Rượu ngâm - lợi bất cập hại
Trong y học cổ truyền, một số thảo mộc, động vật khi ngâm với rượu đúng liều lượng, sử dụng đúng cách có tác dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe nhưng khi áp dụng sai cách, người dùng có thể gặp nguy hiểm.
Khỏe đâu chưa thấy...
Hiện nay, người dân có thói quen sưu tầm lá, rễ, củ, quả cây rừng hoặc động vật, nội tạng của động vật về ngâm rượu vì cho rằng có tác dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe. Cách đây ba tháng, anh N.V.K ở TP Bắc Giang chi gần 2 triệu đồng đặt mua trên mạng 1 kg rễ, lá cây rừng về ngâm rượu.
Người bán hàng giới thiệu đây là bài thuốc gia truyền chữa bệnh đau lưng, nhiều người tin dùng đã khỏi. Thế nhưng bệnh không thấy khỏi mà sau khi uống rượu thuốc, anh K bị ngứa vùng cổ, mặt sau đó lan rộng khắp cơ thể, chân tay tê bì. Qua các xét nghiệm, anh được bác sĩ chẩn đoán bị dị ứng do độc tố lạ xâm nhập. Rất may anh dừng sử dụng và điều trị kịp thời nên chưa ảnh hưởng đến tính mạng.
Công tác tại Khoa Hồi sức cấp cứu (Trung tâm Y tế huyện Sơn Động), bác sĩ Trần Đức Văn từng phải cấp cứu, điều trị cho nhiều ca bệnh nhập viện do ngộ độc rượu. Tháng 4 vừa qua, Khoa tiếp nhận một bệnh nhân nam 42 tuổi vào viện cấp cứu sau khi uống rượu ngâm với mật mèo. Người nhà cho biết, bệnh nhân uống rượu chừng 5 phút thì xuất hiện mẩn đỏ toàn thân kèm theo tức ngực, khó thở; rất may gia đình ở gần Trung tâm Y tế huyện nên được cấp cứu kịp thời, qua cơn nguy kịch.
Trước đó vài tháng, các bác sĩ tại đây cấp cứu một cặp vợ chồng ở huyện Đình Lập (Lạng Sơn) vào viện sau khi uống rượu ngâm hạt mã tiền. Người vợ ngừng tuần hoàn ngoại viện còn chồng suy hô hấp phải can thiệp thở máy. Mặc dù thoát khỏi cửa tử song sức khỏe người chồng suy giảm rõ rệt, trở thành gánh nặng cho gia đình do không thể lao động như trước.
Gần đây ở nhiều tỉnh, TP trong cả nước liên tiếp xảy ra tình trạng ngộ độc rượu
Theo thống kê của Bộ Y tế, nguyên nhân các vụ ngộ độc từ rượu trắng chiếm khoảng 42%, rượu ngâm cây “thuốc” khoảng 36%, rượu ngâm động vật và phủ tạng (ong đất, tắc kè, mật động vật các loại…) hơn 10%… Đó là những hồi chuông cảnh tỉnh cho những người có sở thích uống rượu ngâm không rõ nguồn gốc.
ngâm, nếu nhẹ thì có biểu hiện nôn mửa, rối loạn hành vi, một số khác nặng hơn thì bị hôn mê sâu, trụy mạch, mặc dù được cứu chữa khỏi nhưng vẫn có thể phải mang di chứng nặng nề.
Theo thống kê của Bộ Y tế, các vụ ngộ độc từ rượu trắng chiếm khoảng 42%, rượu ngâm cây “thuốc” khoảng 36%, rượu ngâm động vật và phủ tạng (ong đất, tắc kè, mật động vật các loại) khoảng 10%. Đó là những con số cảnh tỉnh cho những người có sở thích uống rượu không rõ nguồn gốc.
Rượu thuốc hay rượu độc?
Ở Việt Nam, việc ngâm rượu với các loại dược liệu có nguồn gốc thực vật, động vật để bồi bổ cơ thể, chữa bệnh đã có từ lâu đời. Nhiều loại động vật, thực vật nếu dùng đúng bệnh và đúng thời điểm sẽ trở thành những bài thuốc hay trong y học cổ truyền, còn nếu dùng không đúng cách sẽ gây hại cho cơ thể.
Thực tế, nhiều người rỉ tai nhau uống rượu ngâm với các loại cây, con không rõ nguồn gốc dẫn đến suy thận, viêm gan, xuất huyết dạ dày, thậm chí tử vong. Ngoài các loại thảo mộc, người dân còn có thói quen dùng rượu ngâm động vật như: Tắc kè, rắn, cá ngựa, bìm bịp, hải sâm, phổi ngựa bạch... với mong muốn điều trị bệnh tật hoặc bồi bổ sinh lực cho cơ thể.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Cương, Trưởng Khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: “Rượu ngâm là hỗn hợp các hóa chất mà người dùng không thể kiểm soát số lượng, hàm lượng. Vì vậy, nếu ngâm và uống tùy tiện rất nguy hiểm. Rượu vào cơ thể có thể gây hại cho gan, tụy, dạ dày, đại tràng, rối loạn tim mạch, huyết áp, thần kinh, sa sút trí tuệ. Khi chụp cắt lớp vi tính những trường hợp nghiện rượu đều phát hiện tế bào não bị teo, đặc biệt là vùng vỏ não, chất xám. Giảm khả năng tư duy, mất tập trung”.
Các bác sĩ y học cổ truyền cho biết thực vật hay động vật khi đem ngâm rượu đều có tác dụng và tác hại nhất định. Người dùng không biết sơ chế, ngâm và sử dụng không đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ đều để lại hậu quả khó lường. Chẳng hạn rượu ngâm củ ấu, con rết nếu bôi ngoài da thì có thể dùng để trị phong thấp nhưng uống vào sẽ gây ngộ độc. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ từng gặp trường hợp bệnh nhân tử vong do uống phải rượu ngâm củ ấu tầu.
Theo bác sĩ Trần Văn Thi, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, mỗi loại thuốc khi ngâm rượu sẽ có liều lượng, công dụng khác nhau và không phải ai cũng sử dụng được. Nếu không nắm rõ quy trình hoặc không loại bỏ chất độc hại trước khi ngâm sẽ sinh ra độc tố sau đó. Nhiều người quan niệm tự ngâm rượu để uống sẽ an toàn và tốt cho sức khỏe song điều này chỉ mang lại tác dụng khi được thực hiện đúng phương pháp, được chỉ dẫn bởi người có chuyên môn để bảo đảm các nguyên liệu sử dụng là an toàn. Bởi nếu dùng các loại rễ cây, các loại thảo dược hay các loại động vật để ngâm rượu mà không rõ thành phần hay công dụng thì sẽ có nguy cơ gây ngộ độc cho cơ thể. Trường hợp uống quá nhiều rượu ngâm thì ngoài nguy cơ bị ngộ độc người uống còn bị nghiện rượu và bị các tác hại tương tự rượu bia thông thường.
Đáng lo ngại, có người cho rằng rượu nặng khó uống nên “sáng tạo” bằng cách ngâm rượu với một số loại hoa quả để tạo hương vị. Hoặc tùy ý ngâm, pha chế theo sở thích, bạn bè mách bảo mà không có căn cứ khoa học. Theo các bác sĩ đây là quan niệm sai lầm vì trong số những loại nguyên liệu dùng ngâm rượu chung đó có thể có một số loại kỵ nhau nên khi hòa lẫn sẽ sản sinh ra độc tố. Nhiều loại động vật hoặc phủ tạng động vật bị nhiễm ký sinh trùng, quá trình sơ chế không bảo đảm vệ sinh, ngâm sai cách thì người khỏe mạnh cũng có thể bị nhiễm khuẩn, ấu trùng xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi có nhu cầu sử dụng các loại rượu ngâm, người dân nên tìm mua dược liệu ở các cơ sở đông dược uy tín được cấp phép hoạt động và cần có sự tư vấn của thầy thuốc y học cổ truyền. Tuyệt đối không tự ý sưu tầm các loại rễ cây để ngâm rượu bởi dễ nhầm loại cây có độc tính. Về lâu dài việc lạm dụng rượu, kể cả rượu thuốc sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.
Bài, ảnh: Mai Toan
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/suc-khoe/405239/ruou-ngam-loi-bat-cap-hai.html