Vải nhồi thịt hấp gây bão mạng: Những ai ăn được món này?
Không chiên rán, ít dầu mỡ, món vải nhồi thịt hấp trở thành 'hiện tượng mạng' nhờ hương vị lạ. Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo cần dùng đúng cách, đặc biệt với người có bệnh lý nền.
Những ngày gần đây, món vải nhồi thịt hấp đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ trên mạng xã hội. Cách chế biến không quá cầu kỳ đó là dùng quả vải thiều bỏ hạt, nhồi thịt xay đã tẩm ướp gia vị vào bên trong, sau đó hấp chín. Thành phẩm là những quả vải căng mọng, ngọt tự nhiên, hòa quyện với lớp nhân thịt đậm đà.
Không ít bà nội trợ chia sẻ công thức và trải nghiệm cá nhân với món ăn lạ miệng này. Chị Nguyễn Hồng Minh (38 tuổi, Hà Nội) cho biết, sau khi thấy món ăn liên tục xuất hiện trên các hội nhóm nấu ăn, chị đã quyết định thử làm để đổi vị cho bữa cơm gia đình.
“Ban đầu tôi khá băn khoăn, vì chưa từng nghĩ thịt và vải lại hợp nhau. Nhưng khi hấp lên, mùi thơm dịu nhẹ, vị ngọt của vải cân bằng phần thịt mặn mà. Cả nhà đều khen ngon và lạ miệng hơn hẳn các món chiên xào thường ngày”, chị Minh chia sẻ.

Vải nhồi thịt hấp - món ăn gây bão mạng xã hội thời gian gần đây. Ảnh: MXH.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hào hứng với sự kết hợp mới lạ này. Trên các diễn đàn ẩm thực, nhiều ý kiến trái chiều nổ ra. Một số người cho rằng đây là sự sáng tạo thú vị, trong khi số khác lại nhận định món ăn đang "phá vỡ nguyên tắc ẩm thực".
Anh Trần Minh Cường (34 tuổi, Hà Nội) thẳng thắn bày tỏ: “Thịt là mặn, trái cây là ngọt. Bây giờ trộn hai thứ vào một món thì tôi thấy… không hợp lý. Nghe cứ như món để câu like trên mạng chứ không phải để ăn.”
Quan điểm của anh Cường nhanh chóng nhận về hàng nghìn bình luận. Một bộ phận cho rằng anh quá bảo thủ, không cởi mở với cái mới. Số khác lại đồng tình, cho rằng ẩm thực cũng cần giữ gìn sự nguyên bản và hài hòa.
Chuyên gia khuyến cáo ăn vải nhồi thịt hấp cần có kiểm soát
Trước luồng ý kiến trái chiều, TS. Lê Thị Hương Giang – chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện 19-8, Bộ Công an cho rằng, về mặt dinh dưỡng, đây là món ăn có thể hấp dẫn nhưng cần sử dụng hợp lý, đặc biệt với người có bệnh lý nền như tiểu đường, gan nhiễm mỡ hay béo phì.
“Vải là loại trái cây chứa lượng đường tự nhiên cao, khoảng 15–16g/100g quả. Khi hấp, nước trong quả bay hơi, làm đường trở nên cô đặc và vị ngọt đậm hơn, dù lượng đường thực tế không đổi,” TS. Giang phân tích.

Không nên ăn món vải nhồi hấp thịt khi đói để tránh tăng đường huyết nhanh. Ảnh: Trang Huyền.
Cũng theo TS. Giang, quá trình hấp khiến vải mềm hơn, cấu trúc tế bào lỏng lẻo, khiến đường được hấp thu nhanh hơn, đặc biệt nếu ăn lúc đói hoặc không kết hợp cùng chất xơ. Điều này có thể khiến đường huyết tăng nhanh ở người nhạy cảm.
Tuy nhiên, việc kết hợp với thịt là nguồn đạm động vật lại có lợi điểm nhất định. “Đạm giúp làm chậm quá trình hấp thu đường, từ đó hạn chế nguy cơ tăng đường huyết đột ngột. Nhưng tổng thể, đây vẫn là món ăn giàu năng lượng, cần kiểm soát khẩu phần, TS. Giang nói.
Cụ thể, 100g vải chứa khoảng 70 kcal, còn 100g thịt nạc xay cung cấp khoảng 143 kcal. Một phần gồm 5 quả vải nhồi thịt có thể cung cấp 150 - 200 kcal tương đương một bữa phụ nhiều năng lượng.
Ưu điểm của món vải nhồi thịt hấp này là bổ sung đạm động vật, giúp cân bằng dinh dưỡng, chế biến bằng phương pháp hấp giúp ít dầu mỡ. Đồng thời, hương vị lạ miệng, dễ ăn.
Tuy nhiên, TS. Giang khuyến cáo không nên ăn món này khi đói để tránh tăng đường huyết nhanh. Trẻ nhỏ chỉ nên ăn lượng nhỏ, không thay thế bữa chính. Người mắc tiểu đường, gan nhiễm mỡ hay đang ăn kiêng nên cân nhắc. Ngoài ra, không nên để món này lâu trong tủ lạnh vì dễ biến chất.