Đừng đua đòi xu hướng cạo lông mi trên mạng xã hội

Trong vài tuần gần đây, các video về việc một số mày râu cắt hoặc cạo lông mi đang lan truyền trên mạng xã hội. Xu hướng này xuất phát từ ý tưởng rằng lông mi ngắn trông nam tính hơn.

Lông mi có tác dụng bảo vệ đôi mắt - Ảnh: A.I

Lông mi có tác dụng bảo vệ đôi mắt - Ảnh: A.I

Tóc và lông có thể phản ánh nhiều giá trị xã hội và văn hóa của chúng ta. Nhà xã hội học người Canada Anthony Synnott từng nhận định rằng tóc thể hiện những quan niệm ăn sâu về giới tính sinh học, như “nam và nữ có tóc khác nhau” hoặc “tóc trên đầu và lông trên cơ thể định hình đối lập giới”.

Nhưng liệu sự khác biệt về giới tính có thực sự được xác lập bởi sinh học? Và việc can thiệp vào lông mi có rủi ro gì với sức khỏe?

Giới tính có quyết định độ dài lông mi?

Hầu hết các loài động vật máu nóng đều có lông mi. Ở người, lông mi bắt đầu phát triển trong bụng mẹ từ khoảng tuần thứ 7 của thai kỳ và hoàn thiện vào tháng thứ 6.

Thông thường, chúng ta có từ 100 đến 150 sợi lông mi mắt trên, mọc thành 2 đến 3 hàng. Mí dưới có khoảng một nửa số lượng. Chiều dài lông mi thường bằng khoảng 1/3 chiều rộng của mắt. Lông mi dưới ngắn hơn (6-8mm), trong khi lông mi trên dài hơn (8-12mm). Độ dày, chiều dài, độ cong và mật độ của lông mi phụ thuộc vào di truyền, chứ không liên quan đến giới tính.

Nói cách khác, quan niệm cho rằng đàn ông “tự nhiên” có lông mi ngắn còn phụ nữ có lông mi dài, dày và đậm hơn là một sản phẩm của văn hóa, không phải sinh học. Dù bạn thuộc giới tính hay bản dạng giới nào, lông mi vẫn có nhiều chức năng quan trọng.

Lông mi dùng để làm gì?

Trước hết là bảo vệ mắt. Lông mi ngăn bụi, côn trùng, vi khuẩn, hóa chất (như keo xịt tóc, khử mùi) lọt vào mắt. Nước mắt tạo thành một lớp màng lỏng bao phủ mắt, giữ cho mắt luôn ẩm. Lông mi giúp giảm tình trạng bay hơi của lớp màng này.

Từ góc nhìn khí động học, lông mi dài trung bình (khoảng 8mm) là lý tưởng để ngăn mắt bị khô. Lông mi quá ngắn có thể khiến mắt tiếp xúc với không khí nhiều hơn, trong khi lông mi quá dài có thể tạo luồng gió thổi vào mắt. Lông mi cũng giúp giảm chói, giảm lượng ánh sáng đi vào mắt tới 24%.

Lông mi rất nhạy cảm, nên khi có vật gì chạm vào chúng, mắt sẽ nhắm lại theo phản xạ - giúp bảo vệ giác mạc. Nháy mắt cũng kích thích tiết nước mắt và phân bố chúng đều trên bề mặt mắt.

Ngoài ra, lông mi còn có thể dùng để tương tác xã hội. Nói cách khác, lông mi cũng là công cụ giao tiếp. Việc nháy mắt chậm có thể biểu đạt sự chú ý, tình cảm... và lông mi dài khiến hành động đó thêm ấn tượng, quyến rũ. Do vậy, nhiều chị em trang điểm bằng mascara hoặc đeo mi giả làm nổi bật đôi mắt, khiến chúng trông to và biểu cảm hơn.

Nếu không có lông mi thì sao?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rụng lông mi. Chẳng hạn, hóa trị trong điều trị ung thư hoặc bệnh rụng tóc từng mảng (alopecia) - một bệnh tự miễn - có thể khiến lông mi biến mất.

Một số người nhổ lông mi khi lo âu hoặc căng thẳng. Nếu không thể kiểm soát hành vi này và việc mất lông mi ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, bạn có thể mắc chứng trichotillomania (rối loạn nhổ tóc). Nếu có xu hướng cắt hoặc cạo tóc/lông thay vì nhổ, tình trạng đó gọi là trichotemnomania.

Dù nguyên nhân là gì, thiếu lông mi sẽ khiến mắt khó chịu hơn, dễ bị bụi bẩn xâm nhập, tăng nguy cơ nhiễm trùng, và khiến bạn phải chớp mắt thường xuyên hơn để tự “làm sạch” mắt. Không có lớp bảo vệ, gió và không khí dễ làm mắt bị khô và rát.

Việc cạo lông mi có nguy hiểm không?

Khi đặt lưỡi dao gần mắt, chỉ cần bạn trượt tay, bị va chạm hoặc chớp mắt bất ngờ, bạn có thể làm tổn thương mí mắt hoặc giác mạc (lớp vòm trong suốt phía trước nhãn cầu).

Bất cứ vật gì tiếp xúc với mắt cần phải tuyệt đối sạch. Nếu lưỡi dao không được khử trùng, vi khuẩn có thể gây viêm mí (blepharitis) hoặc viêm kết mạc (pink eye).

Nếu bạn lỡ cắt hoặc cạo lông mi, nang và chân lông vẫn còn dưới da mí mắt, nên lông sẽ mọc lại. Tốc độ mọc lại trung bình là 0,12mm mỗi ngày, tức 3,6mm mỗi tháng. Mất khoảng 3 đến 4 tháng để lông mi dài trở lại như cũ. Việc cạo không làm thay đổi độ dài, độ dày hay màu sắc của lông mi mọc lại - trừ khi nang lông bị tổn thương vĩnh viễn.

Giới tính, bản dạng giới và lông mi

Ví dụ, một nghiên cứu năm 2023 tại Mỹ khảo sát 319 người (142 nam, 177 nữ) đến từ nhiều sắc tộc khác nhau về độ hấp dẫn của phụ nữ theo độ dài lông mi. Kết quả: mọi nhóm đều cho rằng khuôn mặt nữ giới với lông mi ngắn hoặc không có lông mi là kém hấp dẫn nhất, bất kể sắc tộc.

Quan niệm về sự khác biệt giới tính trong lông mi vẫn tồn tại nhờ chuẩn mực xã hội và truyền thông. Những nhân vật hoạt hình minh họa rõ sự khác biệt này: Minnie Mouse có hàng mi dài cong vút, trong khi Mickey Mouse thì hoàn toàn không có.

Điều đó cho thấy: sự khác biệt về lông mi là một cấu trúc xã hội sâu sắc hơn là thực tế sinh học. Trên thực tế, mọi cơ thể và đặc điểm, bao gồm cả lông mi, đều đa dạng tự nhiên. Quyền tự chủ của cơ thể có nghĩa là nhận ra rằng các lựa chọn cá nhân về ngoại hình là hợp lệ và nên được tôn trọng mà không phán xét. Nhưng khi thay đổi cơ thể, điều quan trọng là phải biết các rủi ro về sức khỏe.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dung-dua-doi-xu-huong-cao-long-mi-tren-mang-xa-hoi-232630.html