Rùng mình 'mùa xuân tử thần' giết chết gần hết sinh vật Trái Đất
Một nghiên cứu được đánh giá là đột phá từ Mỹ và Anh đã mô tả lại chính xác thời điểm và các điều kiện tự nhiên khi đại tuyệt chủng khủng long diễn ra trên Trái Đất.
Nổi tiếng với cái chết của tất cả các loài khủng long, nhưng sự kiện tuyệt chủng cuối kỷ Phấn Trắng còn khủng khiếp hơn nhiều bởi đã làm bốc hơi nhiều loài khác nữa, ước tính xóa sổ tới 75% sự sống Trái Đất thời điểm đó.
Nghiên cứu vừa công bố trên Scientific Reports đã lần tìm bằng chứng trên hóa thạch của các loài khác để tìm hiểu toàn diện hơn về tác động khủng khiếp đó.
"Thời gian trong năm đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng sinh học. Do đó không có gì ngạc nhiên khi thời gian trong năm đối với một hiểm họa quy mô toàn cầu có thể đóng vai trò lớn trong mức độ khắc nghiệt của hiểm họa đó đối với sự sống" - tiến sĩ Robert DePalma từ Trường Đại học Khoa học Charles E.Smchmidt thuộc Đại học Florida Atlantic (Mỹ), tác giả dẫn đầu nghiên cứu, cho biết trên tờ Sci-News.
Theo Heritage Daily, sự kiện tiểu hành tinh khổng lồ Chicxulub rơi xuống bán đảo Yucatan 66 triệu năm trước là đại tuyệt chủng thứ 3 trong lịch sử Trái Đất, làm thay đổi đáng kể các quần xã sinh vật toàn cầu theo những cách có liên quan đến cuộc khủng hoảng sinh thái toàn cầu hiện nay.
Công trình kéo dài từ năm 2014 lần này đã kiểm tra khu vực Tanis ở phía Bắc Dakota (Mỹ) để tìm hiểu những điều còn ẩn giấu bên trong sự kiện tuyệt chủng. Cấu trúc và mô hình độc đáo của các đường sinh trường trong xương cá hóa thạch từ Tanis cho thấy chúng đã chết đồng loạt trong giai đoạn sinh trưởng xuân hè, khiến cho đại tuyệt chủng càng thêm thảm khốc.
Các nhà khoa học đã kiểm tra hóa thạch cá con bằng một kỹ thuật X-quang tiên tiến, sau đó so sánh kích thước những con cá nhỏ nhất với tốc độ tăng trưởng của các loài tương đường thời hiện đại để biết được sinh vật tội nghiệp đã bị chôn vùi bao lâu sau khi nở. Câu trả lời là rất sớm, rất khốc liệt.