Rưng rưng màu hoa đỏ giữa thời bình

Những mẹ Việt Nam anh hùng tóc như mây, đôi mắt hằn dấu chân chim đã khóc khô nước mắt khiến chúng ta ngẫm về lẽ sống và những mẹ Việt Nam anh hùng tuổi 50 làm chúng ta cảm phục, vừa chạnh lòng, xót xa.

Hiếm đất nước nào trên thế giới có nhiều liệt sĩ như nước ta. Sau nhiều thập niên chiến tranh vệ quốc, hàng triệu liệt sĩ đã ngã xuống. Ngày nay, nhiều liệt sĩ thời bình vẫn tiếp nối hào khí ấy, hiến dâng cuộc đời vì mong muốn bảo vệ lẽ phải, ngăn chặn cái xấu, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Sau những mất mát của chiến tranh, nói đến các anh hùng liệt sĩ, thương binh, nhiều người nghĩ tới những hy sinh trong thời chiến. Nhưng có những liệt sĩ, thương binh khác, những người đã hiến dâng sinh mạng, thân thể trong thời bình. Họ có thể là những chiến sĩ công an, quân đội ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ, có thể là những người dân bình thường xả thân ngăn chặn tội phạm, cứu người...

Khi đất nước đã im tiếng súng chiến trường, những hy sinh này càng đáng trân trọng, càng khơi gợi trách nhiệm của những người đang sống cho một xã hội tốt đẹp hơn.

Hình ảnh những mẹ Việt Nam anh hùng tóc như mây, đôi mắt hằn dấu chân chim đã khóc khô nước mắt luôn gây xúc động, khiến người chứng kiến lắng lòng giữa cuộc đời bận rộn để ngẫm về lẽ sống. Và hình ảnh những mẹ Việt Nam anh hùng tuổi 50, mẹ của liệt sĩ thời bình lại khơi gợi những cảm xúc khác: Vừa cảm phục vừa chạnh lòng, xót xa.

Đó là mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Minh Thủy, 57 tuổi, ở Khánh Hòa. Chiều 29-4-2005, Thượng tá không quân Dương Văn Thanh (chồng chị) khi đang huấn luyện học viên trên bầu trời vịnh Nha Trang thì máy bay gặp sự cố kỹ thuật. Chỉ huy bay nhiều lần ra lệnh cho các phi công nhảy dù nhưng anh Thanh yêu cầu học viên nhảy dù trước, còn mình hướng máy bay ra phía biển, cố tránh lao vào khu du lịch trên đảo Hòn Tre đang đông người. Khi lực lượng cứu hộ tìm thấy xác máy bay dưới đáy biển, anh được phát hiện hy sinh trong tư thế đang ngồi trong buồng lái.

Nỗi đau chưa dừng ở đó, ngày 18-10-2016, Thiếu tá phi công Dương Lê Minh (con trai của anh chị) cũng hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ huấn luyện bay.

Đó là bà Nguyễn Thị Kim ở Nghệ An, trở thành mẹ Việt Nam anh hùng khi mới 54 tuổi. Năm 2015, chàng thanh niên Nguyễn Anh Tuấn, con trai độc nhất của bà, đã quên mình cứu sống một em nhỏ giữa dòng sông Lam. Tuấn ra đi vì bị dòng nước dữ nhấn chìm ở tuổi 18 và được công nhận là liệt sĩ ba năm sau đó.

Chỉ riêng ở TP.HCM, từ sau khi đất nước hòa bình, đã có 37 cán bộ, chiến sĩ công an ngã xuống để giữ cho TP được bình yên, được Nhà nước công nhận là liệt sĩ. Có 62 người đã hy sinh một phần xương máu được công nhận là thương binh. Ngoài liệt sĩ ngành công an và các lĩnh vực khác, vẫn còn đó những con người âm thầm hy sinh cần được công nhận.

Giá trị của những hy sinh ấy không chỉ đến trực tiếp từ hành động mà còn góp phần thổi lên ngọn lửa của tinh thần vị tha, cao thượng, vì cộng đồng, vì lợi ích chung, để từ đó nhân lên điều tốt đẹp, ngăn chặn và loại bỏ dần cái xấu, cái tiêu cực.

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã được sửa đổi để việc công nhận liệt sĩ linh hoạt, chính xác, đi vào thực chất hơn; để bất kỳ ai bỏ mình vì nghĩa cả đều có thể được công nhận.

Nhưng hoạt động đền ơn đáp nghĩa cần rộng khắp, trở thành trào lưu mạnh mẽ, cụ thể, thiết thực hơn nữa. Để gia đình người có công ấm no hơn, được bù đắp phần nào mất mát. Để những mẹ Việt Nam anh hùng đơn chiếc như mẹ Nguyễn Thị Kim được phụng dưỡng suốt đời. Để mỗi lần thực hiện đền ơn đáp nghĩa dù lớn hay nhỏ là một lần nhìn lại bản thân và sống tốt hơn, lưu giữ mãi màu hoa đỏ lý tưởng của tuổi trẻ thời chiến tranh trong cuộc sống hôm nay.

PHẠM CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/rung-rung-mau-hoa-do-giua-thoi-binh-post691028.html