Rừng phòng hộ đầu nguồn bị tàn phá để… trồng keo
Một diện tích rất lớn rừng phòng hộ đầu nguồn được giao cho người dân chăm sóc, bảo vệ bị 'cạo trọc' nhằm mục đích để trồng keo. Việc phá rừng này diễn ra từ năm 2020 đến nay.
Tan hoang rừng phòng hộ đầu nguồn
Những ngày đầu năm Tân Sửu, nhiều người dân xã Lộc Yên (H.Hương Khê, Hà Tĩnh) rất bức xúc vì hàng trăm hecta rừng phòng hộ đầu nguồn tại địa phương bị tàn phá nặng nề.
Nhận được thông tin người dân phản ánh, phóng viên đã về đây tìm hiểu sự việc. Anh T.V.D. – một người dân địa phương đã nhiệt tình dẫn đường đến hiện trường, nơi rừng bị tàn phá.
Từ trung tâm xã Lộc Yên, chúng tôi đi ngược về phía đập khe Táy rồi gửi xe máy lại. Tại đây, chúng tôi tiếp tục thuê thuyền chạy theo khe Táy đi sâu vào khoảng 4km rồi rẽ sang nhánh khe Cồn. Khi đến nơi, nhìn bề ngoài hiện trạng rừng vẫn còn nguyên. Tuy nhiên, khi chúng tôi xuống thuyền đi bộ vào khoảng 1km thì cây cối bị chặt phá; thực bì, nhánh cây, lá cây và cây dây leo bị đốt cháy nham nhở, chỉ sót lại những thân gỗ bị chặt ngang đứng trơ trọi.
Anh D. giải thích: “Họ chỉ chặt phá cây bên trong lõi này thôi, còn bên ngoài họ không đụng vào để lực lượng chức năng không phát hiện được”. Tiếp tục đi sâu vào trong vùng rừng khe Cồn, chúng tôi thấy một chiếc lán được căng bạt che phía trên. Bên trong lán còn treo nhiều quần áo, võng, nồi niêu… Đây là lán của những người phá rừng dựng lên để nấu ăn và nghỉ ngơi. Xung quanh chiếc lán dựng tạm này là những vạt rừng đã bị đốn hạ cây cối. Dưới đất, những cây gỗ có đường kính chừng 20 đến 30 cm và rất nhiều cây rừng đường kính nhỏ hơn 10cm đã bị đốt từng vùng. Ngọn đồi bên cạnh cũng bị chặt hạ trắng, chỉ còn rìa thấp ven suối là còn tre nứa và dây leo còn xanh.
Anh D. chỉ tay sang ngọn đồi đối diện nói: “Bên đó là khe Nái, có rất nhiều ngọn đồi bị chặt hết cây như thế này. Họ mới chặt trước Tết Nguyên Đán, và mấy ngày nay họ quay trở lại nhưng làm mạnh hơn. Đồi này họ chặt trước, đã đốt cháy cây với bụi rậm rồi nên đi lại được. Còn mấy ngọn đồi bên khe Nái thì họ mới đốn hạ, chưa đốt dọn nên không thể leo lên đỉnh mà xem được. Nếu đo đếm hết thì diện tích rừng bị chặt phá cả vùng rộng lớn này phải hàng trăm hecta".
Qua tìm hiểu được biết, khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn ở khe Cồn và khe Nái bị tàn phá, đã được chính quyền địa phương giao cho các hộ dân thôn 3 (xã Lộc Yên) chăm sóc, bảo vệ từ năm 2014 đến nay, với thời hạn là 50 năm. Việc giao đất rừng này được thực hiện theo Quyết định 3952 của UBND tỉnh Hà Tĩnh ngày 6-12-2013. Tuy nhiên, do diện tích mỗi hộ được giao từ 2 đến 3 hecta, có hộ nhận được rừng có địa hình dốc núi và không có đường đi nên nhiều người dân đã "trao tay" cho các cá nhân ở địa phương khác. Những người ở địa phương khác đến mua kiểu “thu gom” rồi sau đó thuê công nhân vào phá rừng nhằm mục đích trồng cây keo thay thế.
Phá rừng theo kiểu tỉa dần từng bước để lách luật?
Theo người dân, quá trình phá rừng họ cũng không làm ồ ạt mà ban đầu chặt hạ những cây to trước rồi đến những cây vừa. Tiếp đó, họ đốt và xử lý xong rồi mới chặt hạ những cây nhỏ, dây leo, tre, nứa… để “làm sạch” đất rừng. Việc phá rừng từng bước này nhằm mục đích làm giảm mật độ rừng. Và đến khi mặc dù diện tích rừng bị “cạo trọc” với diện tích lớn nhưng cơ quan chức năng có phát hiện cũng khó xử lý vì mật độ cây không đủ trữ lượng gọi là rừng. Khi đất rừng đã được “xử lý sạch”, họ sẽ trồng cây keo thay thế lên đó.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hưng – Chủ tịch UBND xã Lộc Yên cho biết, rừng khe Cồn, khe Nái nằm trong tiểu khu 227 và 216. Ở đây có diện tích khoảng 1.000 hecta rừng phòng hộ của Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Khê trả cho địa phương để cắt giao cho dân chăm sóc, quản lý.
“Chúng tôi cũng nhiều lần phối hợp với Kiểm lâm H.Hương Khê đi kiểm tra. Tuy nhiên, mỗi lần đi vào thì bị các đối tượng cảnh giới phát hiện, gọi điện thông báo cho những người đang tham gia phá rừng bỏ trốn nên không bắt được quả tang”. Còn việc người dân được giao rừng nhưng bán lại cho những người ở địa phương khác đến để đốn hạ, trồng keo thay thế thì ông Hưng nói rằng, có nghe thông tin đồn đại. Tuy nhiên, do họ bán rừng nhưng không sang tên ở cơ quan hành chính nên xã cũng không dám khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Hào – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Hương Khê cho rằng, nguyên nhân rừng bị phá là do việc giao rừng phòng hộ cho người dân chăm sóc.
“Chỉ có mỗi tỉnh Hà Tĩnh ra Quyết định 3952 để giao rừng phòng hộ cho các hộ dân chăm sóc, đây chẳng khác nào “trao mỡ cho mèo”. Chúng tôi vừa đi kiểm tra rừng Lộc Yên về, diện tích rừng bị phá khoảng 6 hecta, nhưng không phải chỗ có lán trại nơi các anh đi vào thực tế như thế này” – ông Hào trình bày.
Ông Phan Kỳ - Phó chủ tịch UBND H.Hương Khê khẳng định: “Rừng đã giao cho dân họ được phép chuyển nhượng nhưng phải đúng quy định của pháp luật và rừng phải được sử dụng đúng mục đích. UBND huyện sẽ chỉ đạo Công an huyện, Hạt Kiểm lâm kiểm tra, làm rõ và quy trách nhiệm rõ chứ không thể để tình trạng như thế này được”.