Rừng trong phố

PTĐT - Vốn là thành phố công nghiệp, nhưng nhờ khai thác và phát huy hợp lý các điều kiện tự nhiên, Việt Trì đang hướng đến một đô thị xanh trong tương lai với những hồ nước và tán rừng trong đô thị.

Không gian xanh ngút ngàn của rừng Quốc gia Đền Hùng.

Không gian xanh ngút ngàn của rừng Quốc gia Đền Hùng.

PTĐT - Vốn là thành phố công nghiệp, nhưng nhờ khai thác và phát huy hợp lý các điều kiện tự nhiên, Việt Trì đang hướng đến một đô thị xanh trong tương lai với những hồ nước và tán rừng trong đô thị. Đặc biệt với 508ha rừng phía Tây Nam thành phố, trong đó có 18,7ha là rừng tự nhiên thuộc khu vực Núi Hùng, Rừng Quốc gia Đền Hùng đã thực sự làm thay đổi diện mạo đô thị Việt Trì. Hệ thống cây xanh đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc tạo giá trị cảnh quan, thẩm mỹ, điều tiết khí hậu, chuyển tải các thông điệp văn hóa tâm linh cho các di tích tại Việt Trì - thành phố du lịch về với cội nguồn các dân tộc Việt Nam trong tương lai.

Những ngày nghỉ cuối tuần tôi hay có thói quen đạp xe rong ruổi dưới những tán rừng tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Trên cung đường từ khu vực ngã ba hàng vào Khu Di tích, hai bên đường tán những cây si, sao đen, chò nâu… che bao phủ trên nền trời xanh thẳm. Mặt trời trong thành phố hầu như chỉ len lỏi qua các kẽ lá, ngọn cây. Cái nắng oi bức tự dưng mất hẳn thay vào đó không khí dịu mát, thoáng đãng mang đến sự trải nghiệm thú vị.

Những tán cây, rừng cây trên núi Hùng, núi Vặn, núi Sim, Núi Nỏn… hay những đền, chùa, lăng miếu… và cả những công trình bề thế như nhà làm việc của Khu Di tích, nhà đón tiếp khách hành hương, Bảo tàng Hùng Vương, khu dịch vụ ngã năm Đền Giếng… được che bởi cây xanh đã làm cho bộ mặt đô thị Việt Trì nói chung, Khu Di tích nói riêng trở nên đặc biệt hơn, xanh hơn. Không nhiều thành phố ở Việt Nam và trên thế giới lại có hẳn một Khu rừng Quốc gia với mật độ cây xanh dày đặc và đa dạng như ở Việt Trì hiện nay. Đây chính là giá trị tồn tại bền lâu với thời gian, với những giá trị sống đích thực.Theo tài liệu, rừng Quốc gia Đền Hùng nằm trong địa phận 4 xã: Xã Chu Hóa, Hy Cương - thành phố Việt Trì, xã Phù Ninh - huyện Phù Ninh, xã Tiên Kiên - huyện Lâm Thao. Trong đó, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng quản lý 250,07ha, số diện tích còn do chính quyền địa phương quản lý. Do được bảo vệ nghiêm ngặt và thường xuyên chăm sóc tu bổ nên cây rừng sinh trưởng phát triển tốt. Các yếu tố tự nhiên đã góp phần hình thành một thảm thực vật với các kiểu rừng. Trong đó khu rừng tự nhiên trên núi Hùng có nhiều loài động thực vật quý hiếm, thành phần loài thực vật phong phú với cây đại thụ tuổi thọ cao như thông, đại, vạn tuế, thiên tuế... rất có giá trị về mặt cảnh quan.

Theo kết quả điều tra thực vật của Trung tâm tài nguyên môi trường, ở Đền Hùng có 636 loài thực vật thuộc 429 chi của 144 họ. Trong đó có 15 loài quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam cần được bảo vệ. Ngoài 18,7ha rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt, đa số diện tích còn lại của Rừng Quốc gia Đền Hùng là rừng trồng cây bản địa xen lẫn cây keo (cây phù trợ). Cùng vườn hoa cây cảnh và hệ thống các vườn cây lưu niệm với 55 loài của 41 chi, 31 họ- là các giống cây quý, đặc trưng của các vùng miền trong cả nước do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước trồng, góp phần làm phong phú, đa dạng loài cây có ở Đền Hùng. Việt Trì đang chuyển mình từ thành phố công nghiệp sang thành phố du lịch lễ hội và hướng đến một đô thị xanh trong tương lai với những tán rừng trong đô thị và các phương tiện thân thiện với môi trường. Ngoài rừng Quốc gia Đền Hùng, Công viên Văn Lang với diện tích mặt nước, cây xanh đa dạng cũng đang dần trở thành “lá phổi xanh”, khu rừng thu nhỏ giữa lòng thành phố. Đi dọc đường hoa sữa - Nguyễn Tất Thành, đường Chò nâu - Trần Phú, đường Long não - Hùng Vương, đường Cau Vua, Hoa sữa, Lộc vừng- Hòa Phong, đến các khu đô thị mới như Licogi, Đồng Mạ, Tân Dân, Minh Nông, Việt Séc… chúng tôi đều cảm nhận được những mảng xanh tươi mát giữa lòng phố thị. Để bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa mở rộng đô thị và bảo tồn, phát triển hệ thống cây xanh, tất nhiên là phải tính toán rất kỹ, nhiều khi phải đặt ra nhiều phương án, mất nhiều công sức, đơn cử như làm sao để đào ống nước không phạm vào rễ cây, xây bờ tường không chặn vào cành cây, kéo đường dây không vướng vào tán cây… Nhưng những bài toán khó đều được giải khi mọi người đều có tình yêu và ý thức, trách nhiệm với thiên nhiên, với sự phát triển bền vững của chính nơi mình đang sống. Rừng trong phố không chỉ có tác dụng lọc nắng lọc gió, lọc cả ồn ào khói bụi, mang lại sự mát lành cho mỗi con đường, góc phố mà còn làm nên vẻ đẹp và cả nét văn hóa đặc trưng của người dân thành phố trung du suốt dặm dài thời gian.

Hải Anh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202009/rung-trong-pho-172851