Rước bệnh hiểm loanh quanh chuyện ăn rau quả mỗi ngày
Sau đại dịch, lượng người tới khám, than phiền các vấn đề tiêu hóa gia tăng mạnh. Ngoài vấn đề về sử dụng thuốc, tâm lý, stress, nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm chỉ vì sai lầm trong bổ sung chất xơ.
PGS.TS Bùi Hữu Hoàng, Trưởng khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết năm 2019, khoảng 10% người dân đến khám hoặc than phiền về các vấn đề đường tiêu hóa, nhưng sau dịch Covid-19, con số này có xu hướng gia tăng, ước chừng 15%.
"Bệnh tiêu hóa không chỉ liên quan vấn đề ăn uống mà còn do sử dụng thuốc, yếu tố tâm lý, stress" - PGS Hoàng nói.
Mỗi ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khám, phát hiện khoảng 30 trường hợp bị táo bón, 30 trường hợp viêm túi thừa đại tràng và nhiều ca ung thư đại trực tràng. Đây là những bệnh liên quan nhiều đến vấn đề ăn uống, đặc biệt là chất xơ.
Ăn ít chất xơ rất nguy hiểm
Nam bệnh nhân hơn 70 tuổi sáng dậy bất ngờ phát hiện đi vệ sinh ra máu tươi nên đi khám ngay. Nói với bác sĩ, ông khai có tiền sử táo bón kinh niên. Kết quả nội soi phát hiện vùng đại tràng sigma của ông có túi thừa bị viêm xung quanh.
Nguyên nhân gây ra viêm túi thừa này do bệnh nhân ăn quá ít chất xơ dẫn tới bị táo bón mạn tính, làm tăng áp lực trong lòng ruột già, đặc biệt là thành ruột ở vùng đại tràng sigma, khiến niêm mạc ruột bị thoát vị tạo thành túi thừa. Nếu không can thiệp sớm, chỗ viêm ở túi thừa sẽ bị áp xe, khi vỡ ra làm thoát phân ra ngoài gây nhiễm trùng ổ bụng.
Táo bón lâu ngày cũng là yếu tố nguy cơ gây ung thư đại trực tràng - xếp thứ ba trong các loại ung thư thường gặp. Không những thế, người bị táo bón lâu ngày thường khó tính bẳn gắt do chất độc ứ đọng trong cơ thể gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh.
Hậu quả nếu bổ sung chất xơ không hợp lý
Ở chiều ngược lại, vì lo sợ ít ăn rau củ quả, ít chất xơ sẽ táo bón, nhiều người bổ sung các thực phẩm chức năng viên xơ thay thế, hoặc ăn rất nhiều chất xơ, sữa chua, men vi sinh.
“Không có thực phẩm nào hoàn hảo”, TS.BS Lưu Ngân Tâm - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết. Nữ bác sĩ lấy ví dụ khi sử dụng sữa chua có men vi sinh được cho là rất tốt cho cơ thể. Mỗi ngày một hũ sữa chua này với đường tiêu hóa bình thường là hợp lý, nhưng nếu nghĩ uống nhiều càng tốt, dùng tới 5-7 hũ/ngày sẽ gây mất cân đối, rối loạn tiêu hóa.
"Có những người mỗi ngày chỉ 1-2 chai nhỏ nhưng uống liền vài ngày sẽ bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa ngay, vì thế phải tùy theo khả năng dung nạp và dùng chừng mực" - TS Tâm khuyến cáo.
Đối với chất xơ, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người Việt cần tiêu thụ từ 20-25g chất xơ/người/ngày. TS Tâm cho hay mỗi loại rau củ quả có hàm lượng chất xơ khác nhau. Trong 100g rau thơm có 3g chất xơ hòa tan, nhưng trong 100g ổi lại có tới 6g xơ tan.
Một người nên tiêu thụ 300-400g rau củ /ngày và trái cây từ 200-300g/ngày; cùng với việc uống đủ nước, vấn đề đại tiện sẽ được đảm bảo. Nếu mỗi ngày cứ ăn tới 1.000g rau, củ, quả, cơ thể sẽ có vấn đề do quá nhiều chất xơ.
Người hay đi tiêu phân đã không sệt, nếu ăn xơ hòa tan nhiều sẽ làm nặng hơn tình trạng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Ngược lại, nếu ăn nhiều chất xơ không tan kèm uống ít nước sẽ táo bón, để dài ngày sẽ phải vào viện mổ do tắc ruột hoặc loạt bệnh lý khác.
"Chế độ ăn phải cân đối, thay đổi thường xuyên" - TS Tâm khuyên. Thực tế, nhiều người nghe ăn chất xơ hòa tan nhiều sẽ tốt liền đi mua thực phẩm chức năng về uống, nhưng uống nhiều viên uống hoặc bột xơ hòa tan sẽ gây đầy bụng, chướng bụng, sình hơi.
Các bác sĩ cũng cho biết, người cao tuổi hay có các bệnh lý nền như tim mạch, tiểu đường, bệnh lý mạch máu não, dùng chất xơ quá độ sẽ gây ảnh hưởng tới sự hấp thu thuốc, làm giảm tác dụng của thuốc. Do đó cần tham vấn ý kiến bác sĩ nếu dùng thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ.