Rước Bà Chúa Xứ về với cộng đồng

Chiều tối 19/5 (nhằm ngày 22/4 âm lịch), Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam chính thức bước vào cao điểm, thông qua hoạt động tổ chức Lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa Xứ và lễ hội đường phố.

Địa điểm tổ chức trải dài từ Nhà bia liệt sĩ phường Núi Sam, khu vực Bà ngự trên đỉnh Núi Sam và kết thúc tại sân khấu Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam (phường Núi Sam, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang). Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh, sở, ban, ngành, TP. Châu Đốc cùng hàng ngàn người dân tham dự.

Nhà bia ghi danh liệt sĩ được chọn làm nơi tổ chức Lễ bái tế khởi hành lên núi, bao gồm chương trình sân khấu hóa; dâng hương.

Trước khi các nghi lễ được bắt đầu, như thường lệ, núi Sam chìm trong màn mưa khi nặng, khi nhẹ. Tuy nhiên, đến giờ tổ chức nghi lễ, trời tạnh hẳn, không khí thoáng đãng, làm nức lòng du khách xa gần.

Các đồng chí lãnh đạo, Ban Quản trị Lăng miếu núi Sam lần lượt thực hiện nghi thức dâng hương trên đỉnh núi Sam, nơi có bệ đá sa thạch tương truyền Bà từng ngự hơn 200 năm trước.

Trong Lễ phục hiện thỉnh tượng Bà Chúa Xứ xuống núi, nhiều năm nay, chiếc mão và áo khoác lộng lẫy của Bà được chọn thay thế tượng Bà, giúp thuận tiện hơn trong quá trình thực hiện nghi lễ lẫn việc lưu trữ về sau.

Lễ phục hiện nhấn mạnh vào chi tiết: Dân làng với lòng tín ngưỡng đã huy động hàng trăm người lực lưỡng đưa tượng Bà xuống núi để phụng thờ, gìn giữ, nhưng làm cách nào cũng không lay chuyển được. Khi ấy Bà bèn đạp đồng cho một người phụ nữ, tự xưng là Chúa Xứ Thánh Mẫu, mách cho dân làng biết rằng muốn đem Bà xuống núi chỉ cần 9 cô gái đồng trinh lên di tượng là được.

Quả nhiên, khi các cô gái đến khiêng thì tượng Bà trở nên nhẹ nhàng và di chuyển một cách dễ dàng. Đến chỗ miếu Bà tọa lạc hiện nay, tượng bỗng nặng trịch, không nhấc lên được nữa. Dân làng nghĩ rằng, Bà muốn ngự tại đây nên lập miếu thờ.

Buổi chiều tà, khi mọi nghi thức trên núi đã xong, chiếc kiệu được đưa dần xuống chân núi, trong sự chờ đón, quan tâm chiêm ngưỡng của hàng ngàn người dân xa gần, trong tiếng rộn rã trống lân. Đoạn đường khá xa, nhưng dòng người níu nhau mà đi, cổ vũ tinh thần cho nhau, một lòng hoàn thành tâm nguyện đưa tượng Bà xuống núi, như truyền thống đã được gìn giữ trăm năm.

Nhiều tốp nữ sinh THPT trên địa bàn TP. Châu Đốc được chọn lựa tham gia rước tượng Bà, thay phiên nhau thực hiện nghi lễ.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam là một hiện tượng sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú, đóng vai trò quan trọng trong đời sống dân gian, không chỉ đối với người Kinh, Hoa, Chăm và Khmer… ở Nam Bộ, mà còn ảnh hưởng, tác động tích cực đến đời sống tinh thần của một bộ phận cư dân khắp mọi miền đất nước. Tầm quan trọng của lễ hội thể hiện ở việc vừa mang giá trị văn hóa đặc sắc, vừa là chỗ dựa tâm linh vững chắc cho người dân trong suốt những năm qua.

Hòa cùng dòng người rước kiệu Bà từ chân núi đến miếu Bà, là lễ hội đường phố. Trong đó, không thể thiếu vắng hình tượng “nhân thần” Thoại Ngọc Hầu - mệnh quan của triều đình nhà Nguyễn, người có công tổ chức đắp đường, đào kinh, mở mang xóm ấp, phát triển sản xuất, bảo vệ biên cương, đem lại an lành và sung túc cho cuộc sống của Nhân dân. Đằng sau công lao của ông là phu nhân Châu Thị Tế, được người đời kính ngưỡng.

Phần 3 của Lễ phục hiện là Lễ bái và thỉnh Thánh Mẫu nhập miếu. Từng điệu múa, lời ca thể hiện lòng tôn kính, niềm tự hào của Nhân dân địa phương nói riêng, cộng đồng các dân tộc có tín ngưỡng thờ nữ thần ở Việt Nam nói chung.

Năm 2014, với những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cộng đồng, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam tỉnh An Giang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến năm 2024, Lễ hội được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đây là năm đầu tiên Vía Bà được tổ chức sau khi Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Qua đó, hướng đến bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, phát triển kinh tế - xã hội mà trọng tâm là phát triển du lịch địa phương. Việc tổ chức thực hành các nghi thức lễ hội truyền thống, xây dựng môi trường văn hóa, văn minh lễ hội; quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định.

G.KHÁNH - T.HÙNG - D.ANH - H.PHÚC

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ruoc-ba-chua-xu-ve-voi-cong-dong-a421090.html