Rừng xanh 'trả ơn' người

Hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng rừng, trải qua nhiều khó khăn, vất vả, gia đình ông Phạm Văn Tuyên, thôn Giáp Cư, xã Lùng Vai (Mường Khương) đã có gần 20 ha rừng xanh tốt, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Vợ chồng ông Tuyên, bà Như học hỏi kỹ thuật chăm sóc rừng từ cán bộ kiểm lâm.

Vợ chồng ông Tuyên, bà Như học hỏi kỹ thuật chăm sóc rừng từ cán bộ kiểm lâm.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường dài hàng km, xuyên qua những rừng mỡ, bồ đề, quế, xoan, keo xanh ngút ngàn, ông Phạm Văn Tuyên tâm sự: Trước đây con đường này nhỏ, khó đi, chủ yếu là lối mòn, để đưa được cây giống, phân bón vào rừng phải đi bộ mất cả buổi. Sau khi rừng “trả ơn” cho gia đình tôi những khoản thu lớn, có của ăn của để, tôi dành ra hơn 100 triệu đồng thuê máy xúc mở rộng đường, giờ xe chở gỗ có thể lên đến tận chân đồi.

Chỉ tay vào vạt cây to, cao nhất, ông Tuyên bồi hồi: Thời gian thấm thoắt trôi đi, đồi cây mỡ này mới trồng ngày nào giờ đã 20 năm tuổi, tôi chỉ giữ lại một số cây to như là kỷ niệm ngày đầu mới “chân ướt chân ráo” bước vào nghề trồng rừng.

Hơn 20 năm trước, nhiều diện tích đất nương, đồi ở thôn Giáp Cư bị bỏ hoang do đất quá khô cằn, trồng cây cây không mọc, gieo hạt hạt không nảy mầm. Đầu năm 1999, khi Nhà nước có chủ trương trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, vợ chồng ông Tuyên tiên phong thực hiện. Đợt đầu, gia đình ông trồng 3 ha mỡ. Những ngày mới bắt tay vào trồng rừng thật vất vả, cực khổ. Tờ mờ sáng, vợ chồng ông đã ra khỏi nhà để đi khai hoang, tay chân lúc nào cũng rướm máu vì vết cào của cỏ dại, của dao, cuốc. Làm đến khi người mệt lả mới tạm nghỉ để uống nước, ăn củ sắn, củ khoai rồi lại tiếp tục làm việc đến khi mặt trời lặn mới về nhà.

Những tưởng cứ chăm chỉ sẽ thành công, vậy mà thất bại sớm ập đến. Cây trồng xuống cứ héo dần rồi chết, có diện tích số cây chết hơn một nửa, số cây còn sống thì lay lắt, còi cọc, sâu bệnh. Khi đó, nhiều người thân trong gia đình, bạn bè khuyên ông bà không trồng rừng nữa. Ông Tuyên không bỏ cuộc. Ông gặp cán bộ kiểm lâm địa bàn, những người có kinh nghiệm trong nghề trồng rừng để nhờ tư vấn. Nguyên nhân cây chết, chậm lớn là do gia đình ông tự gieo giống không đảm bảo tiêu chuẩn, kỹ thuật trồng chưa đảm bảo, mùa vụ trồng rừng chưa đúng. Bên cạnh việc lắng nghe hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ kiểm lâm, kinh nghiệm của các chủ rừng vùng lân cận, ông tích cực tham gia các lớp tập huấn trồng rừng do xã, huyện tổ chức, rồi cả trên sách, báo, truyền hình.

Ông Tuyên (giữa ảnh) giới thiệu những cây mỡ gần 20 năm tuổi của gia đình

Ông Tuyên (giữa ảnh) giới thiệu những cây mỡ gần 20 năm tuổi của gia đình

Trên cơ sở kiến thức có được, ông Tuyên nhận ra quyết định đến sự thành công hay thất bại trong trồng rừng chính là cây giống. Cùng với việc lựa chọn cây giống đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thì phải lựa chọn giống cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương. Cây giống mua về được giâm ươm, chăm sóc tại vườn nhà từ 15 đến 20 ngày cho quen với khí hậu, đất đai trước khi đem trồng. Trồng rừng phải tuân thủ quy trình kỹ thuật về cuốc hố, mật độ, khung thời vụ. Trồng không được quá thưa, cũng không quá dày, bởi quá thưa khiến năng suất gỗ đạt thấp, cây dễ bị gãy, đổ; còn nếu trồng quá dày, cây chậm lớn, khó phát triển. Sau khi trồng cần chú trọng chăm sóc, thường xuyên làm cỏ, bón phân, chặt tỉa những cành, cây sâu bệnh...

Chỉ tay về phía rừng bồ đề 4 năm tuổi đang lên mơn mởn, ông Tuyên chia sẻ: Để cây phát triển tốt, ngoài yếu tố cây giống, kỹ thuật thì biện pháp chăm sóc cây năm thứ nhất rất quan trọng, bởi khi cây non không được chăm sóc, bảo vệ đúng cách sẽ dễ bị chết hoặc còi cọc, chậm lớn. Vì vậy, sau khi trồng cây xuống, hằng ngày tôi theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của cây qua màu lá và ngọn cây, nếu thấy bất thường sẽ có biện pháp điều chỉnh để cây phát triển.

Do đặc thù của sản xuất, kinh doanh cây lâm nghiệp là chu kỳ khai thác kéo dài từ 7 đến 8 năm, nhiều loài cây có giá trị kinh tế cao như quế phải hơn 10 năm mới cho thu hoạch, nên chỉ sau năm đầu tiên, gia đình ông Tuyên lâm vào cảnh khó khăn vì thiếu vốn. Để có tiền mua cây giống, phân bón và thuê lao động mở rộng diện tích trồng rừng, có lúc gia đình ông phải cầm cố hết tài sản vay vốn ngân hàng. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, tạo nguồn thu phụ trong khi chờ gỗ đến chu kỳ khai thác, gia đình ông đã trồng xen sa nhân, chè, cây ăn quả, nuôi lợn, gà dưới tán rừng.

Thời gian trôi qua, mồ hôi, công sức của gia đình đổ xuống giờ đã cho thành quả, rừng đã “trả ơn” người hậu hĩnh, những quả đồi trọc ngày nào giờ đã được phủ kín bởi màu xanh của cây rừng. Hiện nay, gia đình ông Tuyên có gần 20 ha rừng trồng, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Mô hình trồng rừng của gia đình ông còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động tại địa phương, với thu nhập 4 đến 5 triệu đồng/tháng. Ông Vàng Việt Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Lùng Vai nhận xét: Gia đình ông Phạm Văn Tuyên là tấm gương tiêu biểu của xã trong phát triển kinh tế đồi rừng. Ý chí vượt khó, làm giàu của gia đình ông là gương sáng để người dân trong xã học tập.

Chia tay gia đình ông Tuyên khi nắng chiều trải màu vàng nhạt trên những cánh rừng xanh biếc, trong tôi vẫn nhớ câu nói của bà Như, người phụ nữ vùng cao quanh năm tần tảo, nuôi ý chí làm giàu từ rừng: “Phải yêu rừng thì mới gắn bó được dài lâu với rừng, rừng mới trả ơn chúng ta”..

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/214281-rung-xanh-tra-on-nguoi