Rước họa vì bạ cái gì cũng ngâm rượu uống

Không ít dân nhậu lấy nhiều loại cây, con ngâm rượu uống cho bổ, khỏe. Song, nhiều trường hợp bổ đâu không thấy, chỉ thấy ngộ độc, thậm chí mất mạng

Những ngày này, khắp huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, đi đâu cũng nghe xôn xao về chuyện nhóm người đi rừng uống rượu ngâm hạt chân chó khiến 3 người chết, 2 người nhập viện.

Ngâm tùy tiện

Ông Nguyễn Văn Cư - một người có kinh nghiệm 20 năm chuyên hái thuốc nam, từng làm cán bộ kỹ thuật lâm nghiệp ở Khánh Vĩnh - cho biết hạt chân chó là vị thuốc quý để trị bệnh thương hàn. Tuy nhiên, khi sử dụng loại hạt này thì phải sao vàng hạ thổ, nếu không sẽ bị ngộ độc. "Trước khi ngâm rượu, hạt chân chó phải được sơ chế, dùng với liều lượng vừa phải" - ông Cư khuyến cáo.

Khi chúng tôi đưa bức ảnh chụp loại quả mà nhóm người đi rừng nêu trên lấy hạt ngâm rượu uống, ông Cư khẳng định đó không phải là chân chó. Chúng tôi tiếp tục mang thông tin và hình ảnh đến Phòng khám Y học cổ truyền Nam Sanh Đường (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), chủ phòng khám cho biết trong các vị thuốc Bắc không có loại tên là chân chó. Nói về thói quen bạ đâu ngâm rượu đó của nhiều người, ông ngán ngẩm: "Nhiều người cái gì cũng ngâm rượu mà không biết dược tính của nó thế nào. Như cá ngựa, không phải cứ bỏ nguyên con vào rượu ngâm là được, mà phải bỏ đi cặp mắt vì mắt loài này có độc tính cao. Chưa kể, nếu sử dụng rượu cồn công nghiệp ngâm thì chưa chết vì độc tính đã chết vì cồn".

Một người bị ngộ độc rượu ngâm ở huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa mới đây Ảnh: KỲ NAM

Một người bị ngộ độc rượu ngâm ở huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa mới đây Ảnh: KỲ NAM

Uống vô tư

Trên cả nước, thời gian qua ghi nhận hàng loạt ca ngộ độc rượu ngâm. Cụ thể, hồi tháng 5-2019, tại tỉnh Tuyên Quang, 2 người nhập viện vì ngộ độc rượu ngâm củ ấu tàu. Tháng 2-2019, 3 giáo viên ở xã Trà Don, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam uống rượu ngâm với rễ, lá cây rừng thì ói mửa, ngộ độc nặng. Tháng 8-2018, cũng tại xã Trà Don đã xảy ra một vụ ngộ độc rượu ngâm rễ cây móng sóc làm 2 cậu cháu tử vong. Trước đó, vào tháng 3-2018, tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, 3 người đã chết sau khi uống rượu ngâm rễ cây lạ.

Nhiều người dân TP Pleiku, tỉnh Gia Lai đến giờ vẫn còn nhớ vào năm 2017, gia đình ông H. tổ chức tiệc khai trương cửa hàng. Tại đây, nhiều người uống rượu ngâm và có 6 người ngộ độc. Sau khi xảy ra vụ việc, Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Gia Lai đã điều tra và kết luận các nạn nhân bị ngộ độc do uống rượu ngâm củ cây Thương Lục.

Lương y Nguyễn Ngữ, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Gia Lai, cho biết trong nhiều trường hợp, các bài thuốc ngâm rượu là không tốt. Bởi lẽ, rượu vốn là chất gây hại cho gan, nếu kết hợp với loại khác, nhất là loại chứa độc khó giải, thì gan càng bị nhiễm độc nặng hơn.

Thực tế, một số bài thuốc từ rượu ngâm mang lại hiệu quả điều trị hay bồi bổ nhất định. Tuy nhiên, đa phần người dân ngâm không đúng cách, nhất là ngâm các loại động vật. "Nếu làm không đúng cách, rượu ngâm động vật uống vào cơ thể không khác gì uống dung dịch thịt thối" - lương y Nguyễn Ngữ nói và khuyến cáo người có sức khỏe bình thường không nên uống rượu ngâm, muốn uống thì nên theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

Ngâm cho vui, không dám thử!

Trong nhà ông H.V.T ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum có rất nhiều bình rượu ngâm. Ngoài những loại phổ biến như rắn, tắc kè thì ông T. còn sưu tập những hũ rượu ngâm "độc" như tay khỉ, bào thai nai. Theo ông T., 2 bình rượu "độc" này ông đã ngâm trên 5 năm nhưng vẫn chưa uống thử lần nào. "Thú thực, ngâm cho vui vậy thôi chứ tôi nhìn cũng thấy ghê ghê" - ông T. nói.

Ông T. tiết lộ đang theo đuổi "ước mơ" là mỗi bậc thang dẫn lên tầng 2 căn nhà mình là mỗi bình rượu ngâm các loại. Song, ông cho biết nghe nhiều người nói cây này, con kia tốt cho sức khỏe thì tìm mua về ngâm, chứ cũng không rõ tác dụng thế nào!

KỲ NAM - HOÀNG THANH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/ruoc-hoa-vi-ba-cai-gi-cung-ngam-ruou-uong-20190714224431817.htm