Rượt đuổi, cháy nổ thật trong bộ phim hình sự 'Đội điều tra số 7'
Bộ phim 'Đội điều tra số 7' đánh dấu sự trở lại của Điện ảnh Công an nhân dân trong mảng phim trinh thám, hình sự sau nhiều năm vắng bóng. Phim có sự tham gia của nhiều diễn viên được yêu mến, và với sự kỹ tính của đạo diễn Mai Hồng Phong, nhiều cảnh hành động, truy đuổi, đánh đấu trong phim được thực hiện hoàn toàn thật.
Bộ phim do Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong, Cục trưởng Cục Truyền thông Công an nhân dân chỉ đạo nội dung. Thiếu tá Trần Nam Chung, Giám đốc Điện ảnh Công an nhân dân chỉ đạo sản xuất. Thiếu tá, nhà biên kịch Vũ Liêm viết kịch bản.
Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong, Cục trưởng Cục Truyền thông Công an nhân dân cho biết, đây là dự án quan trọng của Điện ảnh Công an nhân dân, đánh dấu sự trở lại sau nhiều năm vắng bóng ở mảng hình sự, ghi dấu ấn đậm nét ở thể loại phim truyện.
Là người tâm huyết, gắn bó và thấu hiểu dự án “Đội điều tra số 7”, Thiếu tá Vũ Liêm, Giám đốc sản xuất bộ phim chia sẻ, phim được dụng công trong việc sáng tạo, dàn dựng chi tiết cầu kỳ với mong muốn đem lại cảm xúc chân thực cho người xem. Trong phim có nhiều cảnh rượt đuổi, hành động, cháy nổ được thực hiện thật 100%, không sử dụng kỹ xảo điện ảnh.
Điểm đặc biệt nhất của phim là được thực hiện từ những vụ án có thật từng được lực lượng cảnh sát hình sự điều tra, phá án thành công. Phim gồm 100 tập, trong đó phần 1 gồm 15 tập, mỗi tập dài 30 phút, xâu chuỗi ba vụ án có thật từng xảy ra Hà Nội. Trong đó có cuộc giải cứu con tin là một cháu bé người Nhật vào năm 1999. Đây là vụ bắt cóc trẻ em là người nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam. Những tình huống nguy hiểm, quá trình truy bắt tội phạm gay cấn khiến vụ án này trở thành cuộc giải cứu con tin kinh điển.
Thiếu tá Vũ Liêm cho biết, phim lấy nguyên mẫu từ Phòng Cảnh sát hình sự Công an Thành phố Hà Nội. Bối cảnh phim được quay chính tại nhà số 7 phố Thiền Quang, cũng là trụ sở của Phòng Cảnh sát hình sự Công an Thành phố Hà Nội. Đoàn làm phim cũng quay ngoại cảnh ở nhiều địa phương khác như Điện Biên, Hòa Bình, đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Đoàn làm phim cũng nhận được sự hỗ trợ tối đa từ các lực lượng trong ngành trong quá trình thực hiện. Thiếu tá Vũ Liêm cho biết, tại trụ sở số 7 Thiền Quang, mặc dù lúc nào các phòng ban cũng vô cùng bận rộn với khối lượng công việc khổng lồ bất kể ngày đêm, phòng ốc lại chật hẹp, nhưng các cán bộ, chiến sĩ ở đây đã nhường cho đoàn làm phim nguyên 1 tuần để quay. Không chỉ hỗ trợ về không gian làm việc, các cán bộ chiến sĩ ở số 7 Thiền Quang còn bảo đảm an ninh, an toàn cho đoàn làm phim trong suốt quá trình ghi hình tại đây.
Một thuận lợi nữa mà đoàn làm phim có được, là sự ủng hộ cực kỳ nhiệt tình của các lực lượng tại các điểm quay phim, cũng như sự hỗ trợ về bối cảnh, khí tài, nhân lực để thực hiện những cảnh quay hành động hoặc những cảnh hoành tráng.
Thiếu tá Vũ Liêm cho biết, đoàn làm phim đã mượn được rất nhiều khí tài, xe, máy quan trọng cho các cảnh quay, đồng thời huy động được các chiến sĩ cảnh sát cơ động vào các vai diễn quần chúng trong phim. Thiếu tá Vũ Liêm kể, có một chiến sĩ cảnh sát cơ động trẻ, vào vai diễn trong phim phải chạy và nhảy qua rất nhiều lần, rất mệt và đau nhưng không hề kêu ca và quyết làm bằng được cho đến khi cảnh quay đạt.
Đạo diễn Mai Hồng Phong cho biết, khi nhận dự án, anh rất thích bởi từ nhỏ anh đã mê dòng phim trinh thám, hình sự. Bộ phim được sự hỗ trợ tối đa từ các lực lượng, tuy nhiên chính những sự hỗ trợ nhiệt tình ấy cũng lại là áp lực đối với anh và ê kíp làm phim. “Lúc nào tôi cũng cảm thấy canh cánh như đang mắc nợ, bởi sự kỳ vọng và hỗ trợ này” - anh chia sẻ. Chính vì thế, anh luôn đặt yêu cầu cao nhất đối với bản thân và ê kíp làm phim.
“Tôi là người cầu toàn, nhiều khi cầu toàn tới mức cực đoan, cho nên tôi muốn từng chi tiết trong phim phải đạt yêu cầu. Đối với tôi, phim hay dở đều do đạo diễn, mức độ thành công của phim sẽ do sự đón nhận của khán giả quyết định, Nhưng qua quá trình làm phim, tôi cho rằng chúng tôi không thấy hổ thẹn khi đứng tên sản xuất bộ phim” – đạo diễn Mai Hồng Phong chia sẻ.
Chính vì sự cầu toàn, kỹ tính ấy, mà toàn bộ những cảnh rượt đuổi, chiến đấu, cháy nổ… trong phim đều được làm thật. Ngôn ngữ sử dụng trong phim, đặc biệt là thoại của tội phạm trong phim cũng được thực hiện sát với thực tế, ‘và rất may là không bị cắt” - như lời đạo diễn chia sẻ.
Hà Việt Dũng, nam diễn viên đang được khán giả yêu mến trên màn ảnh nhỏ hiện nay, vào vai đội phó của đội điều tra phá án Hoàng Viết Danh. Phim “Đội điều tra số 7” được thực hiện cùng thời điểm với dự án “Cuộc chiến không giới tuyến” mà Hà Việt Dũng cũng đảm nhận một vai trong đó, cho nên có thể thấy anh đã rất nỗ lực cho hai vai diễn có tính cách trái ngược nhau như vậy.
Hà Việt Dũng chia sẻ, anh may mắn được quen một số chiến sĩ cảnh sát hình sự, biết được một số cách thể hiện ngoại hình, ngôn ngữ của họ, điều này giúp anh lựa chọn được hình ảnh phù hợp cho vai diễn. Nam diễn viên cũng cho biết, mỗi nhân vật là một số phận, đặt trong những bối cảnh, câu chuyện khác nhau, với sự hỗ trợ là lời thoại, bối cảnh, bạn diễn…, những điều này giúp anh khu biệt được các vai diễn với nhau và “tạo nét” cho nhân vật của mình khi có hai dự án diễn ra cùng một thời điểm.
Minh Hương “Vàng Anh” là gương mặt thu hút được sự chú ý của khán giả khi trở lại với phim truyền hình và tham gia một vai diễn chiến sĩ cảnh sát. Ngoài đời, Minh Hương cũng là Thượng úy công an, được đào tạo bài bản, nhưng cô vẫn đầu tư hết sức công phu cho vai diễn của mình. Minh Hương đã dành hơn 1 tháng luyện tập ở Trung tâm huấn luyện dành cho cảnh sát cơ động. Minh Hương cũng nhắc đến việc đạo diễn Mai Hồng Phong kỹ tính như thế nào, yêu cầu “chuẩn chỉ” từ làn da không được trắng trẻo, son phấn, cho đến phục trang…
Nói về sự kỹ tính của đạo diễn Mai Hồng Phong, NSƯT Tạ Minh Thảo chia sẻ, đạo diễn Mai Hồng Phong chỉnh sửa cho diễn viên từ trang phục cảnh sát, cách nói năng, thậm chí cả cách đi lại, cách ngồi. Có những cảnh quay phải làm lại đến hàng chục lần, trong đó phải kể đến cảnh rượt đuổi ở vùng núi thủy điện Mường Phăng (Điện Biên): “Chúng tôi chỉ mượn được một chiếc xe wave cũ, phanh gần như không ăn, mà diễn viên phải phóng với tốc độ 60-70km/giờ trên khu vực đường núi quanh co, dốc cao. Rất may bạn diễn viên quần chúng cũng là một người chuyên chơi xe máy và yêu thích tốc độ”.
Phim còn có sự tham gia của những cái tên được khán giả yêu mến như: NSND Mạnh Cường, NSƯT Văn Báu, Bình Xuyên, các diễn viên trẻ Trần Nghĩa, Đỗ Hòa, Đức Trung, Việt Anh, Dương Khánh…
Bộ phim được phát sóng lúc 21 giờ các ngày thứ 7, chủ nhật hàng tuần trên Truyền hình Công an nhân dân – kênh ANTV, bắt đầu từ ngày 23/12 và sẽ phát sóng đồng thời trên Truyền hình Nhân Dân, Truyền hình Quốc hội vào dịp cuối tháng 12. Ngoài ra, Điện ảnh Công an nhân dân phối hợp với các đơn vị đối tác phát sóng bộ phim trên các hạ tầng truyền hình cáp, truyền hình IPTV, truyền hình OTT, các đài Truyền hình địa phương và trên các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Facebook và Tiktok....
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ruot-duoi-chay-no-that-trong-doi-dieu-tra-so-7-post787710.html