Ruộng đồng 'khát khô' bên đại công trình thủy nông 3.000 tỷ

Dù diện tích đất trồng lúa nằm ngay dưới chân đại công trình thủy nông 3.000 tỷ (hồ chứa nước Ia Mơr) song hàng chục hộ dân chỉ làm được 1 vụ lúa nhờ nước trời. Vụ mùa còn lại, người dân đành ngậm ngùi bỏ hoang vì không có nước.

Cánh đồng khô khốc bên thủy lợi ngàn tỷ

Khác với biển nước mênh mông phía trên hồ chứa nước Ia Mơr (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, Gia Lai) thì bên dưới lại là cánh đồng lúa khô khát. Người dân nơi đây chỉ làm một vụ lúa/năm nhưng cũng chẳng được bao nhiêu vì phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời. Và đương nhiên nửa năm còn lại, họ đành chấp nhận bỏ hoang ruộng đồng vì không có nước.

Một góc đại công trình thủy nông 3.000 tỷ (hồ chứa nước Ia Mơr) nhìn từ trên cao

Trò chuyện với PV, anh Ksor Linh (SN 1977, trú tại xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) cho biết: “Nhà tôi có 5 sào ruộng ở làng Klăh, đây cũng là nguồn lương thực chính của gia đình. Tuy nhiên, một năm chỉ làm được một vụ lúa nhờ vào nước trời, vụ còn lại đành bỏ hoang ruộng đồng vì đâu có nước. Cũng vì còn phụ thuộc vào nước trời nên năng suất thấp, thiếu nước thường xuyên”.

“Khi thấy hồ chứa nước khởi công, chúng tôi rất mừng vì sẽ canh tác được 2 vụ lúa/năm, cải thiện kinh tế gia đình. Thế nhưng, năm nay qua năm khác cũng chẳng thấy giọt nước nào. Khu vực ruộng của tôi đã thấy làm xong kênh mương nội đồng, nhưng không hiểu tại sao vẫn chưa thấy đưa nước về”, anh Linh buồn rầu nói.

Vì phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời nên mỗi năm anh Ksor Linh chỉ làm được 1 vụ lúa, tuy nhiên năng suất thấp có năm còn mất trắng

Theo tìm hiểu của PV báo Nhà Báo và Công Luận, đại công trình thủy nông Ia Mơr được xây dựng với vốn đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng. Dự án được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt từ năm 2005 với mong muốn sẽ đưa vùng biên giới của huyện Chư Prông (Gia Lai) và một phần của huyện Ea Súp (Đăk Lăk) phát triển về kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Theo thiết kế, công trình hồ thủy lợi Ia Mơr có diện tích mặt nước hơn 2.800ha, là một trong những đại công trình thủy lợi của Tây Nguyên. Dự kiến khi hoàn thành, công trình thủy lợi này sẽ tạo nguồn cấp tưới cho hơn 14.000ha đất nông nghiệp của tỉnh Gia Lai và 4.000ha đất nông nghiệp của huyện Ea Súp. Năm 2017, đập thủy lợi Ia Mơr hoàn thành, chặn dòng tích nước, có dung tích gần 180 triệu m3, diện tích mặt nước 2.800ha.

Ruộng đồng khô khát bên đại thủy nông ngàn tỷ

Đến nay, công trình thủy lợi Ia Mơr đã hoàn thành giai đoạn 2 với việc xây dựng các tuyến kênh chính Đông, chính Tây và đã triển khai xây dựng một số hệ thống kênh nội đồng đưa nước về đến ruộng người dân.

Hai đường kênh chính Đông và Tây đã hoàn thành và dẫn nước từ đập đến một số vùng tưới thuộc 2 tỉnh Gia Lai - Đăk Lăk . Tuy nhiên, một số đoạn ở trên 2 kênh chính này chưa thể xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng để dẫn nước đến ruộng của người dân.

Anh Ksor Thia (làng Krong, xã Ia Mơr) dù sở hữu hơn 2ha lúa nước nằm ngay sát đường kênh chính Tây nhưng từ trước tới nay đều phải phục thuộc vào nước trời để canh tác.

Ngay bên cạnh ruộng của gia đình anh Ksor Linh đã xây dựng kênh mương nội đồng, tuy nhiên đất lúa của anh vẫn khát khô

Anh Ksor Thia bức xúc: “Một năm gia đình chỉ làm được 1 vụ từ tháng 2-6, còn những tháng còn lại bỏ đồng hoang. Nhiều năm gặp hạn, lúa gieo xuống đều mất trắng. Ruộng tôi cách đường kênh chính chưa đến 100m nhưng không có kênh nhỏ dẫn vào ruộng nên không thể sử dụng nước từ lòng hồ thủy lợi mà nhờ vào nước trời. Mỗi khi gặp hạn, gia đình phải dùng thùng chở nước vào đổ ở ruộng. Ruộng thiếu nước nên năm làm được một vụ, khổ càng khổ hơn".

"Tôi mong muốn, chính quyền sớm triển khai xây dựng hệ thống kênh dẫn nước vào tận ruộng để dân làm được lúa 2 vụ. Nhìn kênh chính đầy nước mà ruộng lại khát khô thì quá nghịch lý", anh Thia kỳ vọng.

Chưa thể chuyển đổi vì vướng đất lâm nghiệp

Theo ghi nhận của PV, đường kênh chính Tây đã hoàn thành nhưng chưa thể dẫn nước vào đồng ruộng. Nguyên nhân là vùng tưới và hệ thống xây kênh nội đồng còn vướng diện tích đất lâm nghiệp chưa được chuyển đổi. Chính vì vậy, đã khiến cho ruộng của dân nằm sát đường kênh chính đi qua nhưng không có kênh nhỏ dẫn nước vào ruộng.

Đến nay, công trình thủy lợi Ia Mơr đã hoàn thành giai đoạn 2 với việc xây dựng các tuyến kênh chính Đông, chính Tây

Ông Hoàng Bình Yên - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Ia Mơr cho biết: “Hiện tại đã xây dựng hai tuyến chính Đông - Tây. Tuy nhiên, ở một số vị trí chưa xây dựng kênh nhánh vì còn vướng vào đất lâm nghiệp chưa chuyển đổi. Việc chuyển đổi hàng nghìn diện tích đất lâm nghiệp bị vướng còn phải chờ Quốc hội xem xét, thông qua.

Theo thống kê xã Ia Mơr có 600 ha đất nông nghiệp, trong đó có 300 ha lúa một vụ năng suất thấp. Hiện nay, 2 kênh chính dẫn nước đã hoàn thành nhưng một số vùng tưới và hệ thống xây dựng kênh mương nội đồng đang vướng đất lâm nghiệp chưa được chuyển đổi. Chính vì vậy, một số hoa màu, lúa nước của bà con chưa có đường kênh nhỏ để dẫn nước vào.

Ruộng đồng của chị Rơ Lan Ba (SN 1988, làng Klăh) khô khốc vì không có nước nên chị chỉ đành gieo giống lúa chịu hạn nhưng cũng không đạt năng suất

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ tịch xã Ia Mơr, hiện có khoảng 4.700ha đất có lâm nghiệp đang kiến nghị để chuyển đổi qua đất nông nghiệp. Nếu chuyển đổi được sẽ làm khu sản xuất và xây dựng tiếp hệ thống kênh mương nội đồng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi đang chờ Quốc hội xem xét và cho ý kiến.

Cũng theo vị Phó Chủ tịch xã này, trước mắt xã Ia Mơr đang thực hiện khảo sát lại số diện tích hoa màu, lúa nước gặp khó khăn về nguồn nước tưới. Qua đó kiến nghị xin chuyển đổi một số quỹ đất lâm nghiệp nhỏ lẻ để xây dựng hệ thống dẫn nước cho bà con, thay vì chuyển đổi hàng nghìn diện tích như đề xuất.

Cánh rừng nằm trong đề xuất xin chuyển đổi để xây dựng hệ thống dẫn nước cho bà con

“Chính quyền địa phương cũng mong cơ quan cấp trên sớm có nhiều giải pháp để thoát gỡ vướng mắc, bất cập về nước tưới cho vùng Ia Mơr”, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết thêm.

Theo chia sẻ của người dân xã Ia Mơr, phần lớn bao nhiêu năm nay họ đều nhờ trời để canh tác 1 vụ lúa, nhưng năng suất thấp, thậm chí nhiều năm mất trắng. Vì vậy, hiện nguyện vọng lớn nhất của họ chính là sớm đưa được nước về để có thể canh tác 2 vụ lúa/năm và nâng cao năng suất.

Bài và ảnh: Trần Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ruong-dong-khat-kho-ben-dai-cong-trinh-thuy-nong-3000-ty-post201279.html