Rừng thiêng Xít Xa
Đã bao đời nay, người Dao Đỏ ở Xít Xa, xã Minh Khương (Hàm Yên) coi rừng là nơi linh thiêng, là nguồn sống của thôn làng. Rừng có xanh thì nguồn mạch mới tươi tốt, thôn làng mới thịnh, bởi vậy, các thế hệ người dân nơi đây cứ nối tiếp nhau giữ rừng như gìn giữ báu vật cho đời sau.
Giữ gìn báu vật xanh
Rời thành phố nhộn nhịp, chúng tôi vượt chặng đường gần 70km tìm đến Xít Xa. Đón chúng tôi trong cái nắng đầu hè oi ả là những đợt gió mát từ khu rừng phòng hộ chạy dài tít tắp. Thôn Xít Xa nằm nép mình dưới cánh rừng phòng hộ, xung quanh bốn bề đều là cây xanh vươn bóng. Người dân trong thôn vẫn luôn tự hào khi nhắc đến khu rừng nguyên sinh rộng lớn, xanh ngút ngàn với nhiều loài cây gỗ quý có tuổi đời hàng trăm năm và nhiều loài động vật quý hiếm được người dân xem là báu vật.
Hướng ánh mắt về phía cánh rừng, ông Triệu Kim Sơn năm nay 70 tuổi nói với niềm tự hào, ông không biết khu rừng có từ khi nào, chỉ biết khi còn nhỏ, đã thấy những cây lim, cây nghiến to như thế này, giờ lên “lão” rồi mà cây vẫn thấy như vậy. Có những gốc cây sừng sững 3-4 người ôm không xuể, có chiều cao 25-30m, ước tính cả gần nghìn tuổi.
Đi sâu vào trong rừng phòng hộ, len lỏi dưới tán rừng cổ thụ, những thân lim, nghiến, sến, táu, trai… hàng trăm năm tuổi đứng sừng sững, đan vào nhau làm cho khu rừng trở nên uy nghi, hùng vĩ. Trưởng thôn Trần Văn Xuân chia sẻ, khu rừng được bà con gọi với nhiều tên thân thuộc, dễ hình dung như khu rừng Đá Đổ, khu Bãi Bưởi, Bãi Quýt rồi Bãi Doanh, khu vực bằng phẳng hơn thì gọi khu Bãi Bằng, Bãi Ngang, phía có thác nước chảy quanh năm gọi là khu Đát Tiên. Rừng ở đây chủ yếu là rừng phòng hộ, địa hình núi cao, hiểm trở nhưng người dân chẳng lạ khu nào cả.
Để bảo vệ khu rừng, cách đây hơn chục năm trước, người Dao Xít Xa đã lập ra tổ bảo vệ rừng cộng đồng để canh giữ khu rừng phòng hộ đầu nguồn. Tự người dân luân phiên bảo vệ mà không hề có lợi ích hay bất kỳ sự hỗ trợ gì, bởi họ hiểu bảo vệ rừng là giữ lấy nguồn sống của bản. Ông Triệu Văn Sơn nhớ lại, vào những năm 2000, có lần cây gỗ nghiến cổ thụ trong rừng bị đổ do mưa bão, ai nấy trong thôn xót xa như xót đau một con người, người dân báo chính quyền, kiểm lâm để có kế hoạch bảo vệ cây gỗ quý. “Người dân Xít Xa coi rừng như tính mạng của mình. Trong tâm trí của mỗi người dân, mất rừng là mất làng, còn rừng thì còn làng”. Cánh rừng là báu vật, nhờ có rừng, cuộc sống ở đây vẫn giữ được sự trong lành, có dòng nước mát ngọt. Hơn nữa, nhờ rừng che chở mà suốt bao đời nay vùng đất này chưa một lần phải chịu thiên tai, lũ ống, lũ quét. "Chẳng thế mà ngay từ khi còn là đứa trẻ nhỏ mới chập chững tập đi, chúng tôi đã được người lớn dạy... giữ rừng”- ông Sơn chia sẻ.
Rừng xanh, làng thịnh
Rừng phòng hộ xã Minh Khương có trên 400 ha, tập trung ở 4 thôn Xít Xa, Minh Thái, Làng Báu và Ngòi Lộc. Trong đó, Xít Xa hơn 130 ha. Những năm gần đây, cùng với biện pháp tự bảo vệ rừng, người Dao thôn Xít Xa còn tích cực tham gia nhận khoán bảo vệ rừng; kết hợp với lực lượng kiểm lâm ngày đêm tuần tra, canh gác bảo vệ từng cây gỗ, con thú trong rừng. Cả những ngày lễ Tết, khi mọi người được nghỉ ngơi, sum vầy bên gia đình thì cộng đồng người Dao dưới chân rừng phòng hộ vẫn chia ca vào rừng túc trực, canh gác cả ngày lẫn đêm.
Mấy năm trước, anh Triệu Văn Phú nhận khoán bảo vệ hơn 23 ha rừng phòng hộ. Trong những cuộc tuần tra, anh cùng các lực lượng chức năng không chỉ kịp thời phát hiện, ngăn chặn nạn chặt, phá rừng mà còn gặp gỡ, tuyên truyền cho người dân ý thức chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, vận động bà con tích cực phát hiện, cùng tham gia tố giác các đối tượng khai thác lâm sản trái phép. Vào mùa nắng nóng, anh đi tuần rừng để chủ động phát hiện nguy cơ cháy rừng, kịp thời báo cáo lực lượng kiểm lâm khu vực cũng như chính quyền địa phương để xử lý nhanh, hạn chế thiệt hại có thể xảy ra. Công việc bảo vệ rừng không quá vất vả. Anh Phú bảo, vì nhiệm vụ phải đi chứ thực ra dân làng chẳng ai động đến từng cây gỗ, con thú nào cả. Bởi, ở đây, mỗi người dân là một người bảo vệ rừng.
Thôn Xít Xa có 97 nếp nhà với trên 400 nhân khẩu, có tới hơn 95% số dân là người Dao đỏ. Nhờ ý thức tự giác của mỗi người dân mà rừng ở Xít Xa trải qua bao thế hệ vẫn xanh tốt. Bà Triệu Thị Lai năm nay 68 tuổi, người đã gắn bó nhiều năm với khu rừng này. Bà Lai nói, riêng thôn Xít Xa chẳng bao giờ xảy ra tình trạng thiếu nước bởi vì mạch nước ngầm dồi dào, quanh năm mát lạnh, phục vụ cho việc sinh hoạt, sản xuất. Có được điều đó cũng nhờ vào rừng, “rừng có xanh thì nguồn mạch mới tốt”.
Các dòng suối, mạch nước ngầm lúc nào cũng dào dạt, cung cấp cho người dân cấy lúa, trồng ngô, đem về những vụ mùa bội thu. Bây giờ, người Dao Xít Xa biết trồng thêm rừng, cam, chanh, mía, nuôi con lợn, gà, vịt, cá thương phẩm để thoát nghèo.
Cây trồng thoát nghèo chủ lực của thôn phải kể đến là cây cam. Hiện toàn thôn có hơn 46 ha cam. Vụ cam vừa qua, cả thôn thu tới gần 1.500 tấn quả. Cam của thôn cùng hòa chung với sản phẩm cam của cả huyện Hàm Yên vươn tới khắp các siêu thị, chợ đầu mối. Thấy được lợi ích từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân trong thôn đã tích cực mở rộng diện tích để đưa cây cam sành vào sản xuất, góp phần thiết thực vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo, mà còn trở thành triệu phú. Hầu như nhà nào cũng có ti vi, xe máy, con cái được học hành đầy đủ.
Gia đình anh Triệu Văn Tuấn đã cải tạo vườn tạp, mạnh dạn đầu tư trồng hơn 3 ha cam, phát triển chăn nuôi lợn để nâng cao thu nhập. Vụ cam vừa qua, nhờ chăm sóc tốt nên sản lượng cam của gia đình anh đạt gần 70 tấn quả, sau khi trừ chi phí thu lãi hơn 300 triệu đồng. Nhờ cây cam, gia đình anh đã trở thành hộ khá, giàu.
Rời Xít Xa, trong mỗi chúng tôi thực sự ngưỡng mộ và trân trọng các thế hệ người Dao Đỏ nơi đây vẫn ngày đêm bảo vệ "báu vật" thiêng liêng để cánh rừng nghiến, cây lim vẫn mãi trường tồn cùng núi non.
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/rung-thieng-xit-xa-157755.html