Rưng rưng mùa hoa học trò
'Viết cho mùa hoa phượng' của tác giả Đào Phong Lan là một bài thơ nhẹ nhàng, da diết kể về một mùa hoa học trò.
Viết cho mùa hoa phượng
Em đi rồi, chùm phượng cháy trên cao
Đỏ hoe mắt một chiều rớm nắng
Nhấm chùm hoa không chua mà chát đắng
Bước chân tôi khập khiễng trước sân trường.
Trước mặt tôi là hoàng hôn
Sau lưng là cánh cửa phòng thi khóa vội
Những bàn ghế, những bảng đen ngập bụi
Tờ giấy vo tròn ném cuối giờ thi...
Chỗ em ngồi còn kia
Vệt nắng dài in hằn lên ghế
Buổi sáng nào lần đầu đến trễ
Vai run run tay lấm vệt dầu...
Em đi rồi! Chùm phượng đỏ trên cao
Cứ cháy mãi những điều chưa nói hết
Nắng chiều hôm cứ ngời lên nuối tiếc
Giá ngày xưa... Thôi đừng nhắc! Hạ tàn...
ĐÀO PHONG LAN

Mỗi khi hè về, khi những tán phượng vươn mình đỏ rực trên sân trường cũng là lúc bao nỗi niềm, bao hoài niệm cũ được khơi dậy
Mỗi khi hè về, khi những tán phượng vươn mình đỏ rực trên sân trường, cũng là lúc bao nỗi niềm, bao hoài niệm cũ được khơi dậy. “Viết cho mùa hoa phượng” của tác giả Đào Phong Lan là một bài thơ như thế, nhẹ nhàng mà da diết, giản dị mà lay động, gợi lên trong lòng người đọc cảm giác bâng khuâng, nuối tiếc và nỗi nhớ không gọi thành tên.
Ngay từ những câu mở đầu, hình ảnh mùa phượng đã được hiện lên đầy ám ảnh:
Em đi rồi, chùm phượng cháy trên cao
Đỏ hoe mắt một chiều rớm nắng
Hoa phượng thường xuất hiện vào thi, mùa chia tay, là chứng nhân lặng lẽ của một tình cảm chưa kịp gọi thành lời. Hình ảnh “chùm phượng cháy” gợi một sắc đỏ rực rỡ, mãnh liệt. Màu đỏ ấy như hằn lên mắt người ở lại, làm cay khóe mắt, làm nhòe ánh nhìn. Nắng rưng rưng trên bờ mi người đứng lại giữa sân trường vắng. Cảm giác đắng chát len lỏi vào từng câu chữ:
Nhấm chùm hoa không chua mà chát đắng
Bước chân tôi khập khiễng trước sân trường
Chùm hoa phượng ấy khi nhấm vào như cảm nhận được một phần ký ức, ngỡ ngọt ngào mà hóa đắng cay. Có lẽ vì sự chia xa, vì lời chưa kịp nói hay vì mùa hạ nào cũng để lại những khoảng trống trong lòng người trẻ nên nhà thơ mới có những cảm nhận như vậy.
Không gian trong bài thơ được mở rộng dần từ sân trường, phòng thi, bảng đen, ghế ngồi… Tất cả như một bức tranh quen thuộc của đời học sinh mà giờ đây phủ lên một lớp bụi của chia xa, của ký ức:
Những bàn ghế, những bảng đen ngập bụi
Tờ giấy vo tròn ném cuối giờ thi…
Bụi phủ lên kỷ niệm, bụi phủ lên thời gian nhưng trong lòng người ở lại, tất cả vẫn nguyên vẹn, vẫn hiện hữu như mới hôm qua.
Một chi tiết nhỏ nhưng rất đẹp và tinh tế:
Chỗ em ngồi còn kia
Vệt nắng dài in hằng lên ghế...
Vệt nắng ấy là dấu vết của một buổi học, một buổi chiều, một ánh nhìn lén lút, một chút ngượng ngùng… Giờ đây, chỉ còn nắng, còn ghế, còn khoảng trống. Vết in ấy như một dấu tích của sự hiện diện, của một kỷ niệm không thể xóa nhòa. Cái “vệt nắng dài” ấy không chỉ là ánh sáng, mà còn là hình bóng, là một phần ký ức của người ngồi nhìn.
Bài thơ tiếp tục dẫn dắt người đọc đi qua những hồi tưởng, bằng giọng kể chậm rãi, nhẹ nhàng mà thấm đẫm cảm xúc:
Buổi sáng nào lần đầu đến trễ
Vai run run tay lấm vệt dầu…
Một kỷ niệm vụn vặt, tưởng chừng không đáng kể, vậy mà lại trở thành sợi dây níu kéo lòng người. Đó là hình ảnh của cô bé học trò lần đầu đi học muộn, hốt hoảng, bối rối, lấm lem… Nhưng có lẽ chính khoảnh khắc ấy lại trở thành dấu mốc, một “vết” không phai trong lòng người đứng nhìn.
Điệp khúc “Em đi rồi!” lặp lại, như một tiếng gọi vang lên giữa trống vắng. Chùm phượng trên cao vẫn “cháy mãi những điều chưa nói hết”, vẫn cứ rực rỡ, vẫn cứ nồng nàn, nhưng lòng người thì chưa kịp nói lời yêu, chưa kịp tỏ bày, chưa kịp nắm lấy. Mùa hạ đến, mùa hạ đi và cùng với nó là những nuối tiếc, những “giá ngày xưa…”, những câu hỏi bỏ lửng không lời giải đáp.
Để rồi kết bài là một tiếng thở dài, một lời tự nhủ:
Giá ngày xưa…
Thôi đừng nhắc! Hạ tàn...
Một dấu ba chấm, một tiếng ngắt như một khoảng lặng. Người thơ tự nhủ mình đừng nhắc nữa, nhưng chính lời nhắc ấy lại là nhắc nhớ. Hạ đã tàn, hoa đã rụng, người đã đi, chỉ còn lại nỗi nhớ âm ỉ cháy, chỉ còn lại một mùa phượng đỏ trong lòng người ở lại, mỗi năm một lần lại ùa về, lại rạo rực, lại nhức nhối.
“Viết cho mùa hoa phượng” của tác giả Đào Phong Lan không phải một bài thơ dài, không nhiều câu chữ hoa mỹ, không dùng những hình ảnh quá cầu kỳ. Nhưng chính sự giản dị ấy đã tạo nên sức lay động.
Bài thơ của Đào Phong Lan là tiếng nói chung của nhiều thế hệ học trò, là câu chuyện mà ai từng đi qua một thời áo trắng cũng có thể thấy bóng dáng mình trong đó. Mỗi câu thơ như một mảnh ghép ký ức với những buổi chiều, một sân trường, một chùm phượng, một ánh mắt chưa dám nhìn, một lời chưa dám nói, một bàn tay chưa kịp nắm… Tất cả lặng lẽ trôi qua, chỉ còn lại “vệt nắng dài in hằng lên ghế” và một nỗi nhớ không gọi thành tên.
Khi đọc bài thơ, không ai không bồi hồi. Bồi hồi bởi thấy một phần thanh xuân của mình ở đó. Bồi hồi bởi những điều dang dở, những nuối tiếc chưa thành. Bồi hồi bởi hiểu rằng, mùa hạ nào rồi cũng sẽ qua, người đi rồi cũng sẽ đi, chỉ có hoa phượng vẫn nở mỗi hè, vẫn đỏ rực một góc sân trường, vẫn nhắc nhở người ở lại về một thời đã xa.
“Viết cho mùa hoa phượng” không chỉ là bài thơ của riêng một người, một mối tình. Đó là bài thơ của những ngày cuối cấp, của mùa thi, của tiếng ve, của ánh nắng chói chang… Đó là bài thơ của tuổi học trò, tuổi của mộng mơ, của ngập ngừng, của những tình cảm trong trẻo mà thiết tha.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/rung-rung-mua-hoa-hoc-tro-411123.html