Rụng tóc sau sinh: Làm sao phục hồi?
Dân gian thường nôm na câu 'con biết nói, mẹ hói đầu'. Đứa trẻ bắt đầu hé miệng ê a những âm thanh đầu tiên thì cũng là lúc các bà mẹ thấp thỏm muộn phiền với chỏm tóc trên đầu rụng dần một cách không thương tiếc.
Chỉ cần chải đầu hoặc thậm chí một cái vuốt nhẹ vào mỗi sáng thì tóc đã rụng không thương tiết trong lòng bàn tay.
Do nội tiết, do stress
Giai đoạn của rụng tóc nhiều nhất phổ biến xảy ra khoảng ba tháng sau sinh, thường là tháng thứ hai đến tháng thứ bảy, bắt đầu từ khu vực thái dương, sau đó rụng lan sang khu vực đỉnh đầu.
Lượng tóc có thể giảm đến 30% nếu các bà mẹ không quan tâm đến việc chăm sóc tóc. Nguyên nhân của hiện tượng rơi rụng này là do lượng estrogen trong cơ thể bắt đầu giảm để phục hồi trạng thái như trước khi mang bầu kéo theo chứng rụng tóc.
Ngoài ra, nếu sản phụ gặp các vấn đề như căng thẳng, mất ngủ, dễ bị stress, tinh thần bất an, trầm cảm sau sinh… khiến cho vỏ não bị rối loạn chức năng, giảm cung cấp máu cho da đầu, tóc sẽ thiếu dinh dưỡng dẫn đến gãy, rụng nhiều.
Hơn nữa, trong quá trình thai nghén, nếu ăn uống thiếu khoáng chất, các vitamin, không đủ dinh dưỡng bổ sung cho cả mẹ lẫn con, thời gian ở cữ lại kiêng khem nhiều thứ cũng là yếu tố gây nhanh rụng tóc.
Sau những nguyên nhân trên thì rụng tóc ở đây chỉ là vấn đề tạm thời, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, không đủ nghiêm trọng để gây ra những đốm hói hoặc rụng tóc vĩnh viễn, và tóc sẽ trở lại bình thường trong vòng sáu đến một năm sau khi sinh.
Phục hồi lại tóc
Với những trường hợp rụng tóc do cơ thể thiếu hụt nội tiết tố, bệnh nhân cần thăm khám bác sĩ, điều trị bằng thuốc nhằm đảm bảo cân bằng nội tiết. Nếu tóc hay rụng, bệnh nhân nên tránh các thao tác: thắt bím, duỗi, cột chặt tóc, uốn hoặc nhuộm tóc quá nhiều.
Thực hiện một chế độ ăn với nhiều loại trái cây, rau quả có chứa nhiều chất flavonoid như: bông cải xanh, rau bó xôi, socola, quả việt quất, lê, táo…, chất này có công dụng chống oxy hóa có thể cung cấp, bảo vệ các nang tóc và kích thích tăng trưởng của mái tóc.
Bên cạnh đó, khẩu phần ăn hàng ngày cần có đầy đủ các chất: vitamin B phức hợp (Catergory A), Biotin (uống là thích hợp), Vitamin C (Catergory A), Vitamin E (dùng đúng liều), sắt (trong thịt cá dễ hấp thụ hơn trong ngũ cốc, hoa quả).
Ngoài ra, kẽm cũng là một nguyên tố vi lượng không thể thiếu trong quá trình tổng hợp protein và phân chia tế bào. Thiếu kẽm, sẽ có nguy cơ rụng tóc. Những nguồn thực phẩm cung cấp nhiều kẽm nhất là sò huyết, hải sản, thịt và gan. Nếu không ăn những đồ này, có thể thay thế bằng lúa mì non, pho-mát, hạt dẻ.
Nhóm vitamin B cũng đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe của tóc. Chúng giúp cho chân tóc thêm khỏe và tham gia vào quá trình sản xuất keratin. Vitamin B1 có nhiều trong men thực phẩm, lúa mì non, thịt heo nạc, lạc, giăm bông, đậu đỏ, xúc xích. Vitamin B2 có nhiều trong men thực phẩm, gan. Vitamin B3 có nhiều trong men thực phẩm, cà phê hòa tan, lạc, gan chín, cá ngừ, thịt gia cầm, cá hồi hun khói. Vitamin B6 có nhiều trong men thực phẩm, cá hồi, khoai tây.
Sau sinh, các phụ nữ dễ bị stress vì những thay đổi. Căng thẳng, áp lực là kẻ thù đe dọa mái tóc của họ. Các bài tập thiền, tập thở sẽ giúp họ giảm bớt âu lo, và có khả năng giảm luôn chứng rụng tóc. Cũng đừng quên uống đủ nước mỗi ngày giúp đẩy nhanh liệu trình đầu trị rụng tóc.
Không nên gội đầu quá nhiều lần trong một tuần và chải tóc thường xuyên trong một ngày. Nồng độ hormone tăng làm cho tóc giòn, dễ gãy khi chải hoặc cọ xát lúc gội. Nên sử dụng dầu gội đầu có chứa chất biotin và silica.
Để không phải bất an, lo lắng vì tóc rụng từng búi, trong thời gian thai kỳ thai phụ nên bổ sung nhiều chất dinh dưỡng, ăn uống đều đặn giúp cho cơ thể đủ các chất cần thiết để ngăn ngừa chứng rụng tóc sau sinh.
BS-CK1. Lê Thị Lan Phương (nguyên Phó khoa sanh A, Bệnh viện Hùng Vương)
Nguyên Cao ghi
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/rung-toc-sau-sinh-lam-sao-phuc-hoi-39172.html