Rượu ngâm: Thần dược truyền miệng hay 'thuốc độc' giấu mặt?

Rượu ngâm từ lâu được xem là 'bí quyết' bồi bổ sức khỏe theo kinh nghiệm dân gian. Nhưng sau lớp vỏ thần dược ấy tiềm ẩn không ít rủi ro cho sức khỏe.

Lợi truyền miệng, hại thực tế

Phần lớn người sử dụng rượu ngâm đều tin tưởng vào tác dụng “thần kỳ” của chúng, dù ít ai thực sự hiểu rõ về thành phần dược tính cũng như liều lượng an toàn. Nhiều trường hợp tự ngâm rượu tại nhà hoặc mua từ các nguồn trôi nổi, không nhãn mác, không kiểm định chất lượng, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng: ngộ độc cấp tính, suy gan, suy thận, thậm chí tử vong.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), mỗi năm có hàng chục ca nhập viện vì ngộ độc methanol hoặc độc tố tự nhiên từ các loại dược liệu, động vật ngâm rượu. Một số trường hợp đau lòng xảy ra chỉ vì uống rượu ngâm “cho bổ” trong các dịp tụ họp, lễ Tết.

 Một ca nhập viện vì ngộ độc methanol. Ảnh minh họa

Một ca nhập viện vì ngộ độc methanol. Ảnh minh họa

Đơn cử, một vụ ngộ độc methanol nghiêm trọng vừa xảy ra khiến 6 người cùng quê Tiền Giang nhập viện sau khi uống rượu ngâm trái cây trong chuyến du lịch tại Ninh Thuận. Đáng tiếc, anh P.N.Q.K. (25 tuổi) đã tử vong do ngộ độc methanol mức độ nặng, biến chứng phù não, tổn thương đa tạng.

Theo Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, nồng độ methanol vượt ngưỡng đo. Rất may nhờ phát hiện sớm, 5 người còn lại được cấp cứu kịp thời, tránh hậu quả nghiêm trọng hơn.

Trước đó, một vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng khác xảy ra tại TP Đông Triều (Quảng Ninh) khiến 5 người nhập viện, trong đó ông L.Đ.V. (49 tuổi, xã An Sinh) đã tử vong.

Theo điều tra, nhóm người này uống rượu trắng, sau đó tiếp tục uống rượu ngâm rễ cây rừng. Vài giờ sau, tất cả xuất hiện triệu chứng choáng váng, buồn ngủ, mệt mỏi, được đưa đi cấp cứu. Ông V. không qua khỏi và tử vong vào chiều cùng ngày.

Tràn lan rượu ngâm online

Chỉ cần gõ cụm từ “rượu ngâm” trên các nền tảng mạng xã hội, người dùng sẽ ngay lập tức bắt gặp hàng loạt tài khoản cá nhân và cửa hàng online rao bán rượu ngâm với những lời quảng cáo dồn dập, phần lớn xoay quanh công dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực, chữa mất ngủ, đau lưng, mỏi gối…

 Một trang quảng cáo rượu ngâm trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Một trang quảng cáo rượu ngâm trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Một trong những tài khoản nổi bật là “Rượu ngâm cô Bảy”, tự giới thiệu là nhà phân phối hơn chục loại rượu ngâm mang tên gọi lạ như: rượu bạch mã hoàng tử, rượu tắc kè hoa, rượu khủng long... Trong đó, sản phẩm được quảng bá nhiều nhất là rượu ngâm “hoa quả sơn”, được giới thiệu là kết tinh từ 7 loại thảo dược quý trên đỉnh núi Cấm (An Giang). Giá một chai 1 lít lên tới 800.000 đồng, các loại khác dao động từ 500.000 đến 650.000 đồng/chai. Tất cả đều miễn phí giao hàng trên toàn quốc.

Không dừng lại ở đó, nhiều tài khoản khác cũng gia nhập thị trường này với hình thức bán hàng tương tự. Tài khoản “Rượu Quý Rừng Xanh” quảng cáo chuyên rượu ngâm động vật như bìm bịp, rắn hổ mang, ong đất... đi kèm những cam kết “hiệu quả thấy rõ sau 7 ngày sử dụng”. Giá các loại này dao động từ 500.000 đến 1,5 triệu đồng/lít, tùy nguyên liệu. Một số người bán còn nhấn mạnh sản phẩm được ngâm bằng rượu nếp thủ công, không pha cồn, không chất bảo quản và “được phép hoàn trả nếu phát hiện hàng giả”.

Rượu ngâm trôi nổi: Ai đang kiểm soát thị trường ngầm này?

Trong khi các loại thực phẩm, dược phẩm đều phải trải qua quy trình kiểm định nghiêm ngặt, thì thị trường rượu ngâm – vốn được quảng bá như một “thần dược” cho sức khỏe – lại đang hoạt động gần như không có rào cản. Việc buôn bán rượu ngâm tràn lan trên mạng xã hội, thậm chí được phục vụ công khai trong các nhà hàng, quán nhậu từ bình dân đến cao cấp, đang đặt ra dấu hỏi lớn: Ai đang kiểm soát thị trường này?

Một trong những vấn đề nghiêm trọng là hầu hết các loại rượu ngâm hiện nay không hề có chứng nhận y tế, không phân tích thành phần, cũng không được kiểm định chất lượng. Người bán chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân hoặc những lời truyền miệng để giới thiệu và tư vấn công dụng cho khách hàng. Trong khi đó, người tiêu dùng, vì tin vào quảng cáo hoặc truyền thống “rượu thuốc”, lại ít khi đặt câu hỏi về tính an toàn của thứ mà họ đang uống.

Đáng lo ngại hơn, nguyên liệu ngâm rượu – từ các loại rễ, vỏ cây đến động vật hoang dã – hoàn toàn có thể chứa độc tố tự nhiên nếu không được sơ chế đúng cách. Một số loài như rắn hổ mang, tắc kè hoa, hải mã... thậm chí nằm trong danh sách động vật hoang dã cần được bảo vệ. Việc sử dụng chúng không chỉ tiềm ẩn rủi ro sức khỏe mà còn vi phạm các quy định về bảo tồn và đa dạng sinh học.

Công tác kiểm soát rượu ngâm cũng đang gặp nhiều bất cập. Một cán bộ quản lý thị trường thẳng thắn thừa nhận: “Kiểm tra rượu thì dễ, nhưng kiểm tra cái gì ngâm trong rượu mới là cực hình. Có con rắn, tay gấu, chim quý nào ngâm trong đó, cũng không dễ xác minh. Rượu thì đưa ra quản lý thị trường, còn động vật ngâm trong rượu lại phải chuyển cho kiểm lâm, khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn”.

Cơ chế quản lý chồng chéo, thiếu sự phối hợp giữa các ngành như y tế, quản lý thị trường, kiểm lâm, thú y… khiến cho thị trường rượu ngâm rơi vào trạng thái “tranh tối tranh sáng”, tạo điều kiện cho những người kinh doanh trục lợi. Trong khi đó, người tiêu dùng – đối tượng chịu rủi ro trực tiếp – lại gần như không được bảo vệ.

Đã đến lúc cần có một hành lang pháp lý rõ ràng và chặt chẽ hơn đối với thị trường rượu ngâm, từ khâu sản xuất, nguyên liệu, phân phối đến quảng cáo. Bởi nếu không có biện pháp quản lý phù hợp, loại hình kinh doanh “nửa thực phẩm, nửa dược phẩm” này sẽ tiếp tục phát triển theo hướng tự phát, tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng và cả hệ sinh thái tự nhiên.

Thiên Bảo

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/ruou-ngam-than-duoc-truyen-mieng-hay-thuoc-doc-giau-mat-post1542894.html