Ruộng đồng ở Vĩnh Phúc, Tuyên Quang ngập nặng sau mưa lớn kéo dài

Những trận mưa lớn từ tối 22/5 kéo dài đến ngày 23/5 đã khiến nhiều đồng ruộng tại một số địa phương thuộc tỉnh Vĩnh Phúc bị chìm trong nước.

Diên tích trồng lúa và hoa màu ở Bình Xuyên, nơi có địa hình trũng và giáp sông Cầu Bòn tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc bị ngập nước mưa lũ. (Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN)

Diên tích trồng lúa và hoa màu ở Bình Xuyên, nơi có địa hình trũng và giáp sông Cầu Bòn tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc bị ngập nước mưa lũ. (Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN)

Những trận mưa lớn từ tối 22/5 kéo dài đến ngày 23/5 đã khiến nhiều đồng ruộng tại một số địa phương thuộc tỉnh Vĩnh Phúc bị chìm trong nước.

Điều đáng quan tâm ở những khu đồng ruộng bị ngập nước do mưa có các cây rau màu, lúa sắp đến kỳ cho thu hoạch.

Theo quan sát, nhiều ruộng đồng canh tác lúa, hoa màu một số thôn, xã nằm cạnh sông Cầu Bòn chảy qua huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã bị ngập nước do mưa lớn. Những khu đồng ruộng ngập nước sau mưa hầu hết là do vùng trũng.

Sông Cầu Bòn là dòng sông nhỏ hẹp, bắt nguồn của dòng sông này từ Thác Bạc trên núi Tam Đảo, đổ xuống xã Hồ Sơn hợp với suối Xạ Hương, suối Bàn Long thuộc xã Minh Quang (huyện Tam Đảo), chảy từ phía bắc xuống phía nam qua các xã thuộc huyện Bình Xuyên rồi đổ vào Sông Cánh đều thuộc huyện Bình Xuyên.

Tuy là dòng sông nhỏ nhưng mỗi khi có trận mưa lớn nước trên đồi núi... thượng nguồn đổ về thoát không kịp và dâng cao phía dưới đồng ruộng, ảnh hưởng đến hoa màu của người dân.

Chị Hân, ở thôn Gò Dẫu, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên cho biết, sáng sớm 23/5 hàng chục ruộng lúa và cây hoa màu của thôn Gò Dẫu vẫn còn nhưng chỉ vài giờ sau thì đã bị ngập nước, dẫu mưa đã ngớt nhưng nước từ thượng nguồn dồn về theo dòng sông tại địa bàn, làm cho mức nước tại đồng ruộng của thôn cũng tăng dần ảnh hưởng đến các loại cây trồng.

Người dân đang hy vọng nước lũ lụt nhanh xuống để tránh thiệt hại cho cây trồng bởi diện tích lúa của các thôn đang bị ngập mới trổ bông khoảng 10 đến 20 ngày chưa thể gặt.

Những khu đồng, khu ruộng có cây trồng ở dưới chân núi, gần các sông, kênh... ở các địa phương khác của tỉnh Vĩnh Phúc nhiều nơi cũng bị ngập, phần lớn là ngập cục bộ bởi mưa lớn vừa qua.

Trước tình hình mưa lũ bất ngờ, tỉnh Vĩnh Phúc đang chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh khẩn trương kiểm tra, rà soát, thông kê diện tích ngập lụt và vận động người dân đối phó, có các biện pháp khắc phục thiệt hại, nhất là nông dân ở nơi có địa hình canh tác trũng...

Mưa lớn cũng đã ảnh hưởng lớn đến giao thông, đi lại của người dân trên địa bàn.

Trong ngày 23/5, trên các tuyến đường chính của thành phố Vĩnh Yên như: đường trục Quốc lộ 2 đoạn qua thành phố Vĩnh Yên, đường Tôn Đức Thắng, Ngô Gia Tự, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tất Thành, khu vực đường Chu Văn An, Bà Triệu giao với các đường Dương Tĩnh, Tuệ Tĩnh thuộc phường Liên Bảo (Thành phố Vĩnh Yên)..., nước ngập sâu từ 50-80 cm.

Mưa lớn khiến nước rút không kịp, ùn ứ tràn vào nhà dân, có một số khu buộc phải cắt điện, ảnh hưởng đến sinh hoạt, làm hư hỏng tài sản, đồ dùng....

Nước ngập trên diện rộng khiến tình hình giao thông trên đường phố Vĩnh Yên trở nên phức tạp. Các phương tiện giao thông khó khăn di chuyển, nhiều người dân phải dắt bộ.

Lực lượng Cảnh sát Giao thông tỉnh Vĩnh Phúc được huy động để phân luồng, điều tiết giao thông và hỗ trợ người dân di chuyển qua những điểm nước ngập sâu...

Tuyên Quang: Hơn 540 ha cây trồng bị ảnh hưởng do mưa lớn trên diện rộng

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang, do ảnh hưởng của hội tụ gió trên cao, từ đêm 22/5 đến ngày 23/5, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn trên diện rộng, lượng mưa đo được từ 98 mm đến 146 mm.

Hơn 540 ha diện tích cây trồng bị ảnh do mưa lớn trên diện rộng. (Ảnh: Nam Sương/TTXVN)

Hơn 540 ha diện tích cây trồng bị ảnh do mưa lớn trên diện rộng. (Ảnh: Nam Sương/TTXVN)

Mưa lớn đã gây lũ trên hệ thống sông suối nhỏ, làm ngập úng ở một số vùng thấp ven sông, suối và gây sạt lở tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Mưa lớn đã gây sạt lở đất, đá vào 8 nhà dân ở huyện Chiêm Hóa và Sơn Dương, rất may không có thiệt hại về người. Mưa lớn cũng làm hơn 540 ha cây trồng bị ảnh hưởng và gần 600 con gia súc, gia cầm bị thiệt hại. Nhiều tuyến đường huyện và đường giao thông liên xã bị sạt lở; nhiều cầu tràn qua suối bị ngập khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, Ủy ban Nhân dân các huyện có thiệt hại đã chỉ đạo, phân công cán bộ chuyên môn tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó và hướng dẫn người dân chăm sóc diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do mưa lũ.

Cảnh báo từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tuyên Quang, trong ngày 23/5 trên địa bàn tỉnh vẫn có mưa to đến rất to; mực nước trên sông Lô tiếp tục tăng với đỉnh lũ tại Tuyên Quang có khả năng ở mức 18,1 m dưới mức báo động I.

Thượng nguồn sông Lô và các sông nhỏ, suối có khả năng lũ với biên độ 2-4m. Từ ngày 23-5 đến ngày 25-5 các địa phương trong tỉnh đề phòng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở các nơi có địa hình dốc, khu vực có kết cấu đất đá yếu và ngập cục bộ ở các nơi trũng thấp.

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lũ, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết.

Đồng thời, tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng, thấp thường xuyên xảy ra ngập úng để sẵn sàng phương án ứng phó.

Các huyện, thành phố chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, đặc biệt là điểm nguy cơ sạt lở cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ruong-dong-o-vinh-phuc-tuyen-quang-ngap-nang-sau-mua-lon-keo-dai/792044.vnp