Rượu ngàn năm liệu có an toàn?

Rượu vang có lịch sử lâu đời với bằng chứng việc sản xuất vào khoảng năm 6000 trước Công nguyên (TCN) ở Georgia.

Chai rượu 1.700 năm được phát hiện ở Speyer, Đức.

Chai rượu 1.700 năm được phát hiện ở Speyer, Đức.

Gần đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện những chai, bình rượu còn nguyên vẹn có niên đại hàng ngàn năm. Vấn đề đặt ra hiện nay là liệu chúng an toàn để nhấm nháp hay không?

Nguyên vẹn sau 1.700 năm

Vào năm 1867, một chai rượu dung tích 1,5 lít đã được phát hiện trong ngôi mộ cổ của đôi vợ chồng quý tộc La Mã gần thành phố Speyer ở Đức. Theo các nhà khoa học, chai rượu còn nguyên vẹn nhờ được niêm phong ở miệng chai bằng một lớp sáp mỏng. Ngoài ra, người xưa còn nhỏ dầu ô liu phủ lên bề mặt rượu để tránh không khí có thể tác động khi lớp niêm phong bị rò rỉ.

Giờ đây rượu trong chai đã trở thành một chất sền sệt, trông giống như nhựa đục và dường như đã mất hết hàm lượng ethanol. Mặc dù đã được một nhà hóa học phân tích bề ngoài vào đầu thế kỷ 20, chai rượu Speyer chưa bao giờ được khui ra. Các nhà sử học đương đại đã tranh luận trong nhiều năm về việc liệu có nên mở chai để kiểm tra rượu bên trong hay không.

Năm 2011, người đứng đầu bộ phận sưu tập của Bảo tàng Ludgar Tekampe nói rằng, cảm giác thật kỳ lạ khi ông chạm vào cái chai vì không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu mở nó ra.

Ông nói: “Chúng tôi không chắc liệu nó có thể chịu được cú sốc khi tiếp xúc với không khí hay không. Nó vẫn ở dạng lỏng và một số người cho rằng cần phải phân tích khoa học loại rượu này để đánh giá độ an toàn nhưng chúng tôi không chắc chắn có mang lại kết quả gì không”.

Điều thú vị là xét về mầm bệnh, có thể rượu vẫn đủ an toàn để uống. Một chuyên gia về rượu vang cho biết: “Về mặt vi sinh học, rượu có thể không hư hỏng. Nhưng chắc chắn nó sẽ không mang lại sự thích thú về khẩu vị”.

Trong khi đó, những người có trách nhiệm ở Bảo tàng Lịch sử Pfalz tại Đức, nơi chai rượu được lưu giữ, đã lập luận rằng, nó nên được giữ kín để tránh làm ảnh hưởng đến chất lỏng được bảo quản một cách kỳ diệu hơn ngàn năm qua, trong khi đó các nhà vi trùng học nhấn mạnh, việc mở chai có thể gây nguy hiểm cho môi trường xung quanh.

 Hũ tro cốt hỏa táng chứa rượu đã qua 2.000 năm ở Carmona, Tây Ban Nha.

Hũ tro cốt hỏa táng chứa rượu đã qua 2.000 năm ở Carmona, Tây Ban Nha.

Trong bình tro cốt 2.000 năm

Cách đây 5 năm, một ngôi mộ La Mã có niên đại khoảng 2.000 năm ở Carmona, Tây Ban Nha, tình cờ được phát hiện còn nguyên vẹn do không bị những kẻ trộm chạm tới. Qua khai quật, người ta thấy mộ có tám loculi (hoặc hốc chôn cất), hai trong số đó trống rỗng, còn sáu có chứa hiện vật là những chiếc bình làm bằng thủy tinh, chì, đá vôi hoặc đá sa thạch, mỗi chiếc chứa hài cốt của con người.

Hai chiếc bình được khắc tên Senicio và Hispanae. Đặc biệt, trong một chiếc bình thủy tinh, người ta phát hiện cùng với xương hỏa táng của một người đàn ông và một chiếc nhẫn vàng là gần 5 lít chất lỏng màu đỏ. Các chuyên gia đã xác định chất lỏng đó thực chất là rượu, sau khi phân tích thành phần hóa học của nó.

Đây một loại rượu vang trắng nhưng màu sắc có thể thay đổi theo thời gian. Nó có niên đại khoảng 2.000 năm và được xem là loại rượu lâu đời nhất được tìm thấy cho đến nay, phá vỡ kỷ lục của chai rượu Speyer kể trên.

Ban đầu, các nhà khảo cổ không tin rượu có thể tồn tại nguyên vẹn trong hơn hai thiên niên kỷ. Tuy nhiên, nhờ điều kiện bảo quản đặc biệt của ngôi mộ, được phong kín hoàn toàn nên chất lỏng được bảo quản, không bị ô nhiễm từ bên ngoài.

Các nhà nghiên cứu lưu ý: “Vì chất lỏng chứa trong bình tro cốt có niên đại khoảng 2.000 năm nên việc xác định thành phần nguyên tố của nó là vô cùng quan trọng, bởi vì bất kỳ chất hữu cơ nào trong đó đều phải có hàm lượng rất thấp hoặc đã biến mất hoàn toàn”.

Qua phân tích, họ nhận thấy thành phần khoáng chất của nó tương tự như rượu sherry và rượu fino hiện đại từ Tây Ban Nha. Nó cũng chứa bảy polyphenol, hợp chất chống oxy hóa tự nhiên, chỉ có trong rượu vang.

Nhưng… có thể uống nó được không? Theo một số nhà nghiên cứu, chất lỏng không chứa nguyên tố độc hại nào với số lượng đáng kể, đồng thời phân tích cũng không tìm thấy bất kỳ vi sinh vật gây hại nào. Về nguyên tắc, loại rượu này sẽ không gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng có lẽ khó có ai can đảm nhấm nháp nó.

Mặc dù rất ngạc nhiên khi tìm thấy loại rượu lâu đời nhất trên thế giới bên trong ngôi mộ La Mã này, nhưng các nhà nghiên cứu đều biết người La Mã đã sử dụng rượu vang như một phần trong nghi thức lễ tang của họ.

Về nghi thức chôn cất, họ giải thích thêm: “Khi hài cốt hỏa táng được đặt trong đó, chiếc bình phải được đổ đầy rượu theo một nghi thức tống táng nhằm giúp những người đã khuất chuyển đổi sang một thế giới tốt đẹp hơn”.

Ngoài loại rượu lâu đời nhất trên thế giới, các nhà nghiên cứu còn ghi nhận nhiều đồ vật khác nhau trong các chiếc bình khác, bao gồm nhẫn, “tấm ngà voi” có lẽ từng thuộc về một chiếc hộp được đốt trên giàn hỏa, lọ, bát, một chiếc đĩa có thể từng đựng thức ăn và đồ uống, và một chai làm bằng pha lê đá - được gọi là unguentarium - chứa nước hoa hoắc hương.

Hiện, hai loại rượu ngàn năm này đang được bảo quản rất kỹ như chứng tích về một thức uống độc đáo của người xưa.

Theo Ancient-origins và Allthatsinteresting

Lê Du

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ruou-ngan-nam-lieu-co-an-toan-post691279.html