Rừng phòng hộ Trung Trung Bộ bị xâm hại. Bài 1: 'Cạo trọc' rừng cộng đồng

Trung Trung bộ - nơi mỗi năm gánh chịu từ 10-15 trận bão, lũ, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản của người dân. Nhưng cũng chính ở đây, không ít diện tích rừng phòng hộ bị tàn phá, mức độ xâm hại ngày một nhiều. Bảo vệ rừng phòng hộ đã và đang là vấn đề bức thiết, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp.

Nhiều diện tích rừng cộng đồng ở Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) bị chặt phá.

Nhiều diện tích rừng cộng đồng ở Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) bị chặt phá.

Nhiều diện tích rừng cộng đồng ở tỉnh Thừa Thiên-Huế đã bị đốn hạ không thương tiếc. Thay vào đó người dân trồng mới các loại keo, tràm nhằm mục đích khai thác như rừng sản xuất để tư lợi.

“Ai đó” phát quang rừng cộng đồng

Khu vực rừng cộng đồng mà chúng tôi nói đến ở đây thuộc xã Hương Sơn (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Từ nguồn tin của người dân về việc một diện tích rộng lớn rừng phòng hộ tại đây đã bị “ai đó” chặt hạ hoàn toàn và trồng cây keo, tràm, nhóm phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã tới nơi để tìm hiểu.

Một ngày cuối tháng 6/2022, theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến khu rừng cộng đồng thôn 3, thôn 4. Trước mắt chúng tôi là những gốc cây gỗ có kích thước khác nhau nằm trơ trọi, ngổn ngang trên mặt đất, bên cạnh, cành, lá lổm ngổm. Khi những cây gỗ nằm xuống cũng là lúc hàng loạt cây keo, tràm được trồng lên thay thế, đến nay đã bén rễ, cao khoảng 40 - 50cm.

Theo người dân địa phương (xin được giấu tên), khoảnh rừng này mới bị chặt hạ cách thời điểm ghi nhận chưa lâu. Ban đầu, người ta vào rừng và phát quang toàn bộ cây dây leo, cây tạp. Đợi khi cây dây leo khô hết rồi họ mới vào chặt hạ những cây thân gỗ.

Những người này phải thực hiện trong vòng nhiều tháng, thậm chí cả năm trời. Họ làm vậy vì phần thì phải đợi loài dây leo khô, thoáng rồi mới có không gian để chặt hạ cây thân gỗ, phần nữa là để tránh sự chú ý của cơ quan chức năng - một người dân địa phương cho hay.

Cũng theo người dân này, việc chặt hạ, lấn chiếm rừng cộng đồng để trồng keo, tràm không phải là chuyện mới xảy ra mà trước đó đã có. Nếu lấn chiếm rừng trót lọt sau 3 - 4 năm có thể thu được 70 - 100 triệu/1 ha nhờ trồng cây keo, tràm.

Người dân địa phương còn cho biết thêm, cạnh nơi nhóm phóng viên ghi nhận thực tế, một khoảnh rừng khác cũng đã bị “ai đó” phát quang toàn bộ cây dây leo để chuẩn bị cho một cuộc chặt rừng khác.

Được biết, những người lấn chiếm nhờ người thân hoặc bỏ tiền ra thuê thêm nhân công về phát, chặt rừng cộng đồng. Hiện nay, với sự “hỗ trợ” đắc lực từ máy cưa và gần như toàn bộ cây dù thân leo hay thân gỗ thì chặt xong cũng vứt bỏ nên việc xóa sổ diện tích 1 ha rừng cộng đồng cũng chẳng phải khó khăn gì - người xin giấu tên cho biết.

Rừng cộng đồng bị chặt hạ ở không chỉ một xã

Sau khi chuyển thông tin trên đến cho ông Hoàng Văn Chúc - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông, chúng tôi đã nhận được phản hồi. Ông Chúc xác nhận đúng là có hiện tượng rừng cộng đồng bị chặt phá để trồng cây keo, tràm.

Ông Chúc cho biết, việc người dân phản ánh có phá rừng ở xã Hương Sơn là đúng. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay đơn vị đã phát hiện và lập biên bản 5 vụ phá rừng với diện tích 0,296 ha. Trong đó, có 3 vụ phá rừng cộng đồng tại thôn 3 với diện tích là 0,185 ha; thôn 4 có 1 vụ với diện tích bị phá là 0,077 ha và thôn 7 có 1 vụ với diện tích bị phá là 0,034 ha.

Vẫn theo ông Chúc, thời điểm hiện tại, đơn vị chưa xác định được đối tượng gây ra các vụ phá rừng nói trên. Do đó, trước mắt Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông sử dụng phần mềm chuyên dụng, nắm thông tin từ phía người dân, cơ quan báo chí… và cử lực lượng đến các vị trí rừng bị chặt phá để khoanh vùng lại.

“Đối với diện tích rừng cộng đồng đã bị phá và đã có người trồng keo, tràm, chúng tôi sẽ ra thông báo và phát trên phương tiện truyền thông trong vòng 30 ngày. Trong trường hợp có người đến nhận, chúng tôi sẽ xác minh, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Còn nếu không có người nhận thì 30 ngày sau kể từ ngày phát đi thông báo, chúng tôi sẽ tiến hành nhổ bỏ toàn bộ cây keo, tràm đã trồng trước đó và có phương án khắc phục, trồng lại rừng” - ông Chúc nói.

Ngoài ra, theo ông Chúc, không chỉ ở xã Hương Sơn mà tại các xã Hương Phú, Hương Hữu, Thượng Nhật và Thượng Quảng (huyện Nam Đông) cũng xảy ra tình trạng rừng cộng đồng bị người dân chặt hạ, xâm lấn để trồng cây keo, tràm.

Thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn huyện xảy ra 18 vụ và khoảng 1,9ha rừng cộng đồng đã bị chặt phá. “Con số này cao hơn so với 6 tháng cùng kỳ năm 2021” - ông Chúc cho hay.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề trên, ông Lê Ngọc Tuấn - Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên-Huế) cho biết, sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng trực thuộc đơn vị kiểm tra, làm rõ.

Yêu cầu quản lý chặt chẽ diện tích rừng

Liên quan đến công tác quản lý diện tích rừng, đất rừng trên địa bàn, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã nhiều lần có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị xã, TP Huế tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực này theo quy định của pháp luật. Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên-Huế, ngày 30/5, Chủ tịch UBND tỉnh này đã ban hành Công văn số 5418/UBND-NN. Trong đó, yêu cầu Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, TP Huế và các đơn vị liên quan nghiên cứu quản lý chặt chẽ diện tích rừng, đất rừng theo đúng quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; tích hợp đầy đủ thông tin về rừng, đất rừng trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ NN&PTNT trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, để quản lý, bảo vệ chặt chẽ, hiệu quả đối với diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, tránh tình trạng lợi dụng việc chuyển mục đích sử dụng rừng để phá rừng trái pháp luật.

Sở NN&PTNT, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, TP Huế khẩn trương kiểm tra hiện trường, xác minh, điều tra làm rõ các vụ phá rừng trái pháp luật đã được các cơ quan chức năng thuộc Bộ NN&PTNT và địa phương kiểm tra, phát hiện để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Qua công văn này, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng yêu cầu cơ quan chức năng liên quan như Công an tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính… thực hiện nghiêm việc kiểm tra, quản lý rừng theo trách nhiệm, quyền hạn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng.

(Còn nữa)

NGHĨA VĂN-NGUYỄN QUỐC

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/rung-phong-ho-trung-trung-bo-bi-xam-hai-bai-1-cao-troc-rung-cong-dong-5691577.html