Rừng ơi!
Giờ đây, khi những cơn thịnh nộ của đất trời đang tạm 'lắng' xuống; người ta vừa thu dọn 'tàn dư' vừa chiêm nghiệm và tự thống kê: Thiên tai là điều không lường trước được, nhưng hậu quả hôm nay, chắc chắn một điều hệ lụy từ con người gây ra.
Vì sao tôi dám chủ quan khẳng định điều đó? Rất đơn giản, nhìn những quả đồi trọc, nhìn những khu rừng không có màu xanh, không sớm thì muộn những cơn thịnh nộ của đất trời như những ngày vừa qua cũng sẽ diễn ra. Và, nếu chúng ta không yêu thiên nhiên, cây cỏ, không nhân hạt giống, không tạo lá phổi xanh để điều hòa khí hậu, tương lai không xa, hậu quả còn khó lường hơn nữa.
Trở lại câu chuyện trồng cây xanh. Cách đây gần 30 năm, nhưng cho đến tận bây giờ ký ức của tôi còn nguyên vẹn về những bó tràm giống, xanh um, được cha mẹ mua từ những ghe vùng trên, để mỗi cuối chiều mưa sòng, cha tôi cấy chúng trên những bờ mương, bờ đìa, chạy dài từ nhà ra tận ruộng.
Cái triết lý của những người nông dân rặt như cha mẹ tôi cũng khá đơn giản: Trồng tràm nói riêng, cây lâu năm nói chung (sau này thêm phong trào trồng keo lai và tràm bông vàng) trước tiên là để rễ chúng giữ (cố định) đất, chống bào mòn, xói lở; và lý do tiếp theo, để 10 năm sau (hay lâu hơn), khi anh em bọn tôi lớn, đứa nào có nhu cầu về “kèo, cột, đòn tay, rui mè” hay “cừ” thì đó, của nhà có sẵn, cũng là cái được thừa hưởng từ thành quả lao động mấy mươi năm trước cha mẹ để lại.
Bây giờ, thời tiết mỗi năm một khác. Câu chuyện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Từ tháng đầu tiên của năm dương lịch, những cơn bão lần lượt được đánh số tương ứng với dãy số tự nhiên, bắt đầu từ số 1 (trước hoặc sau bão thường là áp thấp nhiệt đới). Có năm, những cơn bão được đánh số dưới 10; có năm, những cơn bão nhiều đến mức 2 chữ số, như bão số 10, số 11, số 12… đi liền sau đó là những hậu quả khôn lường, có khi đánh đổi cả mạng sống của người dân. Đó là chưa kể đến lũ lụt. Thương tâm nhất là eo miền Trung, thường sau những ngày nắng hạn kéo dài triền miên, là những ngày oằn mình hứng bão…
Mới đây, cơn bão số 3 năm 2019 vừa đi qua. Dù không nằm trong vùng trung tâm càn quét của bão, nhưng tuyến đê biển Tây Cà Mau, Phú Quốc - Kiên Giang (đặc biệt là thị trấn Đông Dương) hay thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng)… là những địa phương chịu ảnh hưởng rõ nhất. Dù muộn còn hơn không, bài học về lá phổi xanh, về cân bằng hệ sinh thái, hơn lúc nào hết cần được sự quan tâm của toàn xã hội.
Cũng mới đây thôi, những cánh rừng chìm trong biển lửa ở Hà Tĩnh, Phú Yên và nhiều địa phương khác, hay những cây thông bị trộm cạo sạch vỏ ở Ninh Bình… đều là những tiếng kêu cứu. Hậu quả của nó không diễn ra trong tức khắc hay ngày một, ngày hai nhưng chắc chắn đến vài chục năm sau, những cánh rừng này sẽ không tái sinh kịp.
Cây xanh nói riêng, hay rừng nói chung, là hỗn hợp sinh tồn của nhiều thực thể để cân bằng và điều tiết khí hậu, giảm thiểu thiên tai. Một xã hội phát triển được gọi là cân bằng, khi xã hội đó vừa đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, vừa chú trọng bảo vệ rừng nguyên sinh, tái tạo rừng trồng, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Quá trình hít thở của đô thị có được trong lành hay không, phụ thuộc phần lớn vào lá phổi xanh này. Hệ lụy của biến đổi khí hậu, xin đừng đổ lỗi cho thiên tai. Hậu quả là từ việc giết chết môi trường của con người.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/rung-oi-611350.html