Rước họa vì dùng bằng lái xe giả

Nhiều người do ngại đi thi sát hạch cấp GPLX hoặc lo sợ thi không đỗ, đã lên mạng xã hội tìm mua bằng lái ô tô, xe máy giả. Đến khi vướng vòng lao lý, họ mới thấy cái giá phải trả là quá đắt.

Vì tiền bất chấp

Đầu tháng 8 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội hoàn tất kết luận, chuyển hồ sơ sang viện kiểm sát cùng cấp đề nghị truy tố vợ chồng Phạm Văn Thuấn (SN 1997), Cao Phương Thúy (SN 1998, cùng trú tại Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) và 3 đồng phạm về tội làm giả và sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Các đối tượng trong đường dây làm GPLX giả do Phạm Văn Thuấn cầm đầu.

Các đối tượng trong đường dây làm GPLX giả do Phạm Văn Thuấn cầm đầu.

Theo điều tra, năm 2022, Thuấn thấy trên mạng xã hội có nhiều người hỏi mua GPLX giả nên nảy sinh ý định tự làm loại giấy tờ này bán kiếm lời. Sau khi tự tìm hiểu, Thuấn dùng phần mềm thiết kế để làm giả giấy tờ.

Tiếp đó, Thuấn truy cập mạng xã hội thuê cộng tác viên tìm những người có nhu cầu mua GPLX giả. Họ có nhiệm vụ thu thập thông tin của khách hàng, chuyển cho Thuấn.

Thuấn tiếp tục đưa danh sách cho Thúy và đồng phạm dùng phần mềm đồ họa để thiết kế bằng lái xe theo danh sách. Mỗi bằng lái bán được, Thuấn đút túi 300.000 đồng.

Để tránh để lại dấu vết, Thuấn và mạng lưới cộng tác viên chỉ liên lạc với nhau qua mạng xã hội Telegram, giao dịch chuyển khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử. Thuấn sử dụng căn cước công dân của một người khác để mở tài khoản phục vụ việc chuyển, nhận tiền.

Ngoài ra, các đối tượng dán tem chống hàng giả (tem giả) lên các GPLX giả mạo, sau đó chuyển cho khách hàng qua dịch vụ chuyển phát.

Trước đó, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt Lưu Công Mạnh (SN 1993) 6 năm tù cùng 11 đồng phạm (3 - 5 năm tù) trong đường dây làm giả 1.056 GPLX, thu lời 400 triệu đồng. GPLX hạng A1 được các đối tượng bán với giá 1,1 triệu đồng; hạng A2 giá 1,3 triệu đồng; hạng B1, B2 từ 2 - 2,5 triệu đồng. Còn hạng C, D, E được bán với giá từ 3 - 4 triệu đồng.

Vướng lao lý vì dùng GPLX giả

Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, trong năm 2023, cơ quan cảnh sát điều tra tiếp nhận từ lực lượng CSGT và các Tổ công tác 141 tổng cộng 15 vụ việc có dấu hiệu hành vi sử dụng GPLX giả.

Bằng lái xe giả bị cơ quan công an thu giữ (ảnh minh họa).

Bằng lái xe giả bị cơ quan công an thu giữ (ảnh minh họa).

Qua điều tra, công an làm rõ các đối tượng đều khai do ngại đi thi sát hạch cấp GPLX hoặc lo sợ thi không đỗ, họ đã lên mạng xã hội tìm mua bằng lái ô tô, xe máy giả với giá từ 700.000 - 2.000.000 đồng.

Sau khi củng cố hồ sơ, Công an quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 15 bị can về tội sử dụng tài liệu hoặc con dấu giả của cơ quan, tổ chức.

Theo Bộ luật Hình sự, người bị kết án có thể đối diện mức phạt tiền lên đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù cao nhất là 7 năm.

Gần đây, Công an TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang cũng đã khởi tố bị can đối với Vũ Mạnh Hùng (SN 1993, người địa phương) về tội sử dụng tài liệu hoặc con dấu giả của cơ quan, tổ chức.

Trước đó, Hùng lái xe trên đường thì bị CSGT dừng xe kiểm tra. Sau đó, CSGT phát hiện Hùng sử dụng GPLX hạng FC giả. Hùng thừa nhận đã mua GPLX này qua mạng xã hội với giá 6 triệu đồng.

Ngày 22/5 vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã tuyên phạt Nguyễn Minh Tuấn (trú TP Phú Quốc) 17 năm 6 tháng tù về các tội giết người; làm giả và sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Theo bản án, Tuấn lên mạng xã hội mua GPLX giả hạng C với giá 15 triệu đồng để sử dụng. Rạng sáng 17/1/2021, Tuấn cùng nhóm bạn uống bia rồi xảy ra mâu thuẫn với một nhóm khác.

Sau khi hai bên xô xát, Tuấn lái xe ô tô chạy với tốc độ 70km/h, đâm vào xe của đối thủ. Hậu quả khiến một người tử vong.

Tiếp tay cho tội phạm

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, để được cấp GPLX ô tô hay mô tô, mọi người dân có đủ điều kiện đều phải trải qua các kỳ thi sát hạch về phần lý thuyết và thực hành bắt buộc.

Việc có GPLX không chỉ là yêu cầu bắt buộc khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, mà còn nhằm đảm bảo an toàn cho chính bản thân người lái xe và người tham gia giao thông khác.

Thời gian qua, trong quá trình làm nhiệm vụ, ngoài xử lý các trường hợp vi phạm giao thông, lực lượng CSGT còn tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả, giấy đăng ký hay đăng kiểm giả.

"Với tình trạng làm giả các loại giấy tờ rất dễ dàng, một số tài xế đã có hành vi mua bán bằng lái giả để sử dụng.

Việc này mang lại hậu quả khôn lường, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông rất cao", đại diện Cục CSGT nhấn mạnh và cho biết thêm, hành vi này còn có nguy cơ tiếp tay cho tội phạm làm giả giấy tờ, tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức.

Theo một cán bộ chỉ huy Đội thuộc Phòng CSGT Công an Hà Nội, từ ngày 1/7 vừa qua, lực lượng chức năng trên toàn quốc áp dụng việc kiểm tra, kiểm soát giấy tờ của người lái và phương tiện thông qua ứng dụng VNeID.

Ứng dụng này ngoài việc giảm thời gian kiểm tra và xử lý, còn giúp CSGT phát hiện ngay lập tức người có hành vi sử dụng bằng lái giả.

CSGT khuyến cáo, hiện nay dữ liệu quản lý người lái và phương tiện đã được liên thông giữa các bộ, ngành.

Do đó, tài xế có hành vi sử dụng giấy tờ giả, đặc biệt là bằng lái xe giả sẽ bị phát hiện thông qua việc tra cứu trên môi trường điện tử.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ruoc-hoa-vi-dung-bang-lai-xe-gia-192240816002759941.htm