêng tiền bán luồng đã cho thu nhập mỗi năm khoảng 30 triệu đồng. Trồng rừng, giữ rừng cho đời con đời cháu là thế!.

Ông Hồng bên một gốc lim xanh.

Ông Hồng bên một gốc lim xanh.

Kết thúc câu chuyện, ông đội mũ, xốc lại cái túi bên hông, dáng đi vẫn phăm phăm rời căn lán nhỏ, lo mấy con trâu còn cột bên vệ đường bị sút dây. Phía trước, suối Thác Muốn róc rách như muốn khoe thêm cái sự bình yên, an lành của một vùng sơn cước.

- Sống thế này mới trường thọ ông nhỉ?

- Là do sống một mình, xa vợ nên mới khỏe thêm - Ông hóm hỉnh pha chuyện chào chúng tôi, không quên nhắn nhủ, có ai đi thác Muốn chơi, nhớ ghé căn lán nhỏ nghỉ ngơi, nướng gà, uống với ông vài chén rượu.

Bút ký của Nguyên Phong

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/rung-lat-cua-lao-nong-tren-doi-chap-chan-254090.htm