Rùng mình: 'Dây vũ trụ' 13,8 tỉ tuổi làm Trái Đất nhiễm điện từ?
Những sợi dây vũ trụ dưới dạng nếp gấp không - thời gian còn sót lại từ vụ nổ Big Bang có thể là nguồn gốc tạo ra điện từ cho mọi vật thể trong vũ trụ, bao gồm thiên hà chứa Trái Đất.
Theo tờ Space, các nghiên cứu trước đây đều chỉ ra một sự thật: Vũ trụ được sinh ra với trạng thái trung hòa về điện. Nhưng như chúng ta biết ngày nay, hầu hết mọi vật thể thiên văn đều mang từ trường, mạnh hoặc yếu.
Có một cái gì đó đã xáo động vũ trụ sơ khai, châm ngòi cho sự hình thành từ trường. "Dây vũ trụ" có thể là câu trả lời.
Nghiên cứu đến từ Trường Vật lý của Trường ĐH Hyderabad (Ấn Độ) giải thích: "Khí trung hòa không thể tự tạo ra từ trường. Nhưng khi vũ trụ có từ trường "hạt giống" ban đầu, nó có thể được khuếch đại theo sự phát triển của vũ trụ, khi khí trung hòa dần được thay đổi thành plasma mang điện. Nguồn gốc của từ trường "hạt giống" đầu tiên đó là một bí ẩn lâu dài trong thiên văn học".
Bằng các mô hình dựa trên các dữ liệu về vụ nổ Big Bang và từ trường của các vật thể vũ trụ, các nhà khoa học đã hướng mũi nhọn tìm kiếm về các thiên hà và cụm thiên hà.
Thiên hà va cụm thiên hà cũng duy trì một từ trường tổng hợp ngoài những vật thể mang từ trường mà nó chứa đựng bên trong, ví dụ Trái Đất của chúng ta. Từ trường của thiên hà thường rất yếu, chỉ bằng một phần triệu từ trường Trái Đất, nhưng có thể kéo dài hàng triệu năm ánh sáng.
Trái Đất của chúng ta có thể tạo và duy trì từ quyển riêng bằng những hoạt động sâu bên trong lõi, dù có thể cũng được kích hoạt ban đầu bằng lực lượng bí ẩn mà giới thiên văn đang tìm kiếm. Tuy nhiên các thiên hà thì không.
Vì vậy, các nhà khoa học đã lần tìm thứ nuôi dưỡng từ trường "từ hư không" của các thiên hà, đó chính là các sợi dây vũ trụ rối rắm.
Theo các tác giả, dây vũ trụ thực ra là những nếp gấp không - thời gian, những "khuyết tật" của vũ trụ để lại từ vụ nổ Big Bang 13,8 tỉ năm trước và tiếp tục duy trì nhờ lỗi này nối tiếp lỗi kia trong những lần phân tách lực.
Vật thế giả thuyết vô hình này sẽ để lại những gợn sóng trong không - thời gian khi di chuyển, thay đổi nhiệt độ và mật độ của các túi nhỏ trong plasma và làm các điện tích chuyển động, từ đó dòng plasma đó bị nhiễm điện và thành những "hạt giống" từ trường. Yếu, nhưng đủ để khởi đầu.
Khi các sợi dây vũ trụ quét qua, rời khỏi, plasma nhiễm điện có thể bị nén và nguội đi, tạo thành các ngôi sao, thiên hà và cụm thiên hà. Quá trình nén plasma này có thể đã khuếch đại từ trường ở cường độ mà các vật thể thiên văn ngày nay sở hữu.
Sự trỗi dậy của các hạt mang điện đó trong plasma vẫn tồn tại rất lâu sau đó, một số làn sóng đã "rửa trôi" Trái Đất sơ khai dưới dạng sóng hấp dẫn.
Tuy khoa học ngày nay chưa đủ thiết bị để nắm bắt cụ thể dây vũ trụ nhưng các tác giả tin rằng với phát hiện ban đầu mang giá trị như một "kim chỉ nam" này, các máy dò sóng hấp dẫn đang được thành hình sẽ giúp xác định các dây vũ trụ đâu đó trong vùng không gian xa thẳm.
Nghiên cứu vừa được công bố trực tuyến trên cơ sở dữ liệu arXiv.